DOANH TRẠI PETŐFI Kỳ 10: Chuyện tầm sư học đạo - VNKATONÁK

Latest

About

Wednesday, January 11, 2006

DOANH TRẠI PETŐFI Kỳ 10: Chuyện tầm sư học đạo

Cả hội đi giã ngoại

Đoàn 10 người trước khi sang Hung được cấp trên bố trí cho học tiếng Nga, sau mới chuyển qua học tiếng Hung, nên võ vẽ chút ít tiếng Nga. Đoàn sang vào tháng 4 năm 1975 bắt nhịp vào học luôn, vì vậy thời gian học tiếng Hung đến tháng 1 năm 1976 coi như kết thúc (học hết sách mất rồi). Đến tháng 6 mới bế giảng khóa học dự bị, đâm ra thừa ra 5 tháng, chẳng lẽ chơi không. Thủ trưởng Sanh đề nghị Body elvtárs cho đoàn này học thêm tiếng Nga (do một thầy giáo bên Intézet dạy, Bộ quốc phòng Hung phải chi thêm tiền) "cho nó khỏi phí phạm những kiến thức đã thu thập được trước đây". Vả lại, ai cũng đinh ninh rằng học thứ tiếng này "không bổ ngang cũng bổ dọc", vì tài liệu khoa học kỹ thuật của thế giới "chủ yếu viết bằng tiếng Nga", "mà nếu có tài liệu nào viết bằng tiếng Mỹ, thì Liên Xô người ta chủ động dịch ngay ra tiếng Nga ngay, không sợ!"



Cô giáo Somógyi Péterné dạy tiếng Hung cũng biết chút chút tiếng Nga, vốn là thứ tiếng phổ cập rộng rãi ở các nước trong phe XHCN. Một lần, trong giờ tiếng Hung, có một học viên giả vờ hỏi cô từ "con voi" tiếng Nga gọi là gì, cô ngượng đỏ mặt, không trả lời, vì hình như trước đây đã có học viên quân sự nào đó đã hỏi cô câu này. Anh ta còn nhiệt tình tiết lộ bí mật của câu hỏi "quái chiêu" này.

Cùng các thày cô dạy tiếng Hung
Hết khóa dự bị, ra học ngoài đại học, một số người vẫn say sưa học thêm tiếng Nga. Một điều kiện vô cùng thuận lợi là Liên Xô có Nhà văn hóa khoa học xô-viết tọa lạc ở ngay trung tâm, gần bến xe buýt số 7, số 1, và gần ga tàu điện ngầm, điều kiện tham khảo sách báo, phim ảnh đầy đủ, miễn phí. Thư viện ở đây thuộc loại trung bình, nhưng có mối liên lạc trực tiếp với thư viện Lê-nin ở Mát-xcơ-va, nên hễ cuốn sách giáo khoa hay khoa học kỹ thuật nào bằng tiếng Nga không có trong hộp phích, hoàn toàn có thể nhờ các bà thủ thư (đa phần chưa chồng, hay không lấy chồng) đặt hàng hộ, chỉ dăm hôm sau là máy bay chở sang. Nhiều khi, thầy giáo Hung giảng bài trên lớp và viết tên cuốn sách Nga cần đọc lên bảng, nheo nheo mắt mỉm cười ý nhị chua thêm: "Tao tin là nếu ngay bây giờ đứa nào trong chúng mày chạy ngay đến thư viện trường để mượn thì cũng không chắc mượn được, vì quyển này hiếm lắm. Cái hồi tao đang là sinh viên đã không bao giờ thấy nó sủi tăm rồi". Ba bốn hôm sau, mấy học viên quân sự trưng cho thầy xem quyển sách và hỏi: "Dạ thưa thầy, có đúng quyển này không ạ?". Độ ba bốn lần, thầy lác hết cả mắt. Về nguồn gốc "moi" ra quyển sách, các học viên quân sự biết cách giữ bí mật.

Các bà già thủ thư còn là một nguồn khai thác thông tin vô tận. Những dịp 7-11 kỷ niệm cách mạng tháng Mười, hay 9-5 kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, bên Hung (mà chắc là 13 nước XHCN đều thế cả!) hay tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Liên Xô. Các bà già kia, một chữ Hung bẻ đôi không biết – các bà không quan tâm đến báo chí Hung, truyền hình Hung, vì sống trong một môi trường thuần Nga – nên quân ta ung dung mang các câu hỏi ra hỏi các bà ấy, tất nhiên là hỏi bằng tiếng Nga. Mười câu thì chín câu các bà ấy trả lời kapásból (ngay tắp lự), còn câu nào kho khó thì các bà ấy tranh nhau tra từ điển bách khoa toàn thư giúp quân mình. Thành thử, đã mấy lần quân ta giật giải nhì ba tư gì đấy. Khổ nỗi là phần thưởng khá nặng, theo đúng nghĩa đen của từ này: khoảng 10–20 cuốn sách Nga dày cộp, có cả sách văn học. Nhận phần thưởng xong, quân ta phải vội vã đi tìm những chiếc ô-tô buýt có số lạ huơ lạ hoắc phi ra vùng ngoại ô hay những chỗ vắng người, tống vội cái đống phần thưởng vô tích sự ấy vào... thùng rác. Vừa tống vừa nhìn trước nhìn sau: công an nó mà bắt được thì chết!

Nhà văn hóa khoa học xô-viết còn là một rạp chiếu phim Liên Xô lý tưởng. Các phim ở đây không "thèm" dịch ra tiếng Hung, không làm phụ đề, cứ để nguyên gốc. Phòng chiếu phim hoạt hình mở cửa lúc 5 giờ 30 chiều. Chúng tôi đã xem trên dưới 50 tập "Hãy đợi đấy" ở đấy. Phòng chiếu phim truyện và phim tài liệu mở cửa lúc 3 giờ chiều. Toàn phim hay.

Thú vị nhất là Câu lạc bộ tiếng Nga. Ai cũng có thể đăng ký tham gia câu lạc bộ tiếng Nga miễn phí, bởi giáo viên là các tình nguyện viên, vốn là học sinh phổ thông trung học cỡ tuổi 14-16, theo bố mẹ sang học tập ở nước Hung (bọn này biết nói trọ trẹ tiếng Hung). Buổi nhận thầy nhận trò diễn ra trang trọng, y như nhận đôi biểu diễn vũ điệu "Đa nuýp xanh". Các cô giáo Nga xinh xắn trẻ măng tóc tết hai bím, cài nơ to, mặc váy ngắn có hai dải vắt chéo qua ngực đứng một hàng. Các học viên xếp một hàng. Hai bên đưa mắt chọn nhau, thấy có vẻ hợp hợp thì xông lên tạo thành cặp (tiếng Hung nó gọi là pározni hay párolni). Sau đó, tự do tiến hành thực tập tiếng Nga theo hình thức "một thầy một trò", chẳng hạn như kể lại một câu chuyện cổ tích của Việt Nam bằng tiếng Nga, hay tay trong tay tập hát một bài dân ca Nga, vừa hát vừa nhảy múa. Nói chung học rất hiệu quả, khỏi cần các thủ trưởng phải giục.

Nhà văn hóa khoa học xô-viết còn là một nơi... nghỉ ngơi lý tưởng. Trong khi các bạn Hung hò nhau vào quán rượu (kócsma), cửa hàng bán đĩa nhạc để giải sầu, hay nằm vật vạ trong các ghế băng dọc hành lang nghỉ trưa đợi đến tiết học sau, thì quân ta ung dung chui vào Hội trường lớn, Hội trường nhỏ của Nhà văn hóa làm một giấc ấm cúng. Đi toa-lét trong đó cũng sạch hơn rất nhiều so với toa-lét trong trường (xin kể thêm, toa-lét trong trường đại học, nhưng có rất nhiều hình vẽ bậy bạ, lời lẽ tục tĩu trên vách, lại còn bị khoét lỗ giữa các ngăn, nói chung là mất văn hóa kinh khủng).

Trước ngày lên đường về phép, mấy anh em luyện chiêu tiếng Nga, song hành với tiếng Trung (sẽ nói kỹ hơn ở dưới), bằng cách nghe băng cát-xét. Chủ đề hỏi đường và mua bán được tập trung quyết liệt. Học đến mức, ngủ mê nói lẫn cả ba thứ tiếng là chuyện bình thường.

Học điện tử

Có một lần, trong cuộc họp chi đoàn, ai đó đưa ra ý tưởng cần nâng cao thêm kiến thức, bằng cách "tận dụng chất xám" các anh nghiên cứu sinh trong doanh trại. Thế là đoàn trưởng xuống đặt vấn đề với các anh, được vui vẻ chấp nhận ngay. Anh nào chưa có kiến thức về điện tử thì phải bổ túc về lĩnh vực này. Sáng chủ nhật, cả thầy lẫn trò phải tranh thủ 1 tiếng đồng hồ hì hục giảng giải cho nhau. Những là chuỗi Fourrier, điều tần, điều biên, điều pha... loạn hết cả đầu. Vô tư đến mức trò chẳng chiêu đãi được thầy, mà còn "xâm phạm" kịch liệt nước trà và bánh ngọt của thầy. Kết quả khoá học là thầy và hai trò rủ nhau đi học thêm tiếng Nga ngoài phố, và nhờ thế, bọn Hung trong lớp tiếng Nga nó mới mách cho cái rạp chuyên chiếu phim Nga (không dịch) dành cho lính Nga và những người yêu thích tiếng Nga với giá vé tháng... không tin nổi: 1 phô-rinh. Xem những phim này (Số phận một con người, Đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Bác sĩ Zi-va-gô, Thằng ngốc, Tội ác và trừng phạt, Chiến tranh và hòa bình, Con đường đau khổ, Sông Đông êm đềm, Chủ nghĩa phát xít những ngày thường, Sám hối...) đầu óc căng ra như dây đàn, vì vừa xem vừa đoán, mệt kinh khủng, rồi đi xem về muộn, đồ ăn dưới nhà ăn nguội tanh nguội lạnh. Thầy khuyến khích trò đi xem và "láo toét" bảo: "Chúng mày cố mà xem. Bên nước mình, chúng nó cấm chiếu những phim này, cho là phim xét lại". Thầy còn dặn: "Ban chỉ huy có hỏi, ta cứ thống nhất nói là đi học thêm tiếng Nga nhé!".
  

Học triết học

Triết học là môn học khó. Năm thứ ba trên đại học, thầy giáo triết trông còn trẻ nhưng nghiêm khắc, chúng tôi ớn thầy đến tận xương tận tủy. Thầy bắt tự đọc những "tác phẩm kinh điển" dày cộp và ngày mai đến lớp trình bày cho cả lớp nghe. Ai phát biểu sẽ được thầy mở quyển sổ nhỏ chấm vào đó một chấm (hay đánh một dấu cộng, tôi không thủng). Cuối kỳ, thầy bắt làm một bản thu hoạch, cấm chép sách. Ai chép sách sẽ phải chịu hình phạt đáng sợ là vào thi vấn đáp. Sát đến ngày nộp bài, tôi vẫn chưa viết được 1 trang nào. May mắn thay, nhờ rong chơi chỗ mấy anh nghiên cứu sinh nên mượn được một quyển sách triết mỏng bằng tiếng Việt, trong đó có một bài luận của ăng-ghen về "Vai trò của số 1 và số 0". Đại loại, bọn tư bản nó quan niệm quần chúng nhân dân chỉ là những con số 0 to tướng, có ghép lại đứng bên nhau bao nhiêu đi chăng nữa thì vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Còn nhân vật lịch sử thì như con số 1. Có anh ta dẫn đầu một cái, cả đám quần chúng nhân dân kia lập tức có ý nghĩa ngay. Tôi chép lấy chép để và tự dịch ra tiếng Hung. Hôm đến thầy, thầy rất vui, đại ý bảo bọn Hung cùng lớp không đứa nào nộp bài ra hồn, thầy bắt thi vấn đáp cả nút. Ngần ngừ thầy giãi bày, thầy vốn không phải là sinh viên ngành Triết, nhưng vì muốn theo đuổi ngành học của mình nên phải chịu hy sinh, xin làm giáo viên môn Triết, để thỉnh thoảng còn có cơ hội tham dự xê-mi-na của các giáo sư ngành học của thầy. Môn này có số giáo sư tiến sĩ nhiều nhất trường, nhưng khan hiếm giáo viên trẻ. Môn này có một đặc điểm là khi làm tiến sĩ nếu nói khác với người khác là nguy (chả bù cho các môn khoa học khác, khi làm tiến sĩ nếu nói giống với người khác là nguy). Bài thu hoạch của tôi, thầy không thấy có trong sách (?!), vì vậy thầy rất tâm đắc và cho rằng tôi đã "lao động nghiêm túc". Không tầm sư học đạo, liệu tôi có viết được bản thu hoạch đó hay không?

Học tiếng Trung Quốc

Chắc nhiều người chưa biết chuyện Đoàn 10 người học... tiếng Tàu. Chả là sắp về phép, lại đi bằng tàu hỏa, cả bọn nghĩ kế "tận dụng" vốn liếng tiếng Tàu của "tướng Khôi", vốn trước đây học đại học ở Trung Quốc, đã từng đi phiên dịch cho Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ.

Cách học rất đơn giản. Chủ yếu học nói và nghe. Mười giờ tối, lên giường tắt đèn. "Tướng" Khôi ê a một câu, anh em ê a theo. Câu nào nghe không rõ thì phiên âm ra. Học thêm ngữ pháp sơ đẳng cho biết cách luận ra cách thức mở rộng, "học một biết mười". Có nhiều mẫu câu rồi, chỉ cần học thêm từ là ghép thoải mái. Tướng Khôi bảo, chúng mày học 'ủa" 3 tháng, đảm bảo về đến Bắc Kinh không sợ lạc, đi chơi thoải mái. Tới giờ, vẫn nhập tâm lời thầy "ủa pú tủng là tôi không biết". Lên tàu hỏa thực tập tiếng Tàu tại nhà bếp là chủ yếu, có hôm gọi món canh trứng tơi bời, cứ canh trứng với cơm trắng mà đả. Nghe đài không khó lắm, nhất là mục Dự báo thời tiết. Một số từ thuộc loại bảo bối, không được phép cho ra khỏi bộ nhớ, như "pải hoa ta lẩu", "ỉu y sang cheng" (Bách hóa đại lầu, Cửa hàng hữu nghị) là hai địa điểm mua hàng cốt yếu ở thủ đô Bắc Kinh. Cao hứng lên, có một đoàn Việt nam ú ớ đi mua hàng không biết tiếng, anh em mình lĩnh trách nhiệm phiên dịch luôn, theo đúng phương châm chủ đạo của nền giáo dục nước nhà là "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều".

Học tiếng Hung

Có lẽ cũng nên ôn lại một chút về thời gian học dự bị của Đoàn 10 người trước khi sang Hung. Ban đầu, 10 anh em được dự kiến phân công gửi đi học ở Liên Xô, sau đó, một hôm đột nhiên có lệnh "10 đồng chí có tên sau đây lên gặp Ban chỉ huy đại đội nhận nhiệm vụ". Hóa ra, "nhiệm vụ" chính là đi đào tạo đại học ở Hung. Mọi người trăn trở suy nghĩ, tâm tư rất ghê "không biết thời gian qua, mình tu dưỡng rèn luyện có gì sai phạm nghiêm trọng không, mà cấp trên lại bắt đi Hung, không cho đi Liên Xô". Hai anh trong đoàn còn lặng lẽ lên báo cáo riêng Ban chỉ huy đại đội "Báo cáo thủ trưởng đại đội, chúng em đã liên hệ được với hai đồng chí khác trong đại đội sẵn sàng đi Hung thay cho chúng em, để chúng em tiếp tục ở lại học tiếng Nga, đề nghị đại đội chấp thuận". Nhưng đại đội phó Khải cứng rắn, mặc cho hai chiến sĩ trẻ khóc lóc van xin: "Các cậu hãy nhớ, đây là mệnh lệnh, là kỷ luật quân đội. Trước khi nhập ngũ, các cậu đã viết trong đơn những gì? Tôi xin nhắc lại: Sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ quân đội giao phó!". Sau đó, 10 anh binh nhì do binh nhất Diễn làm tiểu đội trưởng khăn gói quả mướp hành quân về Thanh Xuân. Tại đây, ghép với 2 anh lớn tuổi, là đại úy Lê Khôi và thượng úy Bảo (dự kiến đi nghiên cứu sinh) thành một đơn vị nhỏ gấp rút học tiếng Hung với các thầy giáo của Trường đại học Ngoại ngữ.

Buổi đầu tiên lên lớp, thầy Cân nghe giới thiệu có một anh đã từng học ở Hung (học mẫu giáo, hồi...3 tuổi) đã bắt cả lớp phát âm nhanh từ "Magyarország". Không ai nói ra hồn. Khó quá mẹ ơi! Suýt bỏ cơm vì thấy năng lực tiếng Hung của mình quá yếu. Mấy hôm sau, thầy Tô giảng tiếp bài "kirakatokat", "uzleteket" mới thấy cái món tiếng Hung nó "cót ca cót két" làm sao. Lại động viên nhau "bụng chứa rau muống vẫn quyết tâm vượt khó khăn học tập". Đến tiết mục thầy Vượng tròn mồm làm mẫu, mười hai cái mồm chun lại phát âm theo, trông quá ư là nhăn nhúm và đau khổ: xíp-puê, xíp-puê, xíp-puê,... và tuê-ruyn-quê-duê, tuê-ruyn-quê-duê, tuê-ruyn-quê-duê,... (giày và khăn mặt) thì thú thực là đầu óc rối bời, tinh thần hơi nản. Món này, tiếng Nga không thế. Tự điển Hung-Việt không có, phải tra chéo, tức là tra qua tiếng Nga.

Nhưng rồi, chẳng cần một kỳ thi kiểm tra trình độ gì cả, nghiễm nhiên cả 10 anh nhận lệnh chuẩn bị gấp để đi Hung, kẻo "bạn đã nhận lời mà ta không tranh thủ đi ngay, lỡ bạn lại thay đổi ý kiến thì gay". Ai học ngành gì, cả đoàn đã được phổ biến sơ bộ, nhưng các thủ trưởng dặn thêm "các đồng chí quán triệt cho, ngay cả đối với người thân trong gia đình, các đồng chí cũng chỉ được nói chung chung, không được vi phạm kỷ luật bí mật của quân đội". Trước ngày sang Hung, đoàn vinh dự được mặc quần áo đẹp chụp ảnh cùng thủ trưởng nhà trường. Cục cán bộ thể hiện sự quan tâm bằng cách cử thiếu úy Nguyễn Hữu Nhị, vừa mới tốt nghiệp rời doanh trại Petőfi bên Hung về, tới nói chuyện và phổ biến kinh nghiệm.

Ngày tết âm lịch

Ngày 17-3-1975, về Hà Nội từ biệt gia đình và lĩnh quần áo, va ly. Tối 19-3-1975, có mặt tại ga Hàng Cỏ để lên tàu.

Hai anh lớn tuổi nhận nhiệm vụ khác, không thấy đi đứng gì cả. Nhưng chúng tôi không còn thì giờ để hỏi thăm. Sau mới biết, các anh được cấp trên gọi về tăng cường cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Hơn một năm sau, gặp lại anh Lê Khôi trong doanh trại, mấy anh em đùa: "Nghe nói hồi ấy anh vi phạm kỷ luật nên bị giữ lại không cho đi nữa phải không?". Anh Bảo nghe nói chuyển qua đi Bun.

Học lái xe

Hồi ấy có lần tùy viên phổ biến chuyện có một cao thủ của Petőfi ngấm ngầm học lái xe, sau đó "bùng" qua lối biên giới với nước áo, nhưng không thành công, vì trong doanh trại kịp thời báo cáo cấp trên, nên phía bạn lệnh đóng cửa biên giới, nội bất xuất ngoại bất nhập. Mà phải đến lúc bắt được anh ấy, khám trong người thấy có bằng lái xe, hỏi, sao lại có bằng lái xe, anh ta trả lời, đã định kế hoạch vượt biên từ lâu rồi nên lẻn đi học lái xe. Đoàn trưởng và Bí thư chi bộ không nắm được, bị Tùy viên cạo cho một trận ra trò. Thành thử, nếu có ai đi học lái xe sẽ bị nghi ngờ ngay (gyanús).

Đoàn 10 người có Mr. Chính đã biết lái xe từ bên Hung, mãi về sau, về nước được 5 năm Mr. Chính mới kể.


PhanHong

2 comments: