VNKATONÁK - HỌC VIÊN QUÂN SỰ VIỆT NAM NHỮNG NĂM 1981-1990 - VNKATONÁK

Latest

About

Saturday, October 19, 2019

VNKATONÁK - HỌC VIÊN QUÂN SỰ VIỆT NAM NHỮNG NĂM 1981-1990

HỌC VIÊN QUÂN SỰ VIỆT NAM NHỮNG NĂM 1981-1990
Sau khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc, nước ta chịu nhiều "búa rìu dư luận", thậm chí, Liên hợp quốc đã lên án Việt Nam "xâm lược Căm-pu-chia". Điều này chắc chắn ảnh hưởng nhiều tới việc các quốc gia, trong đó có nhân dân và quân đội Hungary, ủng hộ chúng ta. 
Thời kỳ 1981-1990, không còn các học viên quân sự Việt Nam "trú ngụ" tại Doanh trại Petofi, nơi trước đây được xem là Phân hiệu Việt Nam của Ký túc xá quân đội "Karikás Frigyes Kollégium" ở số nhà 40 phố Ménesi, gần bến ô tô 40 ở Quảng trường Tròn.
Tình hình chính trị lúc đó có nhiều biến động, phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu có nhiều dấu hiệu sắp tan rã, Bạn cũng khó khăn, không nhận đào tạo sinh viên đại học cho ta nữa, chỉ nhận nhỏ giọt nghiên cứu sinh, thực tập sinh và sĩ quan chỉ huy kỹ thuật quân sự. Đúng hơn là, Bạn đề nghị quân đội ta chấp nhận chuyển qua hình thức “đào tạo có trả kinh phí”, giống như quân đội một số nước châu Phi (Ăng-gô-la, I-rắc, I-ran, Ai-cập…). Tuy nhiên, Việt Nam không có tiền để trả như mấy ông nhà giàu kia.
Năm 1980, Đoàn 871 đã gửi 5-6 sĩ quan đã thi đỗ nghiên cứu sinh xuống Đại học Ngoại ngữ (Thanh Xuân, Hà Nội) học dự bị tiếng Hung. Tuy nhiên, năm 1981, kết thúc khóa học, những người này được thông báo, phía Hung vẫn đang còn "cân nhắc". Và sau một thời gian ngắn, họ được lệnh trở về đơn vị "vừa làm việc, vừa ngóng chờ".
Năm 1981, Bạn chỉ nhận đào tạo 1 lớp sĩ quan chỉ huy kỹ thuật quân sự (5 người) tại Học viện quân sự Zalka Máté. Đáng chú ý là trong số này có anh Nguyễn Đức Kiên (đi học sớm trước tuổi), sau này mang biệt danh “bầu Kiên”, chơi bóng đá cũng hay, mà bóng bàn cũng giỏi. Anh Kiên có khiếu kiếm tiền từ sớm. Nghe nói, từ hồi học phổ thông, anh đã biết “buôn lậu gỗ”, bằng cách kết các khúc gỗ thành bè và đợi đêm đến, vừa bơi vừa kéo trôi bè gỗ qua sông Hồng, tránh được trạm kiểm soát lâm sản bố trí ở hai đầu cầu Thăng Long. Thiên hạ đồn đại, anh Kiên sinh vào tiết Thanh Minh, ngày Hoàng Đạo, vào giờ Giáp Thìn, ngày Nhâm Thìn, tháng Mậu Thìn, năm Giáp Thìn. (13/4/1964, đổi ra âm lịch là ngày 2 tháng 3 năm Giáp Thìn).
Năm 1984, Bạn nhận đào tạo 5 người học chỉ huy kỹ thuật quân sự tại Học viện quân sự Zalka Máté, và 6 người học chuyên ngành sửa chữa máy bay tại trường Cao đẳng kỹ thuật hàng không quân sự Xôn-nốc (Szolnok). Tại Việt Nam, đoàn này không học tiếng Hung tại Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, mà học tiếng Hung ở trường Đại học Ngoại ngữ quân sự Bình Đà (Hà Tây). Giáo viên là những anh đi Hung về, được Đoàn 871 trưng dụng. Lúc này, do số lượng học viên quân sự Việt Nam quá ít, nên khi đoàn sang Hung, không được Bạn bố trí cho vào ở Doanh trại Petofi, mà đưa về Ký túc xá Học viên quân sự của Bộ Quốc phòng cách đó 2 cây số, ở chung với các học viên quân sự đến từ Trung Đông và châu Phi.
Năm 1988, Bạn nhận đào tạo cho ta 1 lớp sĩ quan chỉ huy kỹ thuật quân sự (5 người). Ngoài ra, còn có 12 người học tại trường Cao đẳng kỹ thuật hàng không quân sự tại Xôn-nốc (Szolnok), chuyên ngành sửa chữa máy bay. Tại Việt Nam, đoàn này cũng học tiếng Hung tại Đại học Ngoại ngữ quân sự ở Bình Đà (Hà Tây). Ngoài ra, năm này còn có nghiên cứu sinh (4 người) và thực tập sinh (3 người) đi theo đường quân sự.
Năm 1989, Bạn nhận đào tạo 1 lớp sĩ quan chỉ huy kỹ thuật quân sự 5 người. Đoàn này không học dự bị tại Thanh Xuân, cũng không học tiếng Hung tại Bình Đà, mà Đoàn 871 tổ chức lớp học tiếng Hung bên Đội 9, Đông Anh. Ngoài ra, còn có 6 anh đi nghiên cứu sinh theo đường quân sự. 

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, đến năm 1990, tất cả các anh em nghiên cứu sinh, thực tập sinh, sĩ quan chỉ huy kỹ thuật quân sự, cao đẳng kỹ thuật hàng không quân sự,… đang học hành dở dang, đều phải về nước giữa chừng. Trừ những anh nghiên cứu sinh do Bộ Quốc phòng cử đi, nhưng đi theo đường dân sự (Bộ Đại học), thì vẫn tiếp tục ở lại, nhưng mức lương bị sụt giảm đáng kể, không đủ sống. 
Nguyên nhân thì không nói, chắc mọi người đều rõ: Năm 1989, Tòa án Tối cao Hungary tuyên bố ông Nagy Imre (từ 1953 đến 1956 là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chức vụ tương đương Thủ tướng) và các đồng sự của ông được phục hồi. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là, trong khi người ta đang tuyên bố ở phía trên, thì ở phía dưới, mọi người chuyền tay nhau một mảnh giấy viết tay, trên mảnh giấy ghi dòng chữ: "Meghalt már Kádár". (Ông Ka-đa đã chết rồi !).

Hai cặp VK84 và VK85 tại Nha Trang.


Clip thực hiện nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày rời nước Hung về nước của Đoàn VK84-89.

No comments:

Post a Comment