DOANH TRẠI PETŐFI Kỳ 6: Chuyện đi Phiên dịch, nghe đài, xem TV và xem Phim - VNKATONÁK

Latest

About

Wednesday, December 21, 2005

DOANH TRẠI PETŐFI Kỳ 6: Chuyện đi Phiên dịch, nghe đài, xem TV và xem Phim

Đoàn 74/75 trong lần gặp mặt tại Hà nội năm 2004

Đời sống của anh em tại DOANH TRẠI PETŐFI cũng vô cùng phong phú như bất cứ ở đâu khi mà phần đa anh em đều còn trẻ và đang ở cái tuổi năng động nhất của cuộc đời. Thông qua các “chuyện…”, Phan Hồng đã mô tả sinh động những hoạt động của anh em trong đoàn mình (thường gọi là đoàn 10 người), của anh em ta một thời tại DOANH TRẠI PETŐFI. Trí nhớ và cách hành văn dí dỏm đã gợi lại rất nhiều kỷ niệm mà bản thân người đọc cảm thấy như sống lại cái thời của mình, của bạn mình trên đất nước mà nhiều người đều công nhận là “tổ quốc thứ hai”.

Nhiều anh em đã cho cả vợ con đọc các bài viết của Phan Hồng. Kèm theo một vài lời giải thích, câu chuyện đã trở thành “chuyện của bố thời nào”…

Chuyện phiên dịch

Đoàn 10 người một số lần vinh dự được phân công đi phiên dịch. Năm 1976, bác Giáp sang Hung (đi một loạt 3 nước) cám ơn sự giúp đỡ của bạn, đoàn 10 người được trưng dụng đi phiên dịch dự bị, dịch thô văn bản, tham gia đóng gói quà, hàng hóa, dịch cho con gái tướng Giáp đi shopping..., và mặc áo cổ cồn trắng đeo cà-vạt con bướm màu đen đi làm pincér bưng bê nem rán và rượu sâm banh ở trên sứ quán với thời gian tập huấn ít ỏi, đâu như chỉ 10-15 phút gì đó, ngay tại phòng khách sứ quán. Hiện, tôi vẫn còn giữ giấy mời của Đại tướng Võ nguyên Giáp (mời Honvéd Phan Phan Hồng) đến buổi tiệc hôm ấy. Hôm ấy, do đi giày mới trên sàn nhà bóng nhoáng, nhiều anh trượt chân suýt ngã. Mùa hè, thủ trưởng Bộ sang nghỉ mát, vài lần Việt Trung và Võ Mai được cử đi dịch cho bác Hoàng Văn Thái.

Lần đội Thể Công sang, hai người được phân công chia nhau đi dịch, mỗi người dịch hai tuần. Ngôn ngữ bóng đá không phải dịch mấy, vì là chuyên môn. Chủ yếu dịch chuyện "cơm áo gạo tiền": khi thì mấy cầu thủ Việt Nam muốn bán ít quần bò, khều các chú lính Tây ra phía sau nhà "giải quyết nhanh", khi thì cầu thủ khác muốn xin một ít quần áo cũ của Tây mang về cho các cháu bé ở nhà (khổ thế đấy!). Còn nhớ, có hôm Thể công đấu với đội bóng của một nông trường, có mấy chiến sĩ lái máy gặt đập liên hợp từ ngoài đồng chạy về, người bê bết bùn đất xông vào thay người. Có hôm, biết là Thể công đá với một đội hạng ba, các bạn Việt Nam ở thị trấn đấy vô tư hỏi "Anh ơi, tối nay TV có truyền hình trực tiếp không nhỉ?". Đang mải uống nước, phiên dịch suýt nghẹn. Đội Thể Công trẻ "đá kém", biết vậy nên Sứ quán tổ chức một trận giao hữu giữa sinh viên Việt Nam với Thể Công. Hôm ấy đá ở sân bóng đá trong Trường cao đẳng quân sự Zalka Maté. Thể Công thắng 7–1. Hết thắc mắc.

Cuối đợt dịch, anh em chắc mẩm sẽ nhận được thù lao bù đắp những hôm vắng mặt đi mê-lô (vì đ/c trung tá Tây đã nói trước như thế), ai ngờ, mỗi anh chỉ nhận được một hộp có hai cái bút. Hỏi lại, đ/c trung tá buồn rầu bảo "Tùy viên dặn chúng tao không được đưa chúng mày tiền, sợ chúng mày hư. Bút thì được, vì chúng mày đang là sinh viên, lúc nào chả cần bút!". Về sau, Cục đối ngoại của bạn xét thấy thương tình nên nhân dịp 22-12, có đưa xuống một tập tạp chí "Văn nghệ quân đội" và bảo chúng mày chọn lâý dăm ba bài dịch ra tiếng Hung để đăng báo "Néphadszereg", được hưởng nhuận bút. Tiéng Việt là ngôn ngữ đặc biệt, ngang với tiếng ả-rập, giá biên dịch những 22 phô-rinh một trang. Tất nhiên, dịch truyện ngắn không phải ngon xơi.

Lần đi dịch cho bác Chu Huy Mân, thủ trưởng Vũ chấn chỉnh Việt Trung "sao cậu để tóc dài thế?" thì ngay hôm sau, bác Vũ bị Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp phê bình trước đông người "Vũ này, mai cậu cúp cua đi nhé, cho nó giống anh em trong đoàn!". Lần đó, có một chú phiên dịch người Việt gốc Hung cùng đi. Tên Việt nam của hắn là Liên. Một buổi sáng Liên gõ cửa từng phòng, bảo "Mời các chú ra chiếm xe!", làm các thủ trưởng Tổng cục chính trị đang ngủ theo phản xạ quân nhân vùng dậy xỏ quần áo, cứ như là chạy báo động. Hóa ra, Liên dịch nôm từ Hung sang Việt từ "foglal helyet". Một bữa trưa, ngồi vào bàn ăn, thấy thực đơn ghi món "chân gà con chiên", ai cũng háo hức, nghĩ sắp được xơi đặc sản Hung đây. Lúc nhà bếp bưng ra, kiderult là món "đùi gà giò rán" phết thêm tí bơ, ai cũng tiu nghỉu như mèo bị cắt mất tai. Truy xét, lại là lỗi của phiên dịch Liên. Liên lắm mồm, kể chuyện có duyên. Liên kể, có lần đi tàu điện ở gần thành Vár bị hai cô gái Việt Nam dứng sau lưng bình phẩm "Thằng này có mái tóc đen dài, trông đẹp trai quá mày ạ!", Liên quay lại, làm mặt lạnh như băng trả lời "Thường thôi, các em ạ!". Mấy cô gái chưa đến ga vẫn tụt xuống vội vì "quê" quá. Thì ra, bố Liên vốn là trung tá QĐNDVN, mẹ là người Hung, đã ở Hải Phòng từ bé. Năm 1972 máy bay Mỹ ném bom rát quá, Liên đang học lớp tám đành theo mẹ về Hung học tiếp.

Lần đi dịch cho bác Chu Huy Mân để lại nhiều kỷ niệm. Làm giấy tờ, thủ tục trước 3 tháng. Từ vọng gác vào đến nhà khách Trung ương Đảng là... 10 cây số. Cuộc sống ở đó phải nói là vương giả. Hôm nào cũng có rượu ngon, nhiều món lạ. Một hôm ngồi ăn, các thủ trưởng nhà mình đề nghị thi kể chuyện tiếu lâm xem nước nào có tiếu lâm... bậy hơn. Tay trung tướng đi hầu cận bác Mân nhất trí, và đề nghị các bác nhà mình kể trước. Đến khi hắn kể xong câu chuyện tiếu lâm Hung thì bác Mân và bác Hiệp xua tay "bậy, bậy quá, đang ăn, thôi, không nên kể những chuyện bậy bạ thế này". (Bạn nào đăng ký sang thăm Hung cùng đoàn chúng tôi vào tháng 8 năm 2005, tôi sẽ xin kể hầu vào dịp đó). Một lần, bạn tổ chức cho bác Mân đi bắn hươu nai, không mang phiên dịch theo, mà mang hai xạ thủ nai nịt gọn ghẽ, trang bị súng săn có ống ngắm ngay trên nòng súng. Ba giờ đêm, xe u-oát chở đoàn săn và một con nai tơ về đại bản doanh. Nhà bếp bị khua dậy, bắc một chiếc chảo to, đốt bếp lửa ngoài trời, đổ dấm vào chảo, làm món nai nhúng dấm để ôn lại những ngày gian khổ trên rừng Trường Sơn.

Dịch cho thủ trưởng Sanh rất khó. "Này, Bô-đi..." với "Bô-đi này..." đều được dịch chung chung ra tiếng Hung là "Kedves Body elvtárs...". Cho nên, nếu suy luận: từ "này" của tiếng Việt là "đồng chí", thì Body elvtárs hết sức bối rối, vì từ đó lúc đứng trước, lúc đứng sau danh từ riêng, thật là loạn xì ngậu.

Một lần, đang ngồi trên tàu điện ngầm đọc quyển "Những ngôi sao thành Ê-ghe" tiếng Hung thì có một ông đứng tuổi người Hung đến bắt chuyện, hỏi sinh viên trường nào, hè đến có muốn đi phiên dịch không. Thì ra, ông này là Trưởng phòng quan hệ quốc tế của Công đoàn. Ông bảo, hè nào cũng có các đoàn Việt nam sang nghỉ hè, mày cứ ăn no ngủ kỹ chuẩn bị sẵn sàng, tao sẽ gọi điện thoại. Quả nhiên, hè đó có đoàn Việt nam khaỏng 40-50 người sang. Được tin tưởng giao cho cầm 10.000 phô-rinh, tiêu gì cứ tiêu, sau lấy hoá đơn về thanh toán. Một lần, xe đưa đoàn đi du lịch vùng Kecskemét, giữa đường thì lạc mất xe dẫn đường. Hồi đó không có điện thoại di động như bây giờ nên khó liên lạc lắm. Vòng xe lại hai chục cây số để tìm, không thấy, điện về Budapest, thấy bảo là không rõ xe dẫn đường đi đâu, thế là quyết định cứ đi. Buổi trưa vào một hầm rượu ăn chơi nhảy múa tưng bừng. Thuê cả nhạc sống. Đến 10 giờ đêm, đưa khách về Nhà nghỉ Công đoàn (gần Sứ quán), bọn Tây đang nóng lòng đợi. Bọn Tây hỏi "Sao lạc nhau, mày không đưa đoàn về Budapest ngay?". Trả lời tỉnh bơ "Họ sang đây là đi du lịch với nghỉ mát. Tiền thì có đây rồi, xe cũng có đây rồi, quay về làm gì?". Thằng Tây khen "Mày biết cách xử lý đấy!". Sau mới biết, bọn Tây báo công an phóng xe bủa đi tìm khắp nơi, chặn đầy đủ các ngả biên giới. Chắc nó sợ mình đưa anh chị em Việt Nam đi trốn! Lương trả cho phiên dịch nói chung khá "đậm", đâu như 600 phô-rinh một ngày. Mười hôm, kiếm được 6.000 phô-rinh.

Cái lần ấy, còn phải thay đổi họ tên vì xưa nay, sứ quán tự dành cho mình độc quyền chọn phiên dịch. Ai thân với với "Sứ" sẽ được Sứ dành cho đặc ân giới thiệu phiên dịch với bên Công đoàn. Thằng Tây bảo "những người sứ quán mày chọn hộ tao chán ngắt". Thế nên, bàn với thằng Tây khai tên là Tuấn, học Foldmérész (Địa chính) năm thứ ba (bên đó, đâu như có vài ba anh tên Tuấn). Phải tập phản xạ để ai đó trong doàn Việt Nam gọi "Tuấn ơi!" là kịp quay đầu lại được ngay. Khó phết. Mấy ngày sau, Sứ quán lùng sục bên ký túc xá Foldmérész ròng rã suốt ba bốn hôm, không sao tìm ra thủ phạm đã đi phiên dịch chui. Tuần sau, bọn Tây lại gọi đi phiên dịch cho đoàn... Căm-pu-chia. Chả là đoàn này ban đầu dự kiến dùng phiên dịch tiếng Pháp, nhưng hết mất phiên dịch tiếng Pháp, bọn Tây hỏi thì hội ấy nói là có biết tiếng Việt Nam. Thành thử, lại có cơ hội mê-lô phiên dịch thêm được ba hôm.

Chuyện nghe đài, xem TV và xem phim


Anh em ta rất thích xem TV, thậm chí cả chương trình thời sự. Anh Quang "già" thuộc làu tên và giọng của hầu hết các phát thanh viên trên đài phát thanh và đài truyền hình. Phát thanh viên của họ nói chung vui tính, có óc hài hước, không “đứng đắn", "nghiêm nghiêm" như bên mình bây giờ. Nghe đài để bổ sung vốn liếng tiếng Hung ư? Không phải. Anh em mình thích nghe nhạc đã đành, nhiều anh còn thích thu lại vào băng cối (hồi ấy chưa có CD, hay Internet, không có thì chết cả nút!), hay băng cát-xét. Phải chịu khó mua quyển danh mục phát sóng và đánh dấu lại, có hôm bận giờ lên lớp còn phải mất công đặt chế độ thu tự động, kẻo phí. Tiền mua băng cát-xét cũng phải bóp mồm bóp miệng vì tiêu thế tương đối "xa hoa". Hiệu bán đĩa hát ngoài phố của Hung có trang bị tai nghe, cho phép nghe thử. Những hôm đầu óc qua cuồng, cứ việc chui vào đó nghe nhạc ké.

Phim ảnh cũng là một kênh nâng cao trình độ tiếng Hung. Hè đến, thế nào "rạp chiếu phim" ở tầng hầm cũng chiếu một số bộ phim hay hay, như kiểu phim hề Sác-lô, phim này là phim tư bản nhưng không gây ảnh hưởng "xấu" đến "tư tưởng" của anh em. Còn nhớ lần đầu xem phim "Volt egyszer egy vadnyugat", ấn tượng mạnh đến nỗi sau này xem lại bằng các thứ tiếng khác, kể cả tiếng Mỹ, có cảm giác bọn này dịch lại từ phim của người Hung. Hay phim giả tưởng kể về một anh bạn táy máy nghịch chiếc máy thời gian, chẳng may bị quay về sống ở thế kỷ 17, bị bọn quan quân truy đuổi đến nơi, anh ta đứng chụm chân trên bờ thành chắp tay làm dấu thánh "a-men" và cúi lưng khom người làm động tác nhảy đại xuống đất. Ba chục quan quân gươm giáo đầy mình nhất loạt nhảy xuống, chỉ còn mỗi anh ta trụ lên trên tường thành cao vòi vọi cười khì khì. Một phim kể về chuyến du lịch của hai vợ chồng da trắng trong cái xe kéo theo công-ten-nơ. Bà vợ gọi "Các con ơi ra bố bảo!", tức thì một lũ năm sáu chú bé da đen lũ lượt kéo ra. Một phim nữa kể về một võ sĩ quyền Anh bị thua đã quyết tâm phục thù bằng cách tập luyện gian khổ như thế nào, mỗi sáng ăn 20 quả trứng sống. Đó hình như là bộ phim nói về võ sĩ A-li.

Loạt phim samurai (võ sĩ đạo) chiếu trên TV vào lúc 11-12 giờ đêm, xem xong đàu óc vấn vương rất khó ngủ. Có hôm chiếu phim ma cà rồng của Nhật, cô chị căm thù cô em lấy cái mặt nạ giả là ma đội và dọa cho cô em chết khiếp, không ngờ bị dính chặt vào da mặt, không sao gỡ ra được.

Loạt phim hài "Piere Doné Afrikában", "Piere Doné Hongkongban", "Piere Doné Azsiában"... khiến anh em cười đau cả bụng. Chú cảnh sát to béo ngồi phịch lên xích lô vẫy tay ra hiệu đi chơi (kết hợp theo dõi buôn lậu ma túy), làm chú Thái lan gầy gò cong đít đạp mãi không nhúc nhích. Cảnh tiếp theo chiếu cái bánh xe xích lô bon bon trên phố phường, nhưng ống kính máy quay cứ chiếu dần từ dưới lên trên: hóa ra, ngồi trên xích lô là chú Thái lan, còn người đang nhẹ nhàng đạp xích lô là... Piere Doné. Tại Thái lan, lúc Piere Doné vào chùa, ông bị gần một bọn gần chục nhà sư trọc đầu Thái lan (giả mạo) xông ra đá song phi tanh tách, như châu chấu đá voi. Hay, hôm ông huy động mô-tô ba bánh đuổi theo bọn tội phạm ở Nam Phi. Ông ngồi vào thùng xe, trỏ ngón tay thẳng về phía bọn tội phạm đang chạy trốn. Anh cảnh sát rồ máy, chiếc mô-tô lao đi, riêng chiếc thùng xe... ở lại.

Có phim trinh thám kể về một vụ án đặc biệt: kẻ giết người giấu nạn nhân vào cốp ô-tô, đem ném xác xuống biển và không để lại dấu vết. Sau, thám tử nhìn ảnh chụp gia đình và phát hiện ra nạn nhân bị chột mắt, phải sử dụng mắt giả. Ông ta bèn lấy một con mắt giả và vứt vào "cốp" của chiếc xe tên giết người, rồi giả vờ đấu tranh "Tại sao có con mắt giả trong cốp xe của anh? Có đúng anh đã giết người không?" Tên tội phạm non gan nên cúi đầu nhận tội. Sau, thám tử vào tù và nói với tên tội phạm rằng con mắt giả đó không phải là tang chứng, chỉ là tang chứng giả thôi, làm tên tội phạm kia uất quá, mắt đỏ ngầu.

Có phim chiếu về một con bạc ranh ma, sử dụng thủ đoạn khá tinh vi: buổi đêm, hắn treo lên nóc tòa nhà cao tầng ném sợi dây có móc sắt qua tòa nhà đối diện và trổ tài chuyên nghiệp đi trên dây, đột nhập vào nhà in cạo đi một vết nhỏ trên bản in kẽm lưng các quân bài "át" trong bộ tú-lơ-khơ. Từ đó trở đi, vào sới bài, hắn giả vờ giục các đối thủ chạy ra quầy mua một cỗ bài mới "cho nó khách quan", và hắn ung dung nhận ra dấu vết trên lưng quân bài, nên thắng nhiều lần.


Ảnh chụp tại hành lang tầng 2 trong dịp Thăm lại HUNGARY tháng 8/2005
Kỳ lạ nhất là có bộ phim trinh thám kết thúc "không có hậu", tức là anh cảnh sát bị tên tội phạm trèo lên một chiếc cần cẩu tít trên cao liên tục thả các bao thóc xuống vùi lấp anh cảnh sát trong nhà kho. Cuối phim, anh cảnh sát ngoan cường cứ lóp ngóp trong đống thóc khổng lồ, tay chới với và khuất hẳn. Người ta giải thích rằng nên có cả những phim như vậy, để nhắn nhủ ý thức công dân của người xem phim: Bạn ơi, hãy cảnh giác, trong cuộc sống không phải lúc nào chính nghĩa cũng thắng phi nghĩa!

Nói đến phim ảnh, không ai quên được các buổi chiếu phim "Decameron", "Húszadik század" (phải đăng ký vé trước cả tháng trời, và chỉ chiếu vào 11-12 giờ đêm), mà theo mô tả của một khán giả là "khi đèn bật sáng, bỗng thấy sau lưng mình một rừng orosz katonák".


Chương trình TV của Hung ấn tượng và phong phú. Theo một nghĩa nào đấy, thậm chí TV của ta bây giờ, dù đã nâng cao chất lượng, vẫn chưa đọ được với hồi đó (ta bị lạc hậu hơn 30 năm!). Chẳng hạn chương trình " Lehet egy kérdéssel tobb?" thông minh, trí tuệ và không có nhiều câu hỏi... lẩm cẩm như "Ai là triệu phú?" của VTV3.

Năm 2005 tại BME

PhanHong

No comments:

Post a Comment