DOANH TRẠI PETŐFI kỳ 4: Chuyện thể thao - VNKATONÁK

Latest

About

Wednesday, December 14, 2005

DOANH TRẠI PETŐFI kỳ 4: Chuyện thể thao

Đội bóng đấy! Xịn chưa? Những anh em trẻ mới sang thường ngợp vì có nhiều thể loại "chơi thể thao" không biết nên chọn môn nào. 

Thể thao vua tất nhiên là bóng đá, chơi môn này đòi hỏi sức khỏe. Anh em mình chiều chiều ngồi học ngoại ngữ dự bị trong lớp đến gần tiết cuối bụng đói mềm, đầu óc mệt mỏi rã rời, thấy các chú lính tiêu binh sút bóng ầm ầm ngoài sân, lưới thép rung bần bật mà hốt. Không biết có quá lời không, nhưng ngay cả thời điểm bây giờ (năm 2005) xem các tuyển thủ Việt Nam thi đấu, vẫn không thấy những cú sút sấm sét và chính xác như kẻ chỉ như của các chú lính tiêu binh dạo nọ. Chắc không ai trong số các học viên quân sự Việt Nam dám trấn giữ khung thành cho các chú lính đó thử chân. Những cú sút vèo vèo xé không khí, khi đập phải viên gạch sẽ làm viên gạch văng đi vài ba mét là chuyện thường. Nên nói chung, chưa khi nào quân ta (dám) có ý định tổ chức một trận giao hữu bóng đá giữa QĐNDVN (quân ta) và quân Hung ở Petőfi. Khoảng cách thật xa, cứ như Bra-xin với đội Lào. Song, cũng không nên quá tự ti.



Năm 1975 đi nghỉ ở Miskolc, quân ta có tổ chức một trận đấu nảy lửa với đội Tây (học sinh sinh viên xen lẫn giáo viên thì phải) và thắng trong gang tấc. Năm 1978, doanh trại ta giao hữu một trận tơi bời, không khoan nhượng với HTI (Hadi Technikai Intezet). Hôm đó không hạn chế thay cầu thủ. Đội bạn dùng chiến thuật câu bổng vào đánh đầu. Có một cầu thủ đội bạn béo tròn, bụng phệ, nhưng xoay chuyển vô cùng khéo léo, gây nhiều khó khăn cho quân ta. Kết quả hình như hòa hai hiệp chính 2–2, sau đó hòa tiếp hai hiệp phụ 3–3, đá luân lưu họ thắng ta 5–4. Nhưng đó là kết quả tỷ số. Còn "kết quả" theo đúng nghĩa... kết quả, là hai bên đều... đi cà nhắc, khập khà khập khiễng không dưới hai tuần. Anh Hai Phương nổi tiếng chém đinh chặt sắt cũng lắc đầu ngán ngẩm phê bình đội bạn chơi "thật" quá. Năm 1979, 1980 gì đấy, đi nghỉ ở Kilián telep, quân ta đụng với một đội nữ vô danh tiểu tốt và bị thua liểng xiểng ngay bên bờ hồ Balaton xinh đẹp. Szégyenletesen! Đâu như 8–1 thì phải. Khổ, không phải là các chú nhường các cháu. Các nữ cầu thủ trẻ măng tầm U-18, về hình thức không thể gọi là "szép", hay "csinos", vì to như trâu mộng, da bóng nhoáng, chịu va đập còn hơn cả đội Sông Lam Nghệ An, đã trình diễn lối đá xe tăng càn lướt liên tục, ào ào xông tới bất kỳ điểm rơi nào của trái bóng tròn. Thì ra, đội bạn vốn là đội bóng ném, hôm đó nghỉ tập thấy buồn tình quá, đành rủ a vietnami gyerekek thi đấu chơi. Quân ta mới đầu cũng tưởng ngon ăn, chắc mẩm khi giáp lá cà thì phái mày râu chỉ có...thắng trở lên (đá hàng rào thì công nhận thua phái yếu, vì họ không cần che chắn phía dưới). Có ai học hết chữ ngờ!

Xem bóng đá cũng là một cái thú của toàn thể anh em. Giải vô địch Hung sôi nổi ra phết. Thủ đô Budapest có mấy đội nằm trong vòng quan tâm của anh em là Ujpesti Dózsa (như kiểu đội Công an), Honvéd (như kiểu đội Thể Công), và Ferenváros. Các cầu thủ một thời là Nyilasi, Torokcsik, Fazekas... Hôm nào có các trận derby là Câu lạc bộ tầng một lại ồn ào như chợ vỡ, căn phòng đầy ắp những giọng khích bác trêu trọc lẫn nhau. Song, cũng như ở Việt Nam, khi nào đội tuyển Hung-ga-ri với trang phục đỏ, trắng, xanh ra sân thi đấu quốc tế, mọi người lại sẵn sàng dẹp bỏ mọi "hiềm khích" để nhiệt tình ủng hộ cho "đội nhà". Quân nhạc cử bài quốc ca "Isten áldja meg a magyart..." là trong tim lại thấy nôn nao, cứ như trong huyết quản mình đang có một dòng máu magyar tuôn chảy không bằng!

Có lần, nghe bạn bè rủ rê, liều thử ra sân xem tận mắt một chuyến xem nó như thế nào, thấy tàu điện ngầm chật ních, huligán đông quá phát sợ. Bọn nó dọa đánh, bắt mình phải thay áo khác, nếu trông thấy áo của mình có màu sắc của đội đối thủ, hay vào trận chợt thấy một trận mưa vỏ chai thủy tinh bay rào rào trên đầu, đội mũ bảo hiểm chưa chắc đã an toàn tính mạng, từ đấy cạch, chẳng bao giờ dám bén mảng tới sân nữa. Một mùa hè may mắn, anh em mình tới sân vận động coi bóng đá để... lĩnh tiền, có ai còn nhớ không? Chả là hồi ấy điện ảnh Hung đang quay một bộ phim về bóng đá, mời rất nhiều danh thủ tầm cỡ quốc tế tham gia đóng. Những cảnh quay vô-lê cận thành quay đi quay lại hàng chục lần (đá kém nhỉ?), mặc dù đã có một chú dùng tay tung nhẹ quả bóng lên, danh thủ chỉ việc bay người trên không trung sút bóng vào lưới. Anh em mình đóng vai khán giả. Đang mùa thi, một số chú giở vở ra ôn bài trên khán đài, bị các chú đốc công nhắc nhở liên tục, vì nhìn từ xa, khán đài gì mà trắng toát. Khi ống kính lia đến đám khán giả giả vờ, cả bọn phải nhổm người dậy hò reo cổ vũ nồng nhiệt. Cái bọn đóng khán giả ngồi khán đài A ăn mặc sang trọng, môi son má phấn, mũ mão điệu đàng, cử chỉ duyên dáng, nhận thù lao cao hơn anh em mình. Đi đóng phim hơn một tuần, mỗi ngày kiếm đâu 10 đô thì phải. Kinh nghiệm là phải thủ 2 cái áo phông khác màu theo. Đến nơi, nó hô giật giọng "hôm nay mặc áo trắng!", bao nhiêu chú mặc áo màu đậm tức tưởi ra về, thắc mắc "rõ ràng hôm qua mặc áo đen mới được vào". Mấy chiến sĩ doanh trại Petőfi tụm lại một góc cười mỉm "készen vagyunk", và lôi áo trắng ra mặc, sau đó chen lấn qua cái ba-ri-e vào sân. Muốn tiện hơn nữa thì mặc cả áo đen và áo trắng, không đúng màu thì chỉ việc lột bớt một áo đi.

Không ai khẳng định là trong doanh trại không có cá độ. Còn nhớ, một lần đài truyền hình Hung tổ chức truyền trực tiếp một trận đấu bóng đá quốc tế quan trọng, nhưng hôm đó do "trục trặc kỹ thuật" nên cho dù anh em ngồi đã nóng cả đít trên những chiếc ghế cứng vỏ bọc xù xì màu đỏ trong Câu lạc bộ "xem" nhạc không lời chiếu chán ngắt trên màn hình, 10 phút sau mới bắt được tín hiệu. Đến khi trận đấu còn 10 phút thì kết quả là 2–1. Một anh chép miệng "Thể nào cũng gỡ được hòa", làm các anh khác nhao nhao phản đối. Anh bạn nọ to mồm "Vậy, ai dám cuộc với tôi đây?". Hội người kia sùng sục đòi cuộc. Thế là cuộc. Có trọng tài hẳn hoi. Về sau, anh bạn kia thổ lộ bí quyết thắng cuộc là do anh ta nghe đài cắm qua tai nghe (cũng truyền trực tiếp) nên biết kết quả rồi, còn truyền hình bị muộn 10 phút nên "mang tiếng là truyền hình trực tiếp, mà không phải là trực tiếp".

Chạy là môn tập bổ trợ của bóng đá. Sáng sớm hoặc chiều muộn, thường thấy các bóng đầu đen mặc áo thể thao màu xanh tím rủ nhau chạy quanh sân xi-măng gần lớp học, quanh sân vận động trên đồi, hay chạy sang sân Intézet, chạy lên đồi. Kể cả những hôm tuyết rơi trắng xóa, vẫn thấy có người cần mẫn chạy.

Môn thể thao đòi hỏi sức bền và sự khéo léo, đôi khi cả sự ranh mãnh (ravasz) là bóng bàn. Trong doanh trại Petőfi có nhiều cao thủ. Trước kia và sau này thì không biết hết, còn những năm 1975-1976 thì có anh Dũng râu, anh Lâm và nhiều "chiến tướng" khác. Sau vài hiệp biểu diễn, nếu các chú nào hơi biết biết một tí và có tính hung hăng sẽ bị các "đại ca" gạ đấu bia chai Világos, với 1 trong 2 điều kiện tưởng chừng "ngon như óc chó": hoặc là, các đại ca chỉ được dùng 1 mặt vợt (dùng mặt vợt kia bị tính điểm luôn!), hoặc là, các đại ca được dùng 2 mặt vợt, nhưng phải chơi bằng tay trái (các đại ca đều thuận tay phải). Nói không ngoa, các đại ca đánh bóng bàn suýt đạt đến trình độ "hai tay như một". Hôm ở Miskolc quân ta giao hữu với sinh viên Tây, lần lượt thắng tưng bừng từng chú một. Sau, bọn Tây chạy đi điều một thằng "chuyên nghiệp" đến, nó đánh cho quân ta "lên bờ xuống ruộng". Giao hữu với bên ngoài, chúng ta cũng không lại, vì có một sinh viên da trắng trẻo tên là Việt hạ được anh Dũng râu.

Còn nhớ hồi đó doanh trại mình có lập một đội bóng bàn đi thi đấu giải hạng B thành phố. Có 32 đội, đội mình xếp thứ 2, vinh dự quá. Một trận thua nhớ đời là thua đội "tàn tật": một ông què chân, một ông chột mắt, và một ông cụt tay. Đội này dùng vợt lanh hay gỗ gì đó nên các cú xoáy của quân ta bị vô hiệu hóa hết. Ta tưởng bở, xoay qua chiến thuật bỏ nhỏ, bị các "lão già" vụt cho đen đét, không kịp trở tay. Một lần khác, đội ta dự kiến đánh biểu diễn với đội tuyển nữ trẻ Hung U–21, nhưng rõ ràng ta đánh yếu quá nên bỏ. Hôm đi đánh giải ở trường Muszaki, vào vòng 8 có đến 4 chú Việt Nam, song vào vòng tiếp theo rơi rụng hết. Còn thi đấu ở HTI thì mình thắng "quân địch", chỉ đơn giản là nhờ xác-vít xoáy, đội bạn lúng túng không đỡ được. Một đội bạn bảo "Nếu chúng mày không giở xoáy thì chưa chắc đã ăn được chúng tao", nhưng sau đó chịu vài ba đường phát bóng kiểu tên lửa và giật trái giật phải lia lịa thì đội bạn tâm phục khẩu phục xin hàng ngay. Nhớ nhất là cái đận Tuấn "còi" bỏ nhỏ làm nghệ sĩ vi-ô-lông Khắc Huề xoài người đỡ bóng bị gãy ngón tay út, bó bột mất gần một tháng. Những trận đấu bóng bàn của đội tuyển Hung mà hạt nhân là bộ ba Jónyer, Klampár, Gergely được anh em reo hò cổ vũ nồng nhiệt. Jónyer chơi quả đôi công bên phải tuyệt vời, Gergely có quả trái rất "điệu", nhiều lần móc bóng từ gầm bàn lên (!?), Klampár thì công thủ toàn diện, có quả vẩy sát lưới trên mặt bàn vô cùng kellemetlen, khó bắt chước.

Môn thể thao không đòi hỏi sức bền và sự khéo léo, song vẫn đòi hỏi sự ranh mãnh, là cờ tướng và cờ vua. Về cờ tướng, Hoàng Sơn hồi đó làm bá chủ ở doanh trại Petőfi. Anh Phú đánh lối... ông già, nghĩ hơi bị "đầu lâu", nhưng chắc như cua gạch, đôi khi đầu óc đãng trí để tít trên tầng mây xanh tới mức bị đối phương ăn cắp mất xe, mà mắt vẫn nhìn ra vô cực, còn miệng thì lẩm bẩm than thân trách phận: "Quái, mình mất xe hồi nào nhỉ?". Anh Võ Kim nghiên cứu sinh đánh cũng tốt, nhưng vào chung kết bị Hoàng Sơn bóp cho ra bã. Những trận giao hữu, anh Kim sắp thắng đến nơi, mũi đã nở to, mắt hấp háy hy vọng tràn trề thì bỗng... mất điện đột ngột, và ai đó đã nhanh tay xóa luôn bàn cờ, khiến tình thế xem chừng bất khả kháng, đành phải xếp quân đánh lại từ đầu. Cờ vua được ưa chuộng vì hồi đó Hung đoạt chức vô địch Ô-lem-pích.


Bâng khuâng nhớ lại ngày nào, nơi đây. 

Các anh lớn tuổi "khoái khẩu" món bóng chuyền. Nếu doanh trại có độ 6 ông Lê Khôi thì thi đấu đây đó "kiếm ăn" được. Anh em trẻ cũng được khuyến cáo tập môn thể thao này. Môn này đòi hỏi sức bật. Nhưng chơi không cẩn thận, khi nhảy lên giơ tay chặn bóng sát lưới (một động tác xem trên TV thấy đẹp mắt và "có vẻ dễ thực hiện"), dễ bị thụt hẳn ngón tay vào lòng bàn tay, đâm ra khiếp, không dám tập. Anh Khôi đã có lần chấp 6 tuyển thủ trẻ, bị điều lên điều xuống thở phì phò, hoa mắt, đành giơ tay xin phép trọng tài hổn hển nói "Khôi ra, Khôi vào". Nhìn cho kỹ, trên chiếc ghế sắt cao cao sát cột lưới, có bóng dáng ông trọng tài nào ngồi đâu!

Môn bổ trợ, "thư giãn" của bóng chuyền là tập xà đơn xà kép, và leo dây. Bãi tập thể thao của lính Tây có cái dây thừng to bằng cổ tay. Anh em mình ít ai leo hết chiều dài sợi dây, mà hay tập ke bụng. Lính Tây, có thằng leo lên leo xuống thoăn thoắt.

Tập tạ cũng được ưa chuộng. Mỗi tầng có một đôi tạ tay. Anh em ta đóng ghế gỗ trông như cái mễ kê giường đầu cao đầu thấp. Chủ yếu tập các động tác: hai tay cầm hai quả tạ giang tay ra cụp tay vào (đứng thẳng hoặc nằm trên ghế tập), hay cầm tạ úp bàn tay và ke ngang 90 độ, hay tập bắp tay bằng cách co tay cho bắp nổi chuột, tay trái mỏi thì đổi sang tay phải... Có anh còn cho tạ lên bắp đùi và nhún lên nhún xuống. Ngoài tạ tay, còn có tạ nâng, anh em hay tập gánh. Anh nào cúi gập người, cong mông, lưng không động đậy, tay nhấc lên nhấc xuống quả tạ 30 kg vài chục lần xứng đáng là bậc cao thủ! Tập tạ chăm chỉ chừng vài ba tháng, thấy kết quả ngay. Bổ sung cho tạ là kéo dây lò xo. Thường, lò xo có 5 dây. Nặng quá không kéo được, anh em ta phải tháo bớt 2 dây và tập dần dần, đến khi nào kéo thấy "nhẹ nhàng" thì mới móc thêm dây vào. Hai tay kéo dây lò xo cùng lúc là một kiểu tập. Kiểu khó hơn là một tay dang thẳng ra giữ lò xo, còn tay kia kéo ra kéo vào như anh Lê Khôi hay kéo ắc-coóc-đê-ông.

Động cơ tập tạ và tập kéo dây lò xo thì nhiều. Tập để có một thân hình đẹp, bụng nổi múi và tay nổi chuột mỗi khi diện áo phông ngắn tay mùa hè. Tập để đến kỳ nghỉ phép còn...xách va-li. Chả là hồi đó về phép theo đường tàu hỏa, đồ đạc mang về lỉnh kỉnh toàn là xích, líp xe đạp, máy khâu cũ nhãn hiệu Singer, đài và máy quay đĩa Ri-gôn-đa... Một đống những sắt với thép, ai không tập, khó lòng mang vác được.

Một số môn thể thao được anh em mình ưa chuộng, nhưng trong doanh trại không có điều kiện tập tành, phải đi nơi khác.

Trước tiên là môn bơi. Anh em chủ yếu đi bơi ở bể bơi trường Bách Khoa. Bể bơi này nhỏ, nhưng mùa đông có nước nóng. Vả lại, trong bể bơi có một số cao thủ nên đến đó học mót kỹ thuật bơi, không mất tiền. Học mãi mà không học nổi môn bơi bướm. Bể bơi trên đảo Margit hơi xa, thi thoảng mới rủ nhau đến đấy.

Sau những giờ lao động mệt nhọc, ta có thể đến nhà tắm hơi Thổ Nhĩ Kỳ (torok furdo). Ngay sát chân cầu Erzsébed có một cái, biển đề Rolyal hẳn hoi (nhà tắm Hoàng gia). Trong nhà tắm có nhiều bể ngâm và sauna (phòng hơi) với nhiệt độ khác nhau: 60 độ, 50 độ, 45 độ... Cái sợ nhất ở đây là có rất nhiều chú pê-đê lao ra cười nhăn nhở và thò tay sờ...chim.

Môn trượt băng cũng có thời lên ngôi. Ngày đầu tập, bị ngã dập mông là cái chắc, nhưng đi độ 2 tuần là thấy ham.

Môn đi mô-tô không phải thể thao, nhưng cứ tạm kê vào đây. Hôm nào trời nắng ráo, các anh lớn tuổi lại mang xe Mô-kích ra sân xi-măng tập đi. Những lính mới (újonc) thế nào cũng ăn đòn: để số 1, ga mạnh quá, thế là xe dựng đứng lên như con ngựa bất kham.

PhanHong

No comments:

Post a Comment