Pest bên dòng Duna Đây chính là kỳ cuối của
loạt bài viết về ký ức một thời của tác giả PhanHong với tiêu đề “DOANH TRẠI
PETŐFI” . Nếu tính cả Forum cũ, Forum mới bị hỏng, Forum hiện thời và phần đăng
trên trang chủ thì số lượt người thăm đến nay đã lên tới hơn hai nghìn. Và cũng
từ loạt bài này đã khơi nguồn để anh em thổ lộ những mẩu chuyện “cực kỳ bí mật”
mà có lẽ nếu không có dịp sẽ chẳng ai biết đến -ngoài đương sự.
Năm tháng qua đi, tuổi trẻ và ký ức về nó rồi
cũng sẽ biến mất như chưa bao giờ từng có. Những câu chuyện “thực” của PhanHong
và của anh em ít ra cũng mang lại tiếng cười, niềm hứng khởi cùng sự liên tưởng
tới cái thời mà chính anh em ta là nhân vật chính.
Các câu chuyện chắc sẽ còn được kể lại. Các
câu chuyện chắc sẽ luôn là có ích. Và VNKATONÁK luôn sẵn sàng tiếp nhận, luôn sẵn
sàng đọc và hưởng ứng…
Nhắc đến những cuộc vui ở Budapest, không
thể không nhắc đến Công viên Vui (Vidám Park). Vào đấy mỗi tội tiêu tiền như
rác. Tôi đã đi Đầm Sen, Suối Tiên, Công viên nước ở một số thành phố lớn (Hà Nội,
Đà Nẵng...), nhưng vẫn không lấy lại được cảm giác sung sướng bất tận của trẻ
thơ – mặc dù hồi đó mình đã là thanh niên– như buổi đầu tiên bước chân vào cổng
Công viên Vui. Vào nhà Ma, biết là sẽ có ma mà vẫn hồi hộp và lo sợ. Rống sắt
(ciklon) bay lượn trên cao, gầm rú ầm ầm, nghe nói đã có lần lộn nhào xuống đất,
hơn sáu chục người tan xương nát thịt. Chơi cả ngày không chán, mặt chỉ hơi méo
một tí mỗi khi sờ đến ví tiền.
Địa điểm tiếp theo có lẽ là Margit sziget
(đảo Margit). Đứng trên núi Gellérthegy nhìn xuống, đảo trông bé, nhưng có bách
bộ trên đó mới thấy đảo rộng. Cuối mùa xuân, đầu mùa hạ, những cây anh đào trên
đảo nở hoa tuyệt đẹp: có thứ hoa trắng muốt, có thứ hoa hơi hồng hồng, có thứ
hoa phớt vàng. Mùa hè, cả đảo ngập chìm trong những vườn tuy-líp đủ màu: đỏ,
vàng, da cam, trắng. Một số mảnh vườn trồng hoa lai hai sắc màu, ba sắc màu.
Quý nhất là hoa tu-líp đen, chỉ đôi lần may mắn nhìn thấy. Chiếc cầu dẫn lên đảo
làm ta chợt nhớ tới cây cầu chữ "Y" Sài Gòn.
Ngày mới học ngoại ngữ, chúng tôi hay đi
bách thú (állatkert). Nhưng sau này, đi học đại học, không thấy hứng nữa. Hồi
đi Debrecen có đi thăm cái vườn gọi là vườn thực vật (botanikus kert), trong đó
trồng mấy cây chuối lá khổng lồ. Mấy bạn sinh viên Việt Nam kể lại quân ta hay
trộm lá về gói giò thủ hoặc gói bánh chưng.
Địa điểm đi nhiều lần "chưa thấy
chán" là rạp xiếc (cirkus). Đôi lần, Marika béo mua vé xiếc cho anh em
trong doanh trại đi xem, đặc biệt những hôm quảng cáo có xiếc Pháp, Tây Ban
Nha,... Có lần được xem xiếc trên băng của Nga. Lần khác, Marika mua vé xem
opera (nhạc vũ kịch), operett (nhạc kịch), concert (hòa nhạc giao hưởng thính
phòng) phát cho những ai "kiváncsi". Nói chung, ăn mặc phải nghiêm
túc (comp-lê sơ-mi trắng cra-vát giày sẫm).
Chỉ có xem ballett (ba-lê) thì anh em mình
mới ham, vì có cái trò dùng ống nhòm quan sát từ xa. Bãi tắm nudista hồi ấy chỉ
"nghe", chứ không "thấy". Tôi vẫn nhớ 2 con số 60: cách
Budapest 60 cây số và giá vào cửa là 60 đô-la. Nhớ một dịp đi nghỉ ở
Balatonfoldvár, buổi trưa nắng gắt, mấy anh em trèo lên cây chĩa ống nhòm ra
bãi ngô xem bọn Tây nó quần nhau cả tiếng đồng hồ không quần không áo (cho nó
mát!), chả tốn đồng nào.
Tiếp theo câu chuyện của Long Bo-rét kể về
đợt đi nghỉ Szolnok. Hôm đấu bóng đá với bọn Tây, tôi được anh Trực cho vào đá
hậu vệ. Mình sút đại một quả về phía cầu môn đội bạn. May mà gió to quá, thủ
môn bị bất ngờ ra lỡ trớn, nên bóng tạt thẳng vào cầu môn. Mình nhớ là hồi đó mọi
người đua nhau làm diều (hay mua diều?), anh Vượng đi thả diều trên sân bóng đá
nữa kia. Cạnh nhà gỗ (faház) có dòng sông nhỏ nước chảy xiết, câu cá rất khó.
Các chú cá ở đó mình tròn lẳn, màu đen, trông như cá suối, nướng lên ăn không
ngon lắm, hơi tanh tanh.
Đi nghỉ Debrecen, câu trên hồ, quân ta sử dụng
mồi thính gạo rang nhử hết cá của quân địch (Hung), làm thằng Hung ngồi cách đó
chừng 5 mét cứ khịt khịt mũi, mũi đỏ lựng, chỉ muốn quăng cần câu đi, đánh nhau
một trận cho ra nhẽ.
Đi Tihany, tôi nhớ là leo lên gác chuông
nhà thờ, trên đó có một bức tranh đặc biệt vẽ đôi mắt người dù mình đứng ở góc
nhìn nào cũng thấy nó đang nhìn mình, trông lành lạnh, sờ sợ. Dưới chân nhà thờ
là một vườn hoa hồng. Chếch một chút là bến phà Tihany.
Đi Balaton, sướng nhất là cái lần ăn cá rán
uống bia áo. Xếp vào hàng, tới lượt xin mời chỉ vào con cá đang bơi trong tủ
kính, đầu bếp lấy vợt vớt cá ra, mổ cá ngay trước mặt mình, cho vào chảo rán
xèo xèo. Gọi thêm mấy chai bia, vài lát bánh mì, mấy quả dưa chuột muối, ngồi
ngay trên bờ hồ mà thưởng thức. Giờ đây, nhiều người hỏi tôi bia nước nào ngon
nhất, mình cứ hay bảo bia áo. Quả là "miếng ngon nhớ lâu". Có thể,
cái cách phục vụ kiểu ấy làm tăng sự ngon miệng của thực khách lên nhiều lần,
so với cách ngồi vào bàn, gọi một cái, bê ra luôn.
Tối đến, họ thường tổ chức một cái tàu to
đùng đi ra giữa hồ cắm neo lại cho bọn thanh niên nhảy nhót, nội bất xuất, ngoại
bất nhập, 11 giờ đêm tàu mới nhổ neo vào bờ. Làm như thế, khỏi ảnh hưởng tới
các ông bà già ưa tâm sự, ghét tiếng động. Nước mình không thấy bắt chước?
Khám phá thành phố mình đang sống cũng là một
thú vui. Kết hợp các dịp đi mê-lô, anh em ta chịu khó hành hương về hướng quảng
trường Mát-xcơ-va (Moszkva tér). Đi xe số 12 thì phải. Quảng trường nằm ở phía
Bắc Budapest, là điểm tụ hội của các phương tiện giao thông. Từ đây có thể đến
chợ động vật (chó, chim, mèo, cá cảnh...), khách sạn Tròn, tàu hỏa thiếu nhi,
thung lũng Mát mẻ. ít người biết, gần đó còn có một xưởng lồng tiếng cho các bộ
phim của Hung. Kỷ lục: có nghệ sĩ có khả năng bắt chước tiếng của 60 loại người
khác nhau, đã tham gia lồng trên 500 bộ phim.
Muốn tới chợ động vật (chó, chim, mèo, cá cảnh...),
từ quảng trường Mát-xcơ-va phải đi thêm 5 bến ô tô buýt nữa. Chợ này bán đủ thứ
động vật, thức ăn cho chúng, lồng chim, bể cá, chuồng chó chuồng mèo, kèm theo
những bản hướng dẫn cách chăm sóc con vật. Đây cũng là một địa điểm thú vị có
tính chất thư giãn sau những ngày ôn thi căng thẳng.
Khách sạn Tròn (KorSzálloda) xây hình tròn,
sơn màu trắng, đứng ở đảo Margit nhìn lên, thấy nổi bật giữa một vùng cây xanh.
Không phải chỗ dừng chân của anh em mình. Giá mắc quá trời.
Tàu hỏa thiếu nhi (Uttoroi vasut) là đoàn
tàu do các em thiếu nhi điều khiển, phất cờ tín hiệu, bán vé, quản lý các nhà
ga... Em nào muốn tham gia vào đội nhân viên đường sắt phải là học sinh khá giỏi,
phải trải qua một quá trình luyện tập và thực tập các kỹ năng (do người lớn đào
tạo), phải tự tay viết đơn (có chứng thực của gia đình) và nếu được chấp nhận
thì rất vinh dự tự hào: được phát đồng phục đường sắt, mũ kê-pi đội đầu, băng đỏ
đeo tay. Em học sinh đó phải bố trí kế hoạch học tập ở trường, ở nhà hợp lý, để
thay nhau đảm nhiệm việc duy trì sự hoạt động của toàn tuyến đường sắt. Đường sắt
dẫn tới khu cáp treo ở Thung lũng Mát mẻ.
Thung lũng Mát mẻ (Huvos volgy), đúng như
tên gọi của nó, có khí hậu cực mát luôn. Nơi đây thường tổ chức trại hè quốc tế
của các em thiếu nhi. Không thấy bà con nhân dân xông ra lấn đất chia lô xây
nhà như ở bên ta. Đến đây, cảm giác như được thoát ly khỏi sự ồn ào tấp nập của
môi trường đô thị xô bồ, được lột xác trở về với thiên nhiên. Cơ man nào là nấm
mọc trong rừng sồi âm u, dòng suối uốn lượn quanh co réo rắt tiếng nước chảy
đâu đây, những đồi cây lúp xúp, những bãi cỏ xanh êm dịu tâm hồn, tầm mắt mở ra
không hạn chế. Quân mình khi đi chơi ở khu vực này thường tự mua đồ ăn đem
theo, khỏi bị chém giá cắt cổ. Các khu vực này đều bố trí thùng rác và nhà vệ
sinh công cộng khắp mọi nơi.
Từ quảng trường Mátx-cơ-va, đi ô tô số 15 đến
ga tận cùng, cỡ 15-20 cây số, qua nhiều rừng cây rậm rạp sẽ đến một cái hồ, bên
bờ hồ có quán bán cá măng rất ngon và rẻ. Quán không sang trọng, có vẻ bình
dân. Nhiều người Hung thuộc "tầng lớp dưới" vừa lao động xong, quần
áo còn vương vãi vôi hồ, thân thể còn thấm đẫm những giọt mồ hôi lấp lánh,
chuyên nói chuyện với nhau nghe nhưu đang cãi nhau bằng thứ ngôn ngữ
"lóng" hay ngồi quán này. Nhiều khi, học xong môn tiếng Hung (trường
bắt chúng tôi phải học tiếng Hung với một ông giáo già tại nhà ông ấy gần đó)
chúng tôi thường ghé qua quán này, xếp vào hàng, chọn cho mình một con cá, hai
lát bánh mì, hai quả dưa chuột muối, thế là có thể giải tỏa tâm hồn sau buổi học
tiếng Hung nặng nề. Nói "nặng nề" vì ông giáo vốn viết văn viết báo
gì đó, chuyên môn bắt lũ chúng tôi học thơ Petőfi, Ady Andre... vô cùng buồn tẻ.
Về sau, chúng tôi (bao gồm 6 chú Việt Nam) yêu cầu khá quyết liệt nên ông mới
chịu nhượng bộ, đổi tài liệu học tập là... Ludas Matyi. Không hẳn là ngon. Vì
ông bắt chúng tôi giải các ô chữ trong đó!
Budapest có một khu vực anh em mình ít lui
tới, đó là Đồi Hoa hồng (Rózsa Domb). Đây là nơi có nhiều biệt thự, biệt khu,
nhà riêng của "tầng lớp quý tộc". Hỏi ai đó "Nhà bác ở
đâu?" mà nghe câu trả lời "Trên đồi Hoa hồng" là khiếp lắm. Năm
1976, tướng Giáp dẫn một đoàn tùy tùng gần bốn chục người sang Hung, lần đầu
tiên tôi mới được đặt chân lên Đồi Hoa hồng. Sau đó 5 năm, đi mê-lô phụ xây nhà
cho một gia đình giàu có (ngài đại sứ Hung tại Hoa Kỳ), mới lại có dịp ngắm
nhìn những biệt thự kiểu Đà Lạt với hàng rào gỗ sơn trắng, đầu cọc rào cưa vát
hình mũi tên, treo một hộp thư báo bằng gỗ thân thiện màu vàng nhạt, mảnh vườn
nhỏ thơm ngát hoa hồng, lấp ló ga-ra ô-tô thấp tè bên cạnh cái chuồng con chó bảo
vệ. Nhà của họ thiết kế phía bên dưới có bể bơi nước nóng, có cửa thông sang
phòng ăn để chiều chiều cả gia đình bơi nhẹ nhàng, sau đó vào ăn tối luôn. Thú
thực, thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa thấy biệt thự nào ở Hà Nội hay Sài Gòn
sang như vậy.
Nhà Quốc hội (Parlament) đẹp là thế, không
mấy khi mở cửa cho khách vào tham quan. Cái lần may mắn đi cùng bác Giáp suýt
được vào phòng tiếp khách của... Kádár János. Lần ấy, đoàn xe có xe dẫn đường rẽ
vào nhà Quốc hội theo lối bờ sông. Tới nơi, cả đoàn tùy tùng bị ách lại, chỉ có
bác Giáp lên thang máy với một đống bảo vệ, thư ký. Họ sử dụng phiên dịch của Bộ
ngoại giao Hung, khỏi cần mình. Tuy nhiên, được phép lang thang ở tầng 1 xem chỗ
này chỗ nọ trong vòng 30 phút hội đàm.
Mình ở Budapest gần 7 năm trời (6 năm 8
tháng), hỏi có biết đến Godollo không thì chắc biết, song, cũng là do một dịp bạn
bè rủ rê đi chơi xa (cách trung tâm 30 km), lúc ấy lại đang có máu tìm tòi xem
ga tận cùng (végálló) của tầu hỏa chạy điện là thị trấn Godollo nó như thế nào,
thì mới đi, chứ không có dịp ấy, ắt hẳn không bao giờ bước chân đến Godollo. Đến
vào buổi tối, không dạo quanh được lấy một vòng. Cảm nhận "sâu sắc"
nhất là hôm ấy các bạn gái Việt Nam ở Đại học nông nghiệp Godollo mến khách
chiêu đãi món bánh cuốn nóng ăn thỏa thích. Các bạn ấy (có cả chị Đông Xuân nổi
tiếng) có đủ dụng cụ hành nghề: bột gạo (liszt), thịt băm (darált hús), hành lá
(hagyma), mỡ (rizs)... và một chiếc nồi nhôm sáng loáng quây một mảnh vải màn
trắng muốt làm khuôn. Khi cuốn bánh, bạn gái chít một chiếc khăn mùi soa trắng
lên đầu, gợi cho tôi hình ảnh cô hàng bánh cuốn ở một góc phố Hà Nội. Nhớ nhà
quá đi mất! Anh bạn người Hung to lớn cất công phi ra cửa hàng mua bia chai, đi
từ 5 giờ chiều, mãi đến 7 giờ tối mới thấy lễ mễ tay xách nách mang, trông thật
tội nghiệp. Anh ta kể, ra tới nơi người bán hàng đã về nghỉ, anh ta phải hỏi
thăm địa chỉ và đáp xe buýt mò tới nhà, khẩn khoản yêu cầu người bán hàng ra cửa
hàng bán cho anh ta hai chục chai bia, "cháu xin cảm ơn và hậu tạ". 9
giờ đêm, cả bọn ngất ngây lên tàu về Budapest, vừa đi vừa lo ngay ngáy, sợ đụng
các thủ trưởng phòng tùy viên trên toa tàu.
======================
Cám ơn bác Phan Hồng đã cho bọn em nhớ lại
một thời. Đang chờ "phim cuối tuần" của bác đây.
Em học sau bác 2 khóa , sau Vũ Long 1 khóa,
cũng còn nhớ nhiều chuyện nhưng không có đầu óc Tổng hợp của bác Hồng.
Mà hình như bác Hồng sang đó học tổng hợp
văn chứ đâu có học tổng hợp toán, còn Longbaled cũng nhớ nhiều đấy xin bái phục,
bái phục.
Nquan
Nghe đến đây thì tôi lại nhớ đến anh cả
DŨNG RÂU người tôi rất ngưỡng mộ vì có tài cưa đổ cô ERIKA-t và nhiều việt nam
lányok khác và nhiều tài khác: các kiểu bóng ...
Khi anh ấy về cô ERIKA đã tiễn ở sân ga và
khóc sướt mướt. Nhớ anh ấy mà cô ta đã về fục vụ cta ở PETÒFI LAKTANYA.
Khi về phép 1977 anh ấy còn ra sân Hàng cỏ
đón bọn này thật cảm động.
HuuAi
=========
Một lần đến chơi nhà mama nấu bếp. Chả là
chúng tôi hay đi học về muộn nên dặn mama phần cơm tối cho chúng tôi. Mama chu
đáo lắm, có hôm để phần dupla (mỗi người hai suất), lại còn bảo "thôi, các
con chịu khó đợi một tí để mama hâm lại cho nóng nhé. Đợi hai phút thôi".
Một hôm, chúng tôi tặng bà hộp cao sao vàng và bày cho bà cách sử dụng. Mấy hôm
sau, thấy bà khoe "Ôi, édesem, hôm nọ ông chồng tao đau bụng lâm râm, tao
bôi cho ông một tí là ông ấy khỏi ngay. Chao ôi, sao mà cái dầu gì mà thơm thế!".
Chúng tôi kể cho bà nghe người ta trồng bạc hà dứoi gầm cầu Long Biên ra sao (đất
bãi nhiều phù sa lắm!), thu hoạch lá, cất tinh dầu (nấu trong một cái nồi to và
cho ngưng tụ), rồi mới làm nấu thành cao rót vào hộp. Thế là Giáng sinh năm ấy,
mama bắt chúng tôi phải đến ăn cơm tối với vợ chồng bà. Chúng tôi đã đến và cảm
nhận được không khí chào đón Giáng sinh ở một gia đình Hung. Có halászlé (súp
cá), bắp cải nhồi cơm và thịt băm, đùi gà rán, bánh ga-tô... đúng là một bữa ăn
thịnh soạn và chân tình. Vào cửa, chúng tôi trao bó hoa cẩm chướng cho bà chủ,
chai rượu Lúa mới cho ông chủ và đón nhận những chiếc hôn nồng thắm lên hai má.
Tôi nhớ có hồi nhân một cuộc mít-tinh biểu
thị tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam tổ chức tại Csepel (hiểu là nhà máy cơ
khí Csepel cũng được, mà hiểu là đảo Csepel cũng được), anh em mình có sáng kiến
"kết nghĩa" với nhà máy, và đề nghị họ giúp cho một việc. Họ sốt sắng
nhận lời. Kết quả là doanh trại Petőfi tràn ngập xe đạp "Pannonia"
(có 2 màu sơn là màu xanh lơ và màu mận chín, ai thích màu nào thì đặt hàng màu
đó). Nếu có nhà sưu tầm chuyên nghiệp nào chuyên sưu tầm xe đạp, hẳn là ai đang
còn sở hữu chiếc xe này sẽ bán được giá hời vì xe đạp "Pannonia"
không có trên thị trường. Nó được thiết kế riêng cho người Việt Nam, phù hợp với
khổ người nhỏ nhắn, số lượng sản xuất không nhiều.
Một lần khác, tôi cùng ông bác ruột ở Việt
nam sang chữa bệnh đến thăm một chị nghiên cứu sinh kinh tế trên phố Bartok
Béla. Chị kể, nghiên cứu sinh rất khổ, ai lương 3 nghìn bảy thì ăn 7 trăm, ai
lương 4 nghìn rưởi thì ăn 5 trăm (chỉ ăn phần lẻ, còn phần chẵn để dành). Viện
hàn lâm phát tiền cho nghiên cứu sinh đi thuê nhà, vì ký túc xá Kruspér không đủ
chỗ. Nói chung, tiền thuê nhà rất cao, anh chị em mình thuê không hết, hoặc
chung nhau thuê, đỡ đồng nào hay đồng ấy. Hôm ấy có khách đến chơi, chị bảo tôi
đem con gà chừng 1,5 kg trong tủ lạnh ra mổ xẻ. Chị bảo: "Em xem ăn hết
bao nhiêu thì chặt, kẻo thừa lại phí phạm". Tôi trình bày với chị: "Bộ
đội Petőfi chúng em khiêm tốn mà nói, đủ sức chén hết con gà này". Hôm ấy,
con gà luộc lên lóc thịt ra trộn với trứng luộc vằm nhỏ, hành tây, xà lách, dầu
ăn, xương ninh lên lấy nước thả mấy hạt gạo vào nấu một nồi cháo tướng, ba người
ăn hết bay. Chị ái ngại bảo: "Chắc trong doanh trại ăn uống kham khổ lắm
nhỉ? Con gà này, em biết không, một mình chị phải lai rai một tuần mới hết!".
PhanHong
No comments:
Post a Comment