VNKATONÁK LỊCH SỬ ĐOÀN VK67 - VNKATONÁK

Latest

About

Wednesday, October 9, 2019

VNKATONÁK LỊCH SỬ ĐOÀN VK67

ĐOÀN VK67

Theo tư liệu của anh Dương Thành Công, đoàn VK67 có tổng cộng 120 người, sang Hung thành 2 đợt (do đông quá, không mua đủ vé tàu liên vận), khởi hành cách nhau vài tuần.
Khi đoàn học viên quân sự đầu tiên đến Mát-xcơ-va, Tùy viên quân sự ở đấy mới điện sang Hungary yêu cầu đ/c Kiên - đại diện của Bộ Quốc phòng, nằm trong thành phần cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, khẩn trương thông báo với Bạn. Lúc này Bạn mới nắm được thông tin và lo công tác chuẩn bị. Chính vì thế, khi đoàn học viên quân sự sang tới nơi, còn mất 1 tuần kiểm tra sức khỏe, tẩy giun sán (người châu Âu quan niệm những người ở vùng nhiệt đới thường mắc bệnh giun sán, dễ lây lan), sau đó còn ở tạm phân tán vài ba nơi, chờ Bạn sửa chữa cấp tốc một ngôi nhà trong Doanh trại Petofi, sau đó anh em mới chuyển về đó để học tiếng Hung. Đ/c Kiên sau này là người có trách nhiệm quản lý theo dõi các đoàn học viên quân sự sang Hung học tập và đào tạo.
Sau 1 năm học tiếng, đoàn VK67 chia thành 2 đoàn, mỗi đoàn 60 người, một đoàn vào đào tạo ở Học viện quân sự Zalka Máté (ăn ở và học tập trong doanh trại quân đội), đoàn còn lại đào tạo tại nhiều chuyên ngành của Đại học Kỹ thuật Budapest (tức Đại học Bách khoa Budapest). Cuối năm thứ nhất đại học, theo đề nghị của giáo viên Hungary, có 2 anh được chuyển sang học tại Đại học Tổng hợp Budapest, 1 anh học Toán ứng dụng (a Nhị), 1 anh học Toán máy tính (a Chiến).
Tấm ảnh dưới đây là 51 anh đoàn VK67 tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Budapest và Đại học Tổng hợp Budapest (1967-1974). Tấm ảnh này được phóng to, treo tại hành lang tầng 1 Doanh trại Petofi.


Hàng trên cùng (từ trái qua phải): 10 người
Trần Cơ, Nguyễn Đình Long, Phạm Công Hiệt, Trần Công Viêm, Nguyễn Văn Quang, (Ban chỉ huy), Đặng Hồng Trọng, Đoàn Thông, Phan Tiến Tửu, Nguyễn Đức Úy, Vũ Văn Tuất.

Hàng thứ hai (từ trái qua phải): 13  người
Trần Ngân, Nguyễn Tất Thắng, Phạm Văn Mục, Ngô Gia Điền, Đặng Công Nam, Đỗ Khắc Chiến, Thái Danh Hậu, Nguyễn Hữu Nhị (ELTE), Nguyễn Hữu Chiến (ELTE), Lương Văn Lưỡng, Đào Hữu Nghĩa, Phạm Văn Đệ, Bùi Gia Tợi.

Hàng thứ ba (từ trái qua phải): 10  người
Phạm Ngọc Trường, Hoàng Ngọc Lãng, Nguyễn Văn Thuyết, Lưu Bá Cơ, Đồng Minh Huệ, Tô Bá Trường, Nguyễn Ngọc Hưu, Nguyễn Văn Bằng, Trần Văn Biêm, Nguyễn Cao Thoan.

Hàng thứ tư (từ trái qua phải): 11  người
Nguyễn Đức Việt (Nguyễn Văn Việt), Lê Văn Cát, Phạm Văn Thủy, Cao Bá Huy, Nguyễn Hồng Toàn, Nguyễn Kiêm Cát, Dương Thành Công, Nguyễn Văn An, Nguyễn Minh Song, Nguyễn Bính, Nguyễn Xuân Yêm.

Hàng dưới cùng (từ trái qua phải): 7  người
Hồ Văn Ngoãn, Trịnh Quang Quả, Nguyễn Văn Định, Lê Xuân Viên, Đặng Hạnh, Lê Kim, Lại Anh Tuấn.

Tổng cộng, 51 người tốt nghiệp về nước tháng 11-1974.

Còn 3 anh bị ốm chuyển sang năm sau (VK68) : Phan Văn Xí, Nguyễn Duy Thủ, Nguyễn Trọng Huân.

Đoàn này có anh Đào Hữu Nghĩa, năm 1977 quay lại Hungary làm nghiên cứu sinh (cũng ở trong Doanh trại Petofi) và trưởng thành từ cương vị Trưởng ban kỹ thuật, Chủ nhiệm kỹ thuật, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng lên Tư lệnh kiêm Trưởng ban quản lý Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 


Đoàn này còn có anh Nguyễn Văn Định, chuyển ra bên ngoài, là chuyên viên chính Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ. Do có nhiều thành tích với nước Hung, năm 2010, anh được Tổng thống Hungary tặng phần thưởng cao quý là Huân chương Chữ thập Vàng Hungary (Magyar Arany Érdemkereszt).

Ban chỉ huy Hungary
Trung tá Szendro Zoltán (phải - Chỉ huy trưởng), Trung tá Csiszár István  (trái- Phụ trách công tác chính trị), Thiếu tá Bódi József (giữa - Phụ trách học tập).
Anh Trần Cơ, trưởng đoàn VK67, cảm ơn Ban chỉ huy Doanh trại Petofi

Ban chỉ huy Hungary.

Hòa bình muôn năm ! Tình hữu nghị Việt Nam-Hungary muôn năm !
Ngọn nguồn của câu chuyện về các học viên quân sự Việt Nam tại Hungary được kể lại như sau.
Những năm 1960, trong phe xã hội chủ nghĩa nảy sinh sự bất đồng về đường lối cách mạng thế giới, dẫn tới tình trạng Liên Xô cắt giảm việc đào tạo sĩ quan cho Việt Nam.
Theo hồi ức của Đại sứ Hoàng Lương, năm 1956, với tư cách là Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Ba Lan và thăm Ba Lan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tranh thủ tiếp xúc các nhà lãnh đạo Ba Lan và đại biểu các nước khác để vận động ủng hộ đường lối chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Lúc này, trong số những cán bộ đang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, ông Hoàng Lương là người thứ hai.
Năm 1965, khi chuẩn bị sang Hungary nhậm chức Đại sứ, ông Hoàng Lương đến gặp Đại tướng xin ý kiến về việc vận động nước bạn viện trợ cho quân đội ta. Đại tướng gửi ông một tấm thiếp đề tặng Bộ trưởng Quốc phòng Hungary cùng những lời hỏi thăm chân thành. Sang đến thủ đô Budapest, ông đã chuyển tới tay Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Czinege Lajos tấm thiếp đó. Bộ trưởng rất vui mừng khi nhận được tấm thiếp của Tướng Giáp và câu chuyện của vị Đại sứ Việt Nam và Ngài Bộ trưởng trở nên cởi mở hơn.
Sau khi hỏi thăm sức khỏe Đại tướng, Ngài Bộ trưởng gợi ý: Ngoài Trung Quốc và Liên Xô, Việt Nam nên chú trọng xin viện trợ của các nước XHCN Đông Âu để đánh Mỹ. Chúng tôi có đại bác bắn tự động, tiểu liên báng gấp cải tiến từ AK-47, súng trường bắn tia laser, máy thu phát thông tin cá nhân đeo lưng, nhiều lương thực, lương khô… Ngài Bộ trưởng cũng gửi lời mời Tướng Giáp sang thăm Hungary.
Nhưng rồi vào tháng 5 năm 1967, chính Ngài Bộ trưởng lại là người chủ động sang Việt Nam thăm Đại tướng trước.
Trong buổi gặp mặt tại Hà Nội, nhận thấy Đại tướng quan tâm đến vấn đề đào tạo ngồn lực cho quân đội, Ngài Bộ trưởng Quốc phòng Hungary cho biết, ở Hungary, có hai hình thức đào tạo học viên, đó là: đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật (các học viên ở luôn trong ký túc xá của các trường quân sự) và gửi ra các trường đại học của Hungary đào tạo những chuyên ngành mà quân đội nhân dân Hungary thấy cần thiết (các học viên đi học bên ngoài, nhưng về ngủ trong Ký túc xá của Bộ Quốc phòng). Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hungary sẵn sàng giúp Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận đào tạo nâng cao, sau đại học (thực tập sinh, nghiên cứu sinh) tại các Học viện quân sự cao cấp, Học viện quân y, Bệnh viện, Viện nghiên cứu… trong và ngoài quân đội. Về cụ thể, các cán bộ của hai bên sẽ làm việc với nhau thêm.
Sau đó, không biết Cục Liên lạc đối ngoại của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã làm việc với phía Bạn thế nào, chỉ biết mùa hè năm 1967, đã tập hợp được 120 cán bộ chiến sĩ từ nhiều nguồn khác nhau, mà chủ yếu từ Trường Bồi dưỡng văn hóa quân đội Lạng Sơn, để chuẩn bị đi đào tạo ở Hungary. Đoàn này mang mật danh là Đoàn 518-H.
Do quân số đoàn khá đông, không mua đủ vé tàu, nên khi đi, phải chia thành 2 đợt. Hồi đó, thông tin liên lạc chưa tốt như bây giờ, nên khi đợt 1 lên tàu liên vận, sang đến Mát-xcơ-va, Phòng Tùy viên quân sự tại đây mới điện sang Bu-đa-pét cho đồng chí Kiên - đại diện Bộ Quốc phòng (nằm trong thành phần Đại Sứ quán Việt nam tại Hungary, chứ chưa tổ chức thành Phòng Tùy viên quân sự), đề nghị liên lạc gấp với Bạn. Đến lúc này, Bạn mới hay tin.
Tuy nhiên, Bạn phản ứng rất kịp thời. Ba ngày sau khi Bạn được báo tin, thì đợt 1 sang tới nơi. Bạn bố trí nơi ở tạm cho 60 quân nhân Việt Nam (phải chia thành nhiều địa điểm khác nhau). Hai tuần sau, Bạn tiếp đón đợt 2, cũng 60 người. Tất cả đều được y tế cho... tẩy giun, tuy nhiên, liều lượng áp dụng cho lính Tây, nên những anh khỏe mạnh thì mất 1 ngày, những anh yếu thì mất 2 ngày, mới ngồi dậy được.
Ký túc xá của Bộ Quốc phòng dành cho học viên quân sự Hungary và học viên quân sự các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, cùng học viên quân sự một số nước châu Phi, tỏ ra quá bé, không đủ chỗ. Do đó, bạn quyết định sửa sang lại một tòa nhà 4 tầng trong Doanh trại Petofi để làm chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt cho 120 quân nhân Việt Nam, đặt tên là Phân ban Việt Nam của Ký túc xá quân sự. Phải mất 3-4 tháng, tòa nhà mới sửa xong, Đoàn 518-H lúc này mới “an cư lạc nghiệp”.
Có hai Ban chỉ huy ở đây.
Ban chỉ huy Hungary có 3 người (Chỉ huy trưởng và 2 cấp phó, 1 người phụ trách về công tác Đảng, công tác chính trị, còn 1 người phụ trách về công tác “cơm áo gạo tiền” và công tác “chuyên môn”, tức là đầu mối liên lạc với các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện,… trong và ngoài quân đội). Bạn thường chọn những sĩ quan từng công tác trong Ủy ban kiểm soát và giám sát bốn bên về Hiệp định Pa-ri ở Việt Nam về để làm Chỉ huy trưởng Phân ban Việt Nam. (Ủy ban kiểm soát và giám sát được thành lập theo điều khoản của Hiệp định Pa-ri 1973, mục đích là để kiểm tra, nhắc nhở tình hình thi hành Hiệp định của các bên liên quan. Phe ta có 2 nước anh em là Ba Lan và Hungary. Riêng Hungary đã cung cấp khoảng 600 sĩ quan cho công tác này).
Ban chỉ huy Việt Nam cũng có 3 người, chủ yếu làm công tác đối ngoại (đầu mối làm việc với Ban chỉ huy Hungary, dự các buổi lễ quốc khánh và thành lập quân đội của ta và bạn, đề đạt các ý kiến của anh em ta với bạn về chế độ ăn ở, khám chữa bệnh, văn hóa giải trí, tham quan du lịch…) và đối nội (nắm tình hình học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, diễn biến tư tưởng của anh em, thông qua Đoàn trưởng và Bí thư chi bộ).
Kỷ luật hồi đó trong Doanh trại Petofi cực kỳ nghiêm ngặt. Các học viên quân sự Việt Nam khi đi ra ngoài phải đi thành nhóm, có ít nhất 3 người (mãi về sau mới giảm xuống còn 2 người). Những buổi ban đầu, các anh học tiếng Hung vô cùng vất vả. Trong đoàn 120 người, có một số ít anh em biết tiếng Trung, tiếng Nga, song chưa thật thành thạo để có thể làm phiên dịch. Duy có anh Hải “hentes” (tiếng Hung có nghĩa là “đồ tể”) thạo tiếng Đức (do anh học ở CHDC Đức từ hồi thiếu niên), được cử ra làm phiên dịch cho đoàn.
Thời gian đầu, mỗi khi đi học, anh em xếp hàng và hành quân bộ sang Viện Dự bị ngoại ngữ quốc tế (NEI - Nemzetkozi Elokészíto Intézet) gần đấy. Hồi đó, chưa có ai soạn Từ điển Hung-Việt, nên khi học các từ Hung, anh em phải tra từ điển 2 lần: một lần dùng từ điển Hung-Nga, tiếp đó, dùng từ điển Nga-Việt.
Về sau, thấy tình hình bên Viện Dự bị ngoại ngữ quốc tế chật chội, không đủ phòng học, Bộ Quốc phòng Hungary quyết định dựng một dãy nhà cấp 4 làm lớp học cạnh sân tập đội ngũ của lính tiêu binh. Các giáo viên người Hung dạy cho học viên Việt Nam năm dự bị được Bộ Quốc phòng Hungary đài thọ hoàn toàn.
Các học viên Việt Nam được hưởng mọi chế độ giống với các sĩ quan Hungary ra học đại học bên ngoài, nghĩa là được phát quần áo lót, quần áo thể thao, quân phục bằng dạ, thắt lưng, giầy cao cổ và được phát tiền mặt để mua quần áo xi-vin, dùng vào những ngày nghỉ cuối tuần, khi đi ra ngoài doanh trại. Cứ tưởng Bạn không có sẵn quân phục và giày số bé, nhưng hóa ra Bạn cũng may đủ các loại, nhờ thế, một số anh bộ đội Việt Nam gầy yếu nhỏ con vẫn được phát quân trang đầy đủ. Riêng quân hàm đeo ở ve áo và cầu vai, bạn đề nghị ta vẽ hình theo tỷ lệ 1:1 và tô màu lên giấy thủ công, để bạn theo đó mà đặt làm.
Tết Mậu Thân 1968, Bạn cấp cho các học viên quân sự Việt Nam hai con lợn còn sống để tự mổ thịt. Anh em ta bàn nhau làm món tiết canh khoái khẩu. Thế là trói chân, treo lợn lên chiếc xà, rút dao găm đâm thẳng vào cổ lợn, hứng cái chậu nhôm ở dưới, tiết chảy ròng ròng. Bác bảo vệ trông thấy hãi quá, liền cấp báo cho Ban chỉ huy Hungary. Lập tức, Ban chỉ huy cùng các nhân viên bộ phận y tế xuống hiện trường xem xét. Sau khi kiểm tra bằng mắt thường và tiếp nhận ý kiến tham mưu của nhân viên y tế, Ban chỉ huy ra lệnh: phải tức tốc tiêu hủy ngay chậu tiết này, vì quá mất vệ sinh, ăn vào chắc chắn sẽ bị đau bụng. Đoàn VK67 tuy tiếc hùi hụi, nhưng vẫn nghiêm chỉnh chấp hành.
Sau 1 năm học dự bị, đoàn này tách thành 2 đoàn nhỏ hơn, mỗi đoàn nhỏ gồm 60 người, theo mục đích đào tạo khác nhau. Đoàn thứ nhất gọi là đoàn “đào tạo cán bộ nòng cốt cho quân đội”. Đoàn thứ hai gọi là đoàn “đào tạo lưỡng dụng”.
Đoàn thứ nhất vào học tại Học viện quân sự Zalka Máté (mang tên một vị tướng của Hungary). Đoàn thứ hai vào học tại Đại học Bách khoa Bu-đa-pét.
Tại Học viện quân sự Zalka Máté, phía Bạn tổ chức ký túc xá và lớp riêng cho học viên Việt Nam (đối với các môn học bắn súng, nhảy dù, băng rừng, lái xe, điện đài, thông tin… thì học chung với các bạn Hung). Còn tại Đại học Bách khoa Budapest, sinh viên Việt Nam học chung hoàn toàn với sinh viên Hung. Do đó, yêu cầu về tiếng Hung có phần gắt gao hơn. (Thực ra, trong đoàn được phân công vào học tại Học viện quân sự Zalka Máté, cũng có nhiều anh rất giỏi tiếng Hung, bởi lẽ, cấp trên muốn san đều những hạt nhân được các giáo viên đánh giá là “xuất sắc”, “giỏi” trong thời gian học dự bị vào cả hai đoàn nhỏ).
Hết năm thứ nhất, có 2 anh học ở Đại học Bách khoa Budapest được giáo viên bộ môn Toán đề nghị với cấp chỉ huy Hungary và Việt Nam cho chuyển sang học Toán ở Đại học Tổng hợp Budapest. Có 6 anh học tại Đại học Bách khoa Budapest hơi đuối sức, không theo kịp, cấp trên quyết định cho chuyển vào học tiếp tại Học viện quân sự Zalka Máté.
Trong thời gian các sinh viên học tại Đại học Bách khoa Budapest, một sai sót hy hữu đã xảy ra. Có 5 anh được dự kiến đào tạo kỹ sư ngành điện tử (điện nhẹ - tức vô tuyến điện, điện tử, thông tin…) “bị” học nhầm ngành điện công nghiệp (điện nặng). Nguyên nhân là vì, trước đây, trong quá trình đàm phán giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hungary, hai bên dùng tiếng Nga để đàm phán, nên đã có sự hiểu sai về các chuyên ngành đào tạo tại trường Đại học Bách khoa Budapest. Khi anh em ta học đến năm thứ ba, bắt đầu phân sinh viên vào chuyên ngành, mới té ngửa, phát hiện ra sai sót này, báo cáo lãnh đạo, nhưng cấp trên bảo, thôi, cứ yên tâm học tiếp đi, không vấn đề gì đâu, các đồng chí.
Để quản lý các học viên quân sự, ta và bạn đã phải ngồi cùng nhau nhiều lần để hoàn thiện dần dần mô hình quản lý. Theo đó, ta có hệ thống tổ chức riêng, quản lý con người, quản lý bộ đội. Người thân và gia đình của các học viên quân sự khi viết thư, sẽ gửi tới địa chỉ hòm thư: 1502 Budapest 112 PF 90K -Hungary, để giữ bí mật.
Vào mùa hè, sinh viên bên ngoài đi lao động kiếm tiền ầm ầm, anh em muốn đi lắm, đề nghị trên xét duyệt. Sau khi xin ý kiến ở “nhà”, Phòng Tùy viên quân sự phổ biến: Tiêu chuẩn đi lao động kiếm tiền thêm vào mùa hè lúc đó là: mỗi kỳ nghỉ hè, được đi lao động 8 ngày, nhưng phải nộp về cho Ban chỉ huy Việt Nam số tiền làm trong 3 ngày, để góp vào quỹ ủng hộ đồng bào trong nước. Riêng các anh học ở Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật thì không được đi, vì sợ làm ô uế hình ảnh của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam dũng cảm anh hùng.
Đoàn học viên quân sự đi đào tạo đại học đầu tiên ở Hungary lên tàu về nước vào tháng 11-1974. (Có 3 anh học Bách khoa Budapest, vì lý do sức khỏe, tụt lại năm sau).
Trong bản nhận xét, đánh giá của Ban chỉ huy “Phân hiệu Việt Nam” thuộc Bộ Quốc phòng Hungary gửi cho Bộ Quốc phòng Việt Nam, bạn đề nghị ta phong quân hàm vượt cấp Thượng úy cho một số anh em, lý do là trước khi sang Hungary đã được phong quân hàm Chuẩn úy, và đã đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập (bằng đỏ). Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Cục Cán bộ quyết định chỉ phong những đồng chí này Trung úy, còn đa phần phong Thiếu úy. Lý do khá “chính đáng”: Trong khi bao nhiêu anh em lăn lộn ngoài mặt trận, có người hy sinh, thì “các ông” ăn sung mặc sướng, lại được đào tạo học hành, suốt ngày ăn bánh mì với bơ sữa, pho-mát; nắng không đến đầu, mưa không đến mặt. Còn đòi hỏi gì.
Trước đó một năm, khi các học viên quân sự học tại Học viện quân sự Zalka Máté kỹ thuật (hệ 4 năm) tốt nghiệp về nước, đã nổ ra tranh cãi ở Cục Cán bộ về vấn đề phong quân hàm sĩ quan. Tuy nhiên, sau khi so sánh đối chiếu thời gian học, danh mục các môn học, số lượng tiết học trong từng môn học, cơ cấu các môn học cơ bản và chuyên ngành,..v..v.., của Học viện quân sự Zalka Máté (có người dịch là Trường Cao đẳng kỹ thuật quân sự) với trường Đại học Kỹ thuật quân sự của ta ở Vĩnh Yên, Cục Cán bộ đã công nhận sự tương đương và quyết định phong quân hàm Thiếu úy cho các anh.
*****
Một chi tiết khá thú vị là khi các anh ở Đoàn 518-H đã học xong năm dự bị tiếng Hung và bước vào học năm thứ nhất, thì vào thời điểm ấy (1968), Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang dưỡng bệnh ở Hungary. Tuy nhiên, Đại tướng không cho tổ chức buổi gặp mặt các học viên quân sự, chắc sợ lộ bí mật, vì khi đó là thời kỳ Tổng tấn công Mậu Thân.
(Sau này, đến năm 1977, Đại tướng dẫn đầu đoàn đại biểu quân đội đi thăm 3 nước xã hội chủ nghĩa anh em để cảm ơn về sự giúp đỡ chí tình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Khi thăm Hungary, Đại tướng có đến thăm Học viện quân sự Zalka Máté và gặp gỡ các học viên quân sự Việt Nam VK72).

Ảnh trái: Anh Nguyễn Đình Chỉ và ông Csiszár István.
Ảnh phải: Anh Bằng, chỉ huy trưởng phái Việt Nam, đọc diễn văn mừng ngày 22-12

Các thầy cô giáo dạy năm dự bị  tại Doanh trại Petofi






Tiệc đứng trong ngày 22-12


Thầy cô giáo thăm phòng nghỉ của anh em

Lọ hoa tặng phẩm mang từ Việt Nam sang


Chào cờ

Các cấp chỉ huy




Lễ an táng một học viên quân sự Việt Nam mất tại Budapest do mắc bệnh hiểm nghèo

Lễ an táng một học viên quân sự Việt Nam mất tại Budapest do mắc bệnh hiểm nghèo.
Lễ an táng một học viên quân sự Việt Nam mất tại Budapest do mắc bệnh hiểm nghèo.










Anh Hoàng Ngọc Lãng (trái) và anh Dương Thành Công (phải) là hai "kho chuyện" tại Doanh trại Petofi.


No comments:

Post a Comment