DOANH TRẠI PETÓFI Kỳ 1: Giới thiệu chung - VNKATONÁK

Latest

About

Thursday, December 8, 2005

DOANH TRẠI PETÓFI Kỳ 1: Giới thiệu chung

Bức ảnh chụp trước cổng doanh trại vào dịp tháng 8 năm 2005 được thay bằng bức ảnh chụp trước tòa nhà vào dịp tháng 6 năm 2015.

Vài nét về tác giả: Anh Phan Hồng Sinh viên 1975, đoàn anh Diễn, học khoa toán Đại học Tổng hợp Ótvos Lorant (cùng anh Việt Trung, anh Phan Tự Lập), công tác tại phân viện năng lượng Viện KTQS, CTy GENPACIFIC, CTy Netlink, Cty eK Informatics Co. Anh Phan Hồng ngoài công việc chuyên môn hay cộng tác viết báo. Tôi đã đọc nhiều bài viết của anh đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống. Bài viết này anh đã gửi cho tôi, với đề nghị là tôi xem được thì đăng lên, sau khi chuyển đổi lại font chữ tôi đã đăng lên và không hề sửa chữa gì.

Sau đây là loạt bài viết của Phan Hồng với những ký ức về PETÓFI LAKTANYA.

Doanh trại Petofi nằm bên nửa Bu-đa, ngay điểm khởi đầu con đường cao tốc dẫn tới hồ Ba-la-tông. Đây là nơi Bộ Quốc phòng Hung-ga-ri bố trí chỗ ăn nghỉ cho các lưu học sinh quân sự Việt Nam những ngày đầu tiên bước chân qua Hung. Tại đây, họ được học dự bị tiếng Hung trước khi nhập học chính thức vào các trường đại học, cao đẳng, hay đến công tác, thực tập, nghiên cứu tại các cơ sở, bệnh viện, viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội. Như vậy, hơn 120 con người Việt Nam trong doanh trại Petofi bao gồm: học viên dự bị, sinh viên đại học, thực tập sinh, nghiên cứu sinh. Hết thời gian dự bị một năm, từng lớp tỏa về vị trí học tập, công tác của mình. Có lớp vào Trường cao đẳng quân sự Zalka Maté học về kỹ thuật quân sự, có lớp vào Học viện quân sự Zrinyi Miclós học về chỉ huy kỹ thuật, có lớp đi Szolnók đào tạo về kỹ thuật hàng không... còn phần đông trụ lại doanh trại "sáng vác ô đi, tối vác về".


Sinh viên đại học chủ yếu học hai trường Bách khoa (các khoa Kỹ thuật truyền tin, Chế tạo máy, Hóa) và Tổng hợp (các chuyên ngành Toán, Máy tính, Vật lý). Thực tập sinh phần đông là y bác sĩ và kỹ sư về thuốc nổ thuốc phóng. Nghiên cứu sinh có mặt ở hai ngành y và điện tử. Có hồi, trong doanh trại còn có một lớp học cao đẳng thiết bị y tế học Kandó Kálmán.

Anh em bộ đội Việt Nam sống trong một tòa nhà 4 tầng, giống như những tòa nhà 4 tầng xây bằng đá xám khác nằm rải rác trong địa phận doanh trại dành cho lính Hung. Nhà ăn kiêm phòng chiếu phim ở dưới tầng hầm. Dưới đó còn có cả buồng đun nước nóng và nhà bếp dành riêng cho học viên Việt Nam tự nấu ăn vào những ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật. Những lúc đó, bà già trực bảo vệ thường phải nhắm nghiền mắt, mặt nhăn như bị, bàn tay bé nhỏ kiên cường bịt mũi kín mít bằng một chiếc khăn bông xức nước hoa thơm dịu nhằm ngăn chặn mùi mắm tôm, nước mắm đang xộc lên, lan tỏa kịch liệt. Mùi mực nướng thơm ngon là thế vẫn thường bị bà so sánh phũ phàng với mùi... chuột chết.

Mỗi tầng, Ban chỉ huy đều cho đặt một vài tủ lạnh. Tuy nhiên, thịt cá để trong tủ cần gói ghém và ghi tên cẩn thận vì thường xuyên xảy ra hiện tượng nhầm lẫn, cả về số lượng lẫn chất lượng giữa thứ mình mua ở chợ Szabadság và thứ mình định chế biến. Vệ sinh ở khu vực tủ lạnh và bếp nấu là những vấn đề muôn thuở bị lãnh đạo nhắc nhở trong các cuộc họp. Câu lạc bộ ở tầng một là nơi tập trung toàn bộ học viên (anh em mình thuận mồm gọi là toàn doanh trại) phổ biến tin tức nước nhà, cũng như kiểm điểm tình hình trật tự vệ sinh mỗi tuần. Nó cũng là nơi ồn ào như ong vỡ tổ mỗi khi có các trận đấu bóng đá tường thuật trực tiếp xảy ra, hay mỗi khi ti-vi trình chiếu các bộ phim tươi mát hoặc kinh dị, kiểu phim samurai vào lúc nửa đêm. Có hồi, câu lạc bộ được trưng dụng để tập hát đồng ca Du kích sông Thao, hay thuê thày về học vũ quốc tế, tức nhảy đầm.

Dãy phòng học tiếng Hung một tầng sát mé hàng rào lưới thép. Doanh trại này do nằm gần Viện dự bị quốc tế (Nemzetkửzi Elokészíto Intézet) nên nói chung rất thuận tiện cho các giáo viên dạy tiếng Hung được Bộ quốc phòng Hung ký hợp đồng. Họ chỉ việc cuốc bộ sang dạy tiếng Hung và các môn toán lý hóa, hình họa kỹ thuật, nhạc... mà không phải đi ô-tô buýt. Một cái tiện nữa là các anh bộ đội Việt Nam có thể nhảy rào sang đá bóng, đánh bóng rổ hoặc tập thể thao bên sân Viện dự bị quốc tế. Chuyện này, họ học hỏi từ đám lính Hung đồn trú trong doanh trại. Đó là các chú lính trẻ măng, cao to trắng trẻo, thể hình lực lưỡng tràn đầy sinh lực, được tuyển chọn làm lính tiêu binh. Hằng ngày, các chú lính Hung tập đi đều, quay phải, quay trái, hô khẩu hiệu, hát quốc ca, dậm chân báo cáo trên nền sân láng xi-măng sát vách lớp học. Có một anh chàng thiếu úy chuyên trị phải uỡn ngực đóng vai "Tôi, thiếu tá X., xin báo cáo ngài Tổng thống..." sáng nào cũng dõng dạc nói oang oang khắp sân. Có cảm tưởng, dù không phải lăn lê bò toài, song đội tiêu binh và đội quân nhạc tập luyện với cường độ ngang ngửa các vận động viên đẳng cấp quốc gia sắp tham dự Ô-lem-pích thế giới. Khá nhiều lần, các chú lính phải tập dàn đội hình đón khách quốc tế trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt: mưa trút tầm tã, tuyết rơi trắng xóa, hay nắng như đổ lửa. Chiều tối, các chú lính hẹn hò người nhà, người thân ra gặp mặt nơi hàng rào. Khi thì là bà mẹ nước mắt ngắn dài dúi cho con khúc giò, tảng mỡ muối, lọ dưa chuột vì sợ đứa con bị đói. Khi thì là những nụ hôn vội vã không nỡ dứt với cô bạn gái cất công từ dưới quê lên thăm. Hăng tiết lên, các chú lính can đảm xé rào, thay quần áo bò trốn đi xem phim, ăn kem hay đi chơi một lát, mặc cho hôm sau phải chịu hình phạt đứng nghiêm một mình giữa trời nắng chói chang hàng tiếng đồng hồ.

Ngoài sân tập đi đều, doanh trại có thêm một sân cỏ tập thể thao phía trên đồi, có cả bãi cát nhảy xa, xà đơn xà kép, đường pitch chạy xung quanh, và một phòng tập tạ đĩa, song rất ít học viên Việt Nam đến tập ở đó. Họ thường chơi bóng đá mi-ni, đánh bóng chuyền, tập xà, leo dây ở khu vực sân tập đi đều. Bóng bàn thì đánh ở ngoài hành lang tầng hai, tầng ba hoặc chui xuống tầng hầm. Tập tạ thì cơ động, buổi tối vác ghế gỗ ra gần phía cửa sổ mà tập, chứ không có riêng một phòng.

Mùa thu, quân ta có thêm cái thú trèo cây hái quả. Gần khu tập xà đơn xà kép có một cây dâu cành uốn cong queo, từng chùm quả lúc la lúc lỉu, màu hồng màu tím màu trắng đan xen nhau. Sát ngay sau lưng bốt gác ở cổng doanh trại là 4-5 cây anh đào (cseresnye). Lính Hung có vẻ chê, còn quân ta cứ chiều chiều sau khi tập thể thao lại lượn lờ qua khu vực đó làm vài túm ăn cho mát ruột. Ai hơi mất công một tí thì lách người qua khe cổng sắt hậu, chịu khó leo dốc men theo con đường mòn dẫn lên đồi. Từ trên đỉnh đồi, có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn quang cảnh toàn thành phố. Chếch mé bên phải là một nghĩa địa nhỏ trang nghiêm sạch sẽ. Phía dưới một chút có những vườn đào vàng "vô chủ".

Ban chỉ huy doanh trại Việt Nam gồm một chỉ huy trưởng là sĩ quan Hungary cấp tá, cùng đội ngũ trợ lý và nhân viên giúp sức. Như cô Marika béo phụ trách công tác câu lạc bộ "vui vẻ trẻ trung", tham quan nghỉ mát;. Bà Zsúzsa néni luôn tươi cười đảm trách việc hành chính, quan trọng nhất là phát phụ cấp hằng tháng và phát tiền mua quần áo mùa đông hai năm một lần; Bác sĩ Zoltán (??) mới tốt nghiệp trường Y bị sung vào phục vụ trong quân đội, sở hữu một phòng nhỏ riêng biệt trên tầng hai, không có nhiều việc để làm lắm, vì học viên quân sự Việt nam bé người, nhưng nói chung khỏe mạnh, ngoại trừ việc đôn đốc tiêm chủng quốc tế, mỗi khi có đoàn đi phép hay về nước, và thỉnh thoảng phải viết đơn thuốc Siripa đến mỏi tay trị chứng bệnh viêm gan cấp tính đang có nguy cơ lan tràn với quy mô rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Hai cô gái lau chùi quét dọn gốc Di-gan miệng hát líu lo suốt ngày (Nehéz a boldógágot búcsút venni); Mama béo tốt phúc hậu nấu bếp sụt sùi khóc lóc những hôm tụi trẻ con Việt Nam (vietnami gyerekek) bỏ ăn vì không nuốt nổi món ăn Hung, và cười ha hả mỗi khi có gyerek nào nịnh nọt xin ăn thêm (Mama, duplát kérek. Nagyon finom volt); Marika (??) nhập doanh trại sau lần đi nghỉ Miskolc về, trẻ đẹp phụ giúp chia thức ăn và rửa bát đĩa; Kovács bácsi (??) quán xuyến việc cung cấp nước nóng cho các phòng tắm tập thể mỗi tầng và tiếp thêm dầu đốt vào các lò sưởi dầu cổ lỗ sĩ trong các phòng cũng như trong câu lạc bộ, ngoài hành lang (úi chao, mùa đông bên châu Âu sao mà rét thế?); András (??) gầy gầy thanh cảnh phụ trách chiếu phim mỗi tối thứ bảy, vì hồi đầu có lệnh cấm tuyệt đối đi xem phim "ngoài', sợ anh em mình dễ "sa ngã". Phía Việt Nam cũng bầu ra Ban chỉ huy của mình, thường là chọn các anh có quân hàm cao nhất doanh trại, để có vấn đề gì thì tập hợp ý kiến anh em phản ảnh lên cho phía Bạn biết.

Doanh trại Việt nam trên thực tế về mặt hành chính trực thuộc Ban lãnh đạo (quốc tế ?) có địa chỉ ở phố Kariakás Frigyes, gần bến xe ô-tô 40 ở Quảng trường Tròn (Kửrtér). Trên đó có hai ba tốp Ăng-gô-la hay Nam Phi gì đó, nhưng những học viên quân sự da đen không thuộc loại "miễn phí" như "bộ đội Việt Nam", mà quân đội nước họ có trả tiền (fizet) cho Bộ quốc phòng Hung đàng hoàng, nên họ được sang Hung đào tạo. Họ sống trong ký túc xá ở trên phố Kariakás Frigyes, và Ban chỉ huy của họ với Ban chỉ huy của bộ đội Việt Nam là một.

Việc ra vào doanh trại Petofi không đến nỗi quá khó khăn gian khổ như nhiều người thầm nghĩ. Đúng là anh em ta đều được cấp giấy phép ra vào có dán ảnh, song việc xuất trình giấy phép ở cổng gác mang tính hình thức, chiếu lệ, vì lính gác thấy "ai cũng giống ai", vả lại, chắc xưa nay chưa bao giờ xảy ra vụ việc gì mất an toàn. Đôi ba lần có kiểm tra nghiêm ngặt, nhưng đó là những lần có cấp trên từ Bộ quốc phòng Hung xuống kiểm tra đột xuất. Về sau, cách lính gác phân biệt giữa bộ đội với dân sự là thông qua mái tóc: theo quy định các anh bộ đội không được để tóc dài. Song, lính gác thông cảm với những người con xa quê hương nên trông thấy ai tóc đen hay cười là cho vào tuốt, nhất là trông thấy các cô gái Việt Nam.

Đoàn sang năm 1972 chụp ảnh chung cùng các thày giáo trước phòng học ngoại ngữ
 Bên ngoài hành lang của tòa nhà 4 tầng treo la liệt các tấm ảnh (choán gần hết bức tường) của các đoàn học viên quân sự đã từng có thời gian sống ở doanh trại Petofi. Nếu hiện nay sưu tập lại được toàn bộ các bức ảnh đó thì rất quý. Các bức ảnh ghi rõ đoàn nào học năm nào, về nước năm nào, gồm những gương mặt nào. Về sau này, không rõ doanh trại còn giữ thông lệ đó nữa hay không, vì nghe nói không còn chỗ để treo ảnh các đoàn (suốt từ 1972-1984 ???) nên Ban chỉ huy không tiến hành làm thủ tục chụp ảnh lưu niệm đó nữa. Cũng có những khuôn mặt xuất hiện hai lần, thậm chí ba lần trên bức tường.

Đây là bức ảnh mà tác giả muốn đăng lên đầu cho bài viết. Mãi mới tìm thấy.

Sinh hoạt ở doanh trại Petofi rất vui, vì có đông người, già trẻ lớn bé đủ cả. Hơn nữa, trong môi trường bộ đội nên có cái gì đó có vẻ "bằng vai phải lứa". Bạn tạo điều kiện phải nói là tối đa cho ta. Các sĩ quan người Hung tham gia Ban chỉ huy doanh trại ít nhiều đều có cảm tình với Việt Nam, có đồng chí từng tham gia Ban liên hiệp quân sự bốn bên (sau Hiệp định Pa-ri 1973) nên... biết ăn bằng đũa, và nghiện... nuớc mắm. Đồng chí Gyula còn có một bộ bài tu-lơ-khơ mang ở Sài Gòn về, có nhiều hình ảnh "thiếu nghiêm túc" mà đồng chí coi như một kỷ niệm đáng nhớ về đất nước con người Việt Nam.

Hè đến, bạn tổ chức cho toàn doanh trại đi tham quan, nghỉ mát. Có chuyện gì khúc mắc trong đời sống hàng ngày, anh em phản ảnh là được Bạn giải quyết ngay. Ví dụ như món ăn không hợp khẩu vị, chiếu phim gì, hay tăng cường thời gian cung cấp nước nóng (tránh tình trạng đang xát dở xà-phòng thì đột ngột hết nước nóng), buổi tối xin học thêm giờ ở phòng học chung... Tất cả chỉ vì một mục tiêu, đó là phục vụ chu đáo sao cho anh em bộ đội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ học tập, thực tập, nghiên cứu, trở về xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng hùng mạnh.

PhanHong

No comments:

Post a Comment