CHUYẾN THĂM LẠI NƯỚC HUNG, SAU 30 NĂM ĐẶT CHÂN TỚI CHÂU ÂU - VNKATONÁK

Latest

About

Monday, October 21, 2019

CHUYẾN THĂM LẠI NƯỚC HUNG, SAU 30 NĂM ĐẶT CHÂN TỚI CHÂU ÂU




Lời phi lộ của người viết
Bài viết này ra đời cách đây đã 14 năm.
Anh Sơn Hải, chủ trang này, đề nghị tôi cứ đưa vào đây, coi như một kỷ niệm cũ của đoàn cựu học viên quân sự đi thăm lại nước Hung sau 30 năm lần đầu đặt chân tới nước Hung (1975-2005).
Chính vì thế, mặc dù trong bài viết có một số tên nhân vật, tình tiết không phù hợp với "tình hình hiện tại", tôi vẫn tôn trọng sự thật, không xóa đi những chi tiết "cũ kỹ" đó. Mong người đọc thông cảm. Hy vọng là những chi tiết đó không làm buồn lòng ai.

Đi thăm Hung-ga-ri 2005

Công tác chuẩn bị
Vài ngày trước khi bay, Ái "tầu" nhắn tin cho anh em: "Mời các anh em trong đoàn đến quán bia Hải Xồm trên đường Giảng Võ họp bàn kế hoạch". Y hẹn, anh em lũ lượt kéo tới tầng 3, kể cả một số anh em không chính thức bay. Trước tiên, các anh em cùng nhau ghép các mảng kế hoạch vào nhau để tạo thành một bản kế hoạch hoàn chỉnh: Tuấn Anh mail về sẽ có một buổi hội ngộ tại nhà nghỉ cuối tuần của một chiến sĩ nào đó vào ngày 19/8, đề nghị đoàn confirm (xác nhận lại). Phía Hội hữu nghị Việt Hung thông báo sẽ có buổi đi chơi thành Eger (sáng), sau đó xem pháo hoa trên sông Đa-nuýp (tối) ngày 20/8. Võ Mai thông báo các doanh nghiệp Hung mời đi thuyền buồm (vitorlás) ở Balaton vào sáng 21/8. Anh em đề nghị phải có một buổi vào thăm doanh trại Petofi, một buổi thăm lại các trường đại học Müegyetem và ELTE, một buổi du lịch tàu thủy Dunakanyar (hajózás). Việt Trung đề nghị phải có một buổi ra chợ 4 con hổ gặp gỡ các anh chị em trong và ngoài quân đội, vì nơi đó là đầu mối kết nối đủ mọi chủng loại các mối quan hệ. Tuấn Bụng mới ở Hung về đang có mặt ở Việt nam sốt sắng đề nghị có một buổi giao lưu biểu diễn văn nghệ cho cộng đồng người Việt xem, vì nghe nói sẽ có đoàn nghệ sĩ múa, hát của Bộ Văn hóa thông tin bay cùng chuyến. Hắn còn định bay về Hung để tổ chức "cho nó chu đáo", song lại tiếc hùi hụi vì hiện nay "kế hoạch của em ở Việt Nam đang hay". Anh Sơn, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt nam-Hungari cũng đến, ngoài chuyện đưa cho mấy băng video về Budapest, Balaton để làm đĩa CD phục vụ buổi gặp mặt 28-8 ở Quảng Bá sắp tới, còn thông báo, tiếp sau đoàn này, anh Sơn sẽ dẫn một đoàn sang Hung vào 9-2005. Vân vân.

Chuyến bay đêm
11 giờ đêm máy bay mới cất cánh, nhưng 10 người trong đoàn đi đã có mặt đầy đủ ở sân bay từ lúc 9 giờ 30. Dễ thường, ai cũng sợ máy bay bay mất. Hành trình của chuyến bay là Hà Nội-Paris-Budapest. Sân bay đông nghẹt người làm thủ tục và người đi tiễn. Mr Quân cười toe toét san sẻ hơn 10 gói sấu xanh cho các đồng đội. Đây là món quà quý cho các bạn Việt Nam đang sống ở Hung.
10 giờ hôm sau, cả đoàn tới sân bay Charle De Gaulle (Sác Đờ-gôn). Cảnh sát Pháp xem giấy tờ, vé máy bay, hỏi bằng giọng Việt lơ lớ: "Đi giống nhau à, có mấy đứa?". Nghe cứ như mấy bác Tây nguyên nói giọng người Kinh. Nhảy lên xe buýt để tìm đến Terminal 2B, nơi transit đi Hung. Xe chạy vòng vèo một lúc thì đến.
Một cảm giác lạ thường lan tỏa khắp người: sắp về tới nhà rồi! Cảm giác này trong đời đôi ba lần mới gặp lại. Ngồi uống cà-phê capuchino ở sân bay Pa-ri trong lúc chờ chuyển máy bay, cả bọn nói chuyện râm ran. Chung gù phone cho Phúc, nghe lõm bõm câu trả lời: Phúc đang đi Praha bán hàng.
12 giờ 35 phút lên máy bay bay sang Hung, 14 giờ 30 thì tới nơi. Mọi người đều khỏe mạnh, tươi tỉnh. Có hai cán bộ sứ quán ra đón "đoàn doanh nghiệp". Sở dĩ có chuyện này là vì đoàn đi kiêm thêm nhiệm vụ ghép vào với đoàn của Bộ Văn hóa Thông tin tham dự "Những ngày văn hóa Việt Nam" diễn ra tại Trung tâm thương mại Châu Á (Asia Center) từ ngày 19/8 đến ngày 23/8 ở Budapest. Anh Quang, Chủ tịch hội hữu nghị Việt nam- Hungary giao nhiệm vụ cho Võ Mai ra đi đợt này cố "lùa" vài ba chú vào rọ. Anh Sơn, Phó Chủ tịch hội, đã chính thức điện sang Sứ quán nên "Sứ" đã "lệnh" cho người ra đón.
Đoàn trưởng Ái "tầu" chạy loăng quăng trong sân bay, hể hả thông báo đã nhìn thấy Hòa "vịt" (tên do anh Khôi đặt) thấp thoáng bên ngoài cửa kính. Thì ra, Hòa đã nhận được e-mail của đoàn trưởng Ái "tầu" và lấy vé bay từ Ba Lan sang Hung vào lúc 10 h 30 sáng để nhập đoàn. Qua biên giới Hung rất dễ dàng, bộ đội biên phòng kiểm tra nhanh gọn, không gây khó khăn gì. Hải quan không thèm liếc hàng họ. Có lẽ, hải quan Hung hoàn toàn đặt niềm tin vào hải quan Pháp. Nếu có thuốc nổ hay thuốc phiện trong hàng hóa thì làm sao mà "qua mặt" thoát khỏi sự kiểm tra ở sân bay Pa-ri?. Thời gian lấy đồ gửi kéo dài, vì tìm mãi không thấy 3 gói tranh thêu quà tặng. Về sau, ra chỗ "Tìm đồ thất lạc" thì thấy. Lý do là vì các bức tranh đó có kích cỡ hơi quá khổ nên sân bay không để chúng vào băng chuyền hàng hóa. Công nhân bốc xếp không cẩn thận, làm vỡ mất mặt kính của 2 bức tranh thêu.
Đội quân ra đón đoàn hùng hậu: Misike, Tuấn Anh, Tuấn tồ, Mrs Điệp, Dương, Phương (hai bạn này chắc nhận được tin từ Tuấn Bụng), mỗi vị một xe ô tô. Mọi người nhận được e-mail từ mấy hôm trước nên hỏi thăm túi bụi: anh Diễn đâu, Cường trố đâu, Nam đâu, anh Vũ Văn An đâu... làm anh em trong đoàn tha hồ giải thích sự vắng mặt của những elvtársak đó. Hai cán bộ sứ quán mang theo một xe ca to 50 chỗ để đưa đoàn về AsiaCenter gặp đại diện của bạn lên kế hoạch làm việc và ăn trưa.
Trên đường từ sân bay về, đã có những cảm nhận đầu tiên về nước Hung sau hơn 20 năm xa cách. Đường sá bỏ bễ đã lâu không sửa chữa, nhiều vết rạn nứt. Đường hẹp chứ không phải xa lộ nhiều làn xe. Các thiết chế giao thông như đèn xanh đèn đỏ, vỉa hè... không "sáng choang" như tưởng tượng. Nhà cửa hai bên đường "phình phường", những khu rừng thưa, lá xanh chen lá vàng không có bàn tay chăm sóc, bị bỏ lại phía sau cửa sổ xe ca. Nước Hung đây ư?
Một lát sau, xe tiến vào Trung tâm thương mại Châu Á. Người Hung phát âm là á-gio-xen-te, nghe ngồ ngộ, chứ không dịch ra thành "Ázsiai Kereskedelmi Kozpont". Dưới tầng 1 của trung tâm lác đác các cửa hàng bán quần áo của người Việt (cũng có thể đấy là người Trung Quốc, nhưng mình cứ nhận xằng như thế). Tuấn tồ (còn có biệt hiệu là Tuấn kều, Tuấn to, song về sau kiderult là còn có một biệt hiệu khác chính xác hơn, đố anh em nào nghĩ ra?) giới thiệu có một cửa hàng của vợ chồng Tuấn ở đấy, "lúc nào rỗi rãi mời các bác ghé thăm". Cả đoàn leo thang máy lên tầng gặp đại diện Trung tâm để nhận quầy giới thiệu sản phẩm (pavillon) và ăn trưa. Đoàn thống nhất với Tham tán thương mại (tên anh là Thế, học chế tạo máy gépész, sang Hung 1977) là sẽ không "xài" pavillon nào cả. Nói chung, điều đó hơi khó hiểu vì các doanh nghiệp định trưng bày hàng hóa gì đây? Trên thực tế, chúng tôi buôn bán chất xám!.
An tọa trong phòng họp xong, một "néni" bước vào chào mừng cả đoàn. Bà rất mừng vì anh em ta nghe-hiểu-nói, dẫu còn lõm bõm, thủng được cái món tiếng Hung lủng cà lủng củng (cha mẹ ơi, bà này nói khá nhanh), khỏi qua phiên dịch lằng nhằng. Theo kế hoạch, đoàn sẽ nghỉ ngơi tại khách sạn 3 sao do AsiaCenter thuê, ăn sáng và ăn tối tại khách sạn, ăn trưa tại Trung tâm, đi đâu có xe ca đưa đón. Đoàn cảm ơn về sự đón tiếp nồng nhiệt của bạn và từng người nhận vé ăn trưa (ebéd jegyzet), cho nó chắc, kẻo chẳng may ai bị lạc đoàn và bị bọn cigány móc mất ví tiền, không biết bấu víu vào đâu. Đoàn cũng mạnh dạn thông báo sẽ không ăn tối ở khách sạn và không sử dụng xe ca của bạn, vì tự lo liệu được. Không phải kiêu, xe ca đó có phục vụ riêng một mình "đoàn doanh nghiệp" đâu, còn phục vụ "văn công" nữa chứ.
Bù lại, hôm 23/8, đoàn Bộ Văn hóa Thông tin lên đường về nước (một bộ phận bay đi Hà Lan), nhưng đoàn ta nán lại thêm 1 ngày (vé về của 4 người trong đoàn đã chốt là ngày 24/8), nên đoàn đề nghị bạn thương lượng ngay với khách sạn để dãn thêm 1 ngày. Martin "néni" rút điện thoại di động ra tác nghiệp ("Egy pillanat") (xin chờ một phút), một lát sau hớn hở nói: "El van intézve" (mọi việc đã được giải quyết xong). Như vậy, sau ngày 24/8, các chiến sĩ ở lại thêm sẽ "tùy nghi di tản".
Martin "néni" đề nghị mọi người rửa chân tay mặt mũi đi dùng bữa trưa, nhưng Tuấn Anh idegesen xem đồng hồ và bảo đã hẹn doanh trại Petofi lúc 16 giờ, nếu ăn trưa thì muộn mất. Anh em nhất trí bỏ ăn trưa (đã ăn nhẹ trên máy bay, no rồi), về nhận phòng ở khách sạn để vứt đồ đạc, sau đó hành quân thẳng đến doanh trại Petofi cho kịp giờ.
Xe con Misike đi tiên phong thẳng tiến đến doanh trại trước, xe ca chậm chạp lò dò bò đến sau. Ngồi trên xe ca chầm chậm dạo qua các con phố, mọi người bồi hồi nhìn ra xung quanh để đoán nhận đây là đâu, phố này tên là gì, cửa hàng Corvin kia phải không, ga nào đấy nhỉ, con đường này dẫn tới cầu Erzsébet hay cầu Lánchíd... Những cảm giác sâu lắng này được máy quay phim của Mr Quân thu lại hết ("câu chuyện được kể lại bằng hình ảnh").

Lối cũ doanh trại, ta về
Từ Pest, lướt qua Népstadion, sượt qua ga Keleti, vút qua cầu Erzsébet, ô tô vòng bên phải núi Gellért và lượn trái quặt về Budaorsi út. Đến ngã ba có con phố nhỏ đâm ra quảng trường Tròn, anh em băn khoăn hỏi: "Phố này có phải là Károlnia út không nhỉ?". Ngần ngừ một lát, mọi người đều đồng thanh công nhận "đúng là Károlnia út". Một cảm giác xốn xang ùa tới: bến ô-tô 40 quen thuộc kia rồi, bờ tường doanh trại Petöfi kia rồi, đường sắt phía sau bến ô-tô 40 với con tàu màu xanh lơ tróc sơn loang lổ đang hồng hộc chạy từ Balaton về, những tòa nhà màu xám xấu xí nhưng gắn bó xiết bao, gần gũi biết bao... Ô-tô ca đến trước cửa chính doanh trại Petofi thì dừng lại. Cổng đóng im ỉm. Lối lên phòng trực ban không còn nữa. Tuấn Anh nhảy xuống thám thính.
Anh em chĩa ống kính máy ảnh và máy quay phim lên dòng chữ cong cong bằng sắt, gỉ hoen gỉ hoét, nâu sì treo ngay phía trên cổng chính: "Petöfi Laktanya". Tuổi thọ của tấm bảng này ít nhất cũng ngót ngét 40-50 năm. Sĩ quan trực ban chạy ra thông báo với Tuấn Anh cổng này đã bỏ từ lâu, các ngài phải đi cổng "mới" ở phía bên hông, sát với tòa nhà của Viện nghiên cứu trước mặt bến ô-tô 40. Ô-tô ca không thể vòng lại được (đường đôi mà), anh em hăng hái xung phong đi bộ ngược lại một quãng, vừa đi vừa chạy việt dã "nhẹ nhàng" kẻo hết mất giờ. Hồi trước, đôi chân chạy mãi từ bến ô tô 40 về doanh trại cho kịp giờ điểm danh 9 giờ tối rồi, nên khoảng cách ấy là chuyện nhỏ!
Quả là ngang hông tòa nhà của Viện hàn lâm khoa học Hung-ga-ri (MTA kutatóház) đã trổ một con đường nhựa ngược lên núi, dài khoảng 500 mét. Anh em tập trung đông đủ trước cổng doanh trại xong, một básci dắt cả hội vào. Đi được 100 mét, một sĩ quan trực ban tay đeo băng đỏ có dòng chữ ügyeletes (trực ban) tiến ra, ra hiệu cho mọi người dừng lại. Anh ta nói, anh ta đã biết tin đoàn sẽ đến thăm từ trước, và được giao trách nhiệm hộ tống (kisér) đoàn đi thăm lại doanh trại. Các máy quay phim sè sè, các máy ảnh loạch xoạch bị anh ta nghiêm khắc lên án, ngăn cấm ngay, vì đây là khu vực quân sự. Anh em mình vốn con nhà lính nên nhanh nhẹn hiểu ra vấn đề, stop ngay, cho dù tâm lý hơi bị bức xúc. Ai đó nói với chú lính, 30 năm trước đây, chúng tôi (hiểu là chúng tao cũng được) sống ở doanh trại này. Chú lính nói, 30 năm trước đây "még nem születtem" (cháu chưa đẻ).
Mọi người chầm chậm dạo bước trên con đường nhựa, không đến nỗi trầm ngâm (trầm lặng) như những người Mỹ, cũng không đến nỗi sôi nổi bàn tán ầm ĩ như những cổ động viên bóng đá nhiệt thành Bra-xin. Lớp học dự bị tiếng Hung, đến cả nền nhà, không còn nữa. Cạnh đó, hồi xưa có một vài cây keo hoa màu trắng đục, cũng không còn nữa. Sân bóng đá còn nguyên. Trên tường có vẽ các tư thế hình mẫu nghiêm nghỉ, quay phải quay trái cho các chú lính mới tập đội ngũ. Một ai đó xông tới đứng cạnh tấm biển đề "Nhà giam" để anh em khác chụp ảnh lén bằng điện thoại di động. Anh lính trực ban người Hung phì cười. Hàng cây cao bên lề đường ngày nào véo von tiếng chim hót đã bị đốn đi để mở đường rộng hơn, sát vào phía các tòa nhà. Vài ba cây thông xanh trồng mới ven đường thấp lè tè.
Mấy ngôi nhà xám chưa bị phá, mặc dù bên ngoài, tường vôi ố vàng đã bong lả tả, chả ai thèm tu bổ. Ban công sắt tầng 2 bị gỉ ăn nham nhở, các cánh cửa ra ban công bị khóa chặt, vì bước ra đó có đầy những nguy hiểm đang rình rập không lường trước được. Không thấy các thùng rác bằng nhựa màu xám đậm, mùa đông đông nghịt quạ và chim bồ câu đến ăn vụn bánh mì. Mọi thứ sạch sẽ, gọn gàng. Chúng tôi hít thở bầu không khí sâu vào lồng ngực, như muốn tìm lại hơi thở gần gũi 20-30 năm về trước. Có lẽ, tất cả các giác quan trên thân mình đều làm việc hết cỡ, cốt để cảm nhận lại những gì gọi là hồi xưa.
Tôi đưa tay mở cánh cửa tòa nhà "của chúng ta" và chậm rãi bước xuống cầu thang dẫn lối tới tấng hầm của ngôi nhà. Tất nhiên, buồng bảo vệ bé nhỏ ngày nào không còn nữa. Phía dưới ẩm thấp. Phòng bóng bàn, bếp ăn Việt Nam, nhà ăn kiêm phòng chiếu phim đều không còn. Ai đó dẫm phải vũng nước lạnh ngắt lênh láng trên sàn nhà, kêu lên thảng thốt. Chúng tôi lộn lại, ngoái nhìn chú lính trực ban dò hỏi xem có được lên tầng không. Chú lính gật đầu. Tầng trên đã có sự sửa sang lại, cầu thang dường như rộng hơn. Các cửa ra vào vẫn thế, sơn màu trắng, có một tay cầm đơn giản ở giữa. Nơi chiếu nghỉ có lò sưởi ruột gà sơn màu ngà, cuộn ba vòng. Các cửa sổ vẫn vậy, có nhiều lớp, khung trông thật vững chắc, phía trên có thêm 2 ô cửa sổ nhỏ để dễ bề hé mở đón không khí trong lành từ bên ngoài vào. Cả đoàn tập trung "làm một kiểu ảnh kỷ niệm", vì e rằng 5 năm nữa, chắc họ phá tòa nhà này mất. Lại đi lên tầng ba. Có thay đổi, nhưng không phải là những thay đổi căn bản. Bịt mắt lại, chả ai bị lạc đường. Tôi hiểu, trong lòng tất cả mọi người đều đang trào dâng nỗi niềm lâng lâng và rưng rưng.
Rời toà nhà, chúng tôi đi lên sân thể thao phía trên đồi. Lúc đi ngang qua kho để đồ, Tuấn tồ hét tướng lên: "Ê, kho đồ kìa!". Ngày xưa, chiều chiều các anh lớn tuổi vẫn hay lấy xe Mô-kích ra tập đi trên sân xi-măng. Khu thể thao trên đồi không thay đổi mấy. Ai đó nhớ là lúc trước không có đường pitch (đường chạy). Tôi nhớ là vẫn có. Bãi cát tập nhảy xa, xà đơn xà kép đã dời ra phía đầu bên kia của sân cỏ. Đứng trên lưng chừng đồi nhìn xuống, thấy tòa nhà chung cư cao tầng và tòa nhà của Intézet vẫn thế. Các vườn mận, vườn đào vàng không thay đổi. Tuấn tồ kể, có một hồi, cứ chiều đến Tuấn tồ lại mang quả bóng lên đây cắn răng tập đá một mình hàng tiếng đồng hồ. Mọi người râm ran bàn tán. Ai đó bảo, doanh trại sắp được bán cho nước ngoài làm Trường đại học. Địa điểm quá đẹp. Ai đó lại bảo, hay là Hội hữu nghị Việt Hung (thậm chí, anh em bộ đội doanh trại Petofi hò nhau lại?) bỏ tiền ra mua béng mảnh đất này đi. Ui cha cha!.
Lúc quay trở ra, mọi người hớn hở thông báo với nhau đã chụp trộm được rất nhiều ảnh. Chú lính trực ban đâu phải loại ba đầu sáu tay, ngăn thế nào được. Vả lại, Tuấn Anh đã cẩn thận liên hệ với Bộ quốc phòng Hung từ trước, nên nếu trong doanh trại có vũ khí súng đạn gì bí mật thì người Hung cũng đã cất hết đi rồi. Khi đi ngang nhà ăn của lính, anh em mới nhận ra bụng đang đói cồn cào. Tuấn Anh nửa đùa nửa thật hỏi chú lính trực ban: "Itt lehet étkezni?" (Có thể ăn ở đây được không?). Chú lính hốt hoảng xua tay từ chối: "Nem, nem". Mọi người cùng cười ồ. Ồ, nếu nhà ăn lính mở cửa và đang bán kolbász chấm với mustár thì ăn đại đi chứ, ngại cái gì!.
Chú lính đưa ngón tay lẩm nhẩm đếm số người trong đoàn. Thì ra, chú ta đang kiểm tra xem có "anh hùng Núp" nào nấp lại trong doanh trại không. Đoàn ta tặng doanh trại tấm tranh thêu in hình Hồ Gươm. Chú lính lí nhí cảm ơn và đỏ mặt sung sướng bắt tay từng người.
Viszontlátásra!
Anh em bảo, thế là mới sang Hung nhưng đã làm được một việc "đạt 50% toàn bộ kế hoạch đề ra", và nhất trí bình bầu cho Tuấn Anh công đầu.
*
* *
Ra khỏi doanh trại, mọi người đói ngấu, anh em đề nghị đi ra đâu đó ăn tạm. Chỉ cần kenyér, kolbász chấm với mustár, dưa chuột muối là đủ. Nhưng các thổ dân không đồng ý. Hội ý một lúc, mọi người được các tài xế đưa đến một quán ăn hội đủ các tiêu chuẩn: có chỗ đỗ xe rộng rãi, thuận tiện lối đi, có đồ ăn "được", và có rượu Hung. Thì ra, anh em thổ dân muốn kéo cả các anh em Petofi cũ (lúc nãy bận công chuyện, không vào thăm doanh trại được) đến đó nữa. Mọi người đề nghị chủ quán bố trí một bàn ăn rộng cho 20 người trong một phòng riêng để có thể cười nói thoải mái, không ảnh hưởng tới các thực khách bên cạnh. Y lệnh, chúng tôi được dẫn vào một phòng ăn rộng rãi, trên tường treo lỉnh kỉnh các loại gươm giáo thời Trung cổ, có cả hình nộm các kỵ sĩ mặc áo giáp sáng loáng đứng hầu. Chủ quán được lệnh mang tất cả các loại rượu házi bor mà chủ quán cho là ngon nhất lên, đoàn chúng tôi sẽ cử chuyên gia nếm rượu và sẽ quyết định dùng loại rượu nào. Nói cho oai vậy thôi, chứ bụng đang đói mà nốc rượu vào là vô cùng nguy hiểm.
Anh em yêu cầu halászlé (súp cá) ăn cho bõ nhớ, song đây tỏ ra là bài toán đau đầu đối với bản quán, trông mặt anh chàng chủ quán nghệt ra, lúng túng như gà mắc tóc. Thế là đành chuyển phương án khác, khả thi hơn. Một lúc sau, súp gà được bưng lên (tyúk-leves). Mấy thổ dân tíu tít điện thoại, gọi được Cường lủi, anh Quang (đoàn 1972, sau về công tác ở B14- Viện kỹ thuật quân sự), Thính, Mệnh, Chính (học Tổng hợp ELTE), Tuấn còi (ban chiều bận trông thợ làm nhà mới không ra sân bay đón đoàn được)... lần lượt tới, tay bắt mặt mừng. Mở ngoặc bình luận thêm: Tuấn còi giờ mang tên mới, ghép với tên của vợ là Tuấn-Hồng, Cường lủi "biến" thành Cường-Thủy. Hay thật, ở bên Hung đàn bà con gái khi xuất giá tòng phu phải lấy tên chồng, đằng này ngược lại... Đợi khá lâu, nhà bếp dọn ra 4-5 mâm thịnh soạn, tưởng là có thể ăn hết bay, nhưng đúng là "con mắt to hơn cái bụng". Đang ăn, Chung gù chợt nhớ ra "bây giờ Ác-hen-ti-na đang đá với Hung ở Népstadion đấy", song chả mấy ai hưởng ứng, không phải vì anh em mải ăn (oan quá!), mà một phần vì anh em giải nghệ (cả nghệ "chơi" lẫn nghệ "xem") đã lâu rồi, một phần vì đây chỉ là trận cầu giao hữu. Nhìn xung quanh cũng không thấy ti-vi ở đâu để bật. Vả lại, đến trẻ con hay cụ già cũng dễ dàng đoán ra kết quả thắng thua, đặc biệt là 2 "cụ lão thành" Nyilasi và Törökcsik thuở nào. Hajrá, magyarok, muốn lắm, nhưng lực bất tòng tâm! Về sau, báo đăng tin Hung thua 2-1, một kết quả không gây sốc cho bất cứ ai. Riêng về trận MU đá với Debrecen vào thứ tư tới, Chung gù và Thắng nhất quyết phải ra sân cho bằng được (Tuấn còi nhận trách nhiệm xoay vé), vì theo Chung gù thổ lộ "đây là cơ hội duy nhất, vô cùng hiếm hoi được chiêm ngưỡng đội MU đá trực tiếp của đời em".

Thăm núi Gellért
9 giờ tối, đoàn quân rời quán ăn lên thăm núi Gellért. Âu cũng là một cách lên thắp hương báo cáo thổ công Budapest về sự có mặt của "những đứa con từ nơi xa trở về". Vừa ra khỏi quán ăn chừng 200 mét, đoàn xe bị một chiếc xe gắn biển "Rendőrség" bám theo. Nó nhằm chiếc xe cuối cùng và tiến ngang hàng, ra hiệu dừng lại. Lái xe tên là Dương (biệt hiệu Dương "quái") lạnh lùng bảo, "các anh đừng sợ, cứ ngồi im, để em xử lý bọn này". Nghe hơi thót tim, vì chợt nghĩ rằng, chắc lại chuẩn bị rút súng bắn nhau gì đây. Không phải. Đơn giản là kiểm tra giấy tờ. Liếc qua tập giấy tờ, đồng chí cảnh sát giao thông trẻ măng nhẹ nhàng bảo, ngài còn thiếu bảo hiểm xe cơ giới (biztonságos forgalmi igazolvány). Dương nói để quên ở nhà. Đồng chí nọ ra hiệu cho Dương xuống xe, ra phía sau làm việc. Chừng 2 phút, Dương quay trở lại, cầm mớ giấy tờ nhét bụp vào ngăn kéo nhỏ trong xe, nổ máy cho xe chạy lên hướng Citadela, vừa đi vừa kể: "Em bảo với tụi nó, tao quên giấy bảo hiểm ở nhà, nhưng có mang theo một chiếc thẻ đặc biệt. Bọn nó trố mắt. Có gì đâu! Dúi cho 50 đô, thế là "mời ngài đi cho". Bọn này lúc nãy nhìn thấy mình bước chân vào quán, chúng nó đã rình sẵn bên ngoài. Khi mình ra, nó bám theo ngay, nếu mình không thiếu giấy thì nó bắt thổi bong bóng kiểm tra mồm, thế nào chả có hơi rượu".
Đi ngang qua một tòa nhà tròn tròn trông như cái nấm, anh em hỏi "đây là cái gì?", Dương bảo "đó là Népstadion", nhưng có lẽ không phải, vì hơi bé. Về sau, kiderult là Kis stadion. Gần đó có cửa hàng siêu thị "Tesco" bán nhiều hàng hóa rẻ (như kiểu Metro), mở cửa đến tận nửa đêm, Dương khuyến cáo khi về nên mua đồ ở đấy.
Núi Gellért mọi ngày thu phí, nhưng vào những ngày này (sắp tới 20-8) ân cần miễn phí cho khách thập phương. Dương lao xe lên gần ba-ri-e ngay dưới chân tượng thần mới đỗ lại. Chúng tôi ra khỏi xe nhìn xung quanh, thấy toàn cảnh Budapest lấp lánh như một biển sao sa. Biển sao trước kia hẹp hơn, giờ mở rộng theo chiều dài của dòng Đa-nuýp. Các cây cầu trang hoàng rực rỡ, nhà Quốc hội có các ngọn đèn pha chiếu qua chiếu lại trông lung linh huyền ảo lạ lùng. Mặt sông Duna san sát các tàu thủy bật đèn bên trong khoang, cái đang đi, cái đang đỗ. Lạ một cái là hình như các bến tàu thủy đều nằm hết bên Pest, bên bờ Buda tuyệt nhiên không có cái bến nào!?
Tượng thần Gellért với hai lực sĩ đánh rắn dưới chân vẫn uy nghi dũng mãnh, tuy vậy, ngước trông lên không cảm thấy khổng lồ và rờn rợn như thời xưa. Nhớ lần đầu lên núi Gellért, tối về khó ngủ vì ấn tượng bức tượng to quá, hình như nó sắp ngã thẳng vào mình, không biết tránh đâu thoát hiểm. Tượng một loạt các chiến sĩ Hồng quân đã dỡ bỏ. Dòng chữ phía dưới tượng thần Gellért cũng đã bị thay đổi, cái này do các thổ dân thổ lộ, chứ anh em ở nhà chân ướt chân ráo mới sang, làm sao nhớ nổi từng chi tiết cặn kẽ (aproságosan) như thế.
Anh em ta đi dạo trên sân sỏi lạo xạo và chụp ảnh, quay phim đôi chút. Các con đường nhỏ xung quanh đều cố tình không bật đèn để tượng thần nổi bật hơn. Đi xuống lưng chừng núi, anh em ta lại phải vòng lên vì còn phải quay trở lại xe ô tô.
10 rưỡi đêm, trên đường quay về khách sạn, Ái "tầu" đề nghị tạt vào đâu đó mua bàn chải đánh răng. Dương “quái” đỗ xe bên ngoài một cửa hàng tự chọn. Anh em nhảy xuống, tranh thủ ghé vào kiváncsian xem cửa hàng nó như thế nào. Đáng ngạc nhiên là cửa hàng bán (công khai!) rất nhiều các tạp chí kiểu Playboy. Ngoài bàn chải, mấy anh em khuân thêm bốn chai bia Hung (không có bia világos, mà chỉ có kis aranyos) về uống buổi đêm cho đỡ khát và đỡ nhớ.

Ngôi trường xưa
Đêm Budapest không lạnh như tôi tưởng. Tiết trời hơi se se, tuy nhiên không đắp chăn cũng chả sao. Thay đổi về múi giờ không gây nhiều ảnh hưởng tới giấc ngủ của chúng tôi. Tôi ngủ một mạch đến 5 giờ 30 phút, trở dậy ra ban công ngắm nhìn phố xá vắng ngắt, nhận thấy một sự yên tĩnh tuyệt vời. Mặt đường nhựa phết một lớp nước mỏng, chắc là đêm qua mưa lớt phớt. Thi thoảng, chiếc trô-li-bút (số 82) có cái cần câu điện dài ngoằng ngoẵng phóng qua phóng lại trước mặt. Ở Hà Nội, giờ này là giờ của các hàng ăn sáng: bánh mì nóng, bánh dầy, bánh giò, bánh cuốn, đủ thứ xôi... hàng nào cũng cố thét lên thật lực.
Bật tê-vê nghe tin tức, âu cũng là để thử xem trình độ tiếng Hung của mình đã mai một bao lăm. Được cái, tin tức họ phát đi phát lại 3-4 lần trong một buổi sáng nên dễ theo dõi. Các phát thanh viên trông già dặn, hơi nghiêm túc, không còn mấy ai pha trộn tính hài hước bẩm sinh của người Hung. Đài truyền hình trung ương và Đài truyền hình Budapest phát chung trên cùng một kênh. Sông Tít-xo dâng cao, nước tràn vào các căn hộ tầng một ở khu vực lân cận Szolnok khiến mấy bà nội trợ vừa trả lời phỏng vấn vừa phải lấy gáo múc nước mưa đổ ra đường; nhiều người dân di chuyển bằng xe đạp, nước ngập đến may-ơ. Dự báo thời tiết cho thấy chúng tôi gặp may, đang được thụ hưởng thứ thời tiết mùa hè (nyári idojárás): sáng 16 độ, trưa 25 độ, chiều tối 32 độ C, không mưa. Vệ sinh cá nhân xong, mấy anh em xuống nhà ăn tầng hầm, vừa ăn sáng vừa ngồi bàn kế hoạch: đi đâu, làm gì. Vẫn thấp thỏm mong chờ món kolbász hay virsli véletlenul hiện ra trong nhà ăn, song csalódva là không có.
Kế hoạch sáng nay là đi thăm trường cũ. Khoảng 9 giờ 30 sáng, 3 xe con đã tề tựu đông đủ phía dưới Khoa Kỹ sư điện và Tin học (Villamosmérnoki és Informatikai Kar) Đại học Bách khoa. Ngày xưa, khu Đại học Bách khoa chỉ kéo từ đầu cầu Szabadság đến cầu Petöfi là hết. Nay, Budapest đã có thêm một cây cầu mới là cầu Lágymányosi (xây song song, sát với cầu đường sắt ở phía nam - déli vasúti híd). Khu đất hoang vu bên cạnh Bể bơi Bách khoa giờ đã trở thành Khu công viên Công nghệ thông tin (Info Park), với những tòa nhà sáng choang của các hãng IBM, HP quay mặt ra đường vành đai,.., một số khoa của Müegyetem, khu thể thao liên hợp sinh viên có mái che trông giống cái lưng con khủng long thời tiền sử lởm chởm hơn chục cái gai nhọn (thực chất là các tấm pin mặt trời màu trắng cách điệu), 2 tòa nhà màu hồng và màu nâu đỏ của Đại học Tổng hợp ELTE (Khoa Tự nhiên, TermészetTudományi Kar, viết tắt là TTK, và Khoa Luật) quay mặt ra bờ sông Duna.
Cả hội chụp ảnh, quay phim tới tấp. Do Tuấn Anh đã liên hệ từ trước (lại Tuấn Anh! Anh bạn này thật nhiệt tình, lại còn xin nghỉ phép cả tuần để "phung phí thời gian" với đoàn có chết không? Köszi T.A.) nên có phó giáo sư Tiến xuống tận nơi đón đoàn. Tiến trông còn trẻ, mắt một mí, da trắng, dáng thư sinh, thật đúng là dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm, sang đây học đại học từ 1985, làm một mạch liền tù tì thạc sĩ, tiến sĩ, sau đó được giữ lại làm giảng viên của trường Müegyetem, nay đã lên đến docens. Nghe giới thiệu thế, đã thấy mên mến, và tự hào, à, thì ra sinh viên Việt Nam cũng nem buta đấy chứ. Oszintén mondva, lũ chúng tôi ngày xưa thật khó tưởng tượng một bạn nào trong lớp (kể cả sinh viên Hung, chứ đừng nói Việt Nam hay nước ngoài) được giữ lại làm giảng viên của trường, bởi lẽ phải vô cùng xuất sắc.
Tiến dẫn chúng tôi vào thăm các giảng đường tầng một còn mới tinh, thơm mùi sơn. Mấy anh em tranh thủ ngồi vào các hàng ghế, bâng khuâng vào vai các chàng sinh viên trẻ bỡ ngỡ ngày nào. Cuộc đời đẹp sao! Hệ thống bảng hiện đại sơn màu xanh lá cây đậm, có những đường ray trượt để giảng viên có thể bấm nút điều khiển các bảng chạy ra chạy vô theo ý muốn. Chúng tôi vào thang máy đi lên tầng, thăm phòng Tiến. 13 người vẫn nhẹ, chứa đủ trong 1 thang máy. Phòng làm việc của Tiến bề bộn mọi thứ: máy tính, giấy tờ, tài liệu. Ai đó hỏi Tiến về các cựu giảng viên. Tiến lục tìm quyển danh bạ nội bộ, có đầy đủ điện thoại và e-mail của các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên. Tiến bảo, trên trang Web của trường cũng có danh bạ này. Một số người thử bấm điện thoại, song đầu dây đằng kia không ai nhấc máy. Tiến giải thích, sắp đến ngày lễ 20-8, mọi người nghỉ cả (hồi trước gọi là gì nhỉ? Laza munka?), phải đến Thứ hai 21-8, các Bộ môn (Tanszék) mới có mặt đông đủ.
Chúng tôi theo Tiến đi thăm Phòng thí nghiệm. Đó là một (hai, ba) phòng thí nghiệm hiện đại do các hãng viễn thông như Nokia, Siemens,... phối hợp với Đại học Bách khoa (kẻ góp công, người góp của) thực hiện các đề tài nghiên cứu. Máy tính, bộ chuyển mạch, máy đo... xếp lăn lóc trên mặt bàn như lợn con. Bốn bức tường dán kín các loại sơ đồ, biểu đồ, quy định, bảng chỉ dẫn, tiếng Hung có, tiếng Anh có.
Nhác trông có vài ba sinh viên, có cả sinh viên châu Á, đang miệt mài lập trình. Không thử chào bằng tiếng Việt, vì nhỡ là sinh viên Trung Quốc hay Hàn Quốc thì sao. Tiến bảo, có cả sinh viên, cả học viên cao học, cả nghiên cứu sinh đang làm luận án với Tiến. Chúng tôi còn leo lên các bộ môn khác, cũng là để thám hiểm tòa nhà lắp kính này luôn thể. Một bộ môn có treo ảnh các cán bộ giảng dạy ngoài hành lang, Dũng "vịt" chợt nhận ra một ông bạn vàng thời đại học có mặt ở đây. Gõ cửa một bộ môn khác, có "người quen" của Võ Mai và Đỗ Hòa. Cả hội sà vào nói chuyện cực kỳ vui vẻ.
Phỏng vấn Tiến, được biết hiện có 7 sinh viên Việt Nam đang học ở khoa này. Các sinh viên nói chung chăm chỉ, thông minh. Cơ hội làm thêm, nghiên cứu thêm, tham gia đề tài này nọ (TDK = Tudományos Diák Kör = nhóm nghiên cứu sinh viên, chủ yếu tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu là chính; và KK = Kivüli Kutatás (??) = đề tài làm thêm với bên ngoài, nói chung "xôm" hơn) cũng có, tuy nhiên, thu nhập thêm có lúc có chỗ chưa cao bằng so với đi phụ thêm việc bán hàng ở chợ "4 con hổ", nên bắt buộc sinh viên phải cân nhắc cái lợi cái thiệt, cái được cái mất, cái trước mắt và cái lâu dài. Tiến cũng không giấu giếm khi "bị" phỏng vấn về lương bổng của giảng viên đại học hiện nay: trừ thuế, còn khoảng 250.000 Ft cầm tay (khoảng 1.200–1.300 USD), cộng thêm các khoản này nọ, cứ cho là ngót nghét 2.000 USD, tham gia thêm các đề tài bên ngoài thì được ngần ấy nữa, tạm đủ nuôi một vợ một con. Vợ Tiến cũng học trường Bách khoa ra, song ở khoa khác. Nghe nói, Budapest là thành phố đắt thứ 75 trên thế giới.
Còn rất nhiều nơi khác trong trường phải đi thăm. Thời gian ở đây đã hết., chúng tôi quyết định xuống đất. Tới chân cầu thang máy thì phát hiện ra thiếu Dũng "vịt". Một người hú lên: "Dũng ơi, Dũng ơi!", có tiếng đáp "ơi, ơi" rất khẽ. Anh em ra bên ngoài lề đường ngồi nghỉ trên những băng ghế dựng dưới gốc cây dưới ánh nắng thu rực rỡ. Tiến tình nguyện quay lại tìm Dũng, nhưng 10 phút, rồi 15 phát vẫn không lần ra hol van a bácsi. Gyere már, barátom! Khoảng 15 phút nữa thì Dũng lững thững xuất hiện trong ô cửa chính. Mọi người đồng thanh thở phào.
Ngang qua tòa nhà TTK của Đại học Tổng hợp ELTE, chúng tôi dừng lại chụp đôi ba tấm ảnh. Không đủ thời gian để vào bên trong. Hẹn lần khác vậy.
Đến gần cầu Petöfi, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng các tòa nhà cũ của Đại học Bách khoa Budapest. Ký túc xá khoa Chế tạo máy xuống cấp dữ dội; các cửa kính nhà V2 đã lâu không thay, cái rụng cái mất; tòa nhà Khoa Siêu cao tần (Microhullámú) cũng cũ kỹ quá, thậm chí trông hơi thê lương, ảm đạm. Giá như Trường BME (Bộ giáo dục? Thành phố?) có kế hoạch cấp kinh phí cho tu bổ hay xây lại các tòa nhà nằm sát mặt đường ấy thì trái tim của những cựu sinh viên như chúng tôi đỡ xót xa biết bao nhiêu! Jaj, de fáj a szívem!
Cả hội chui qua đường ngầm đầu cầu Petöfi sang nhà V2. Nhất quyết phải lên tầng 12 "ngắm" cái thư viện một cái. Thang máy bé tí, mỗi lần chỉ chở được 6 người. Nơi đây, mỗi mùa tuyết rơi, các bà thủ thư lại mắc bệnh bật lò sưởi trung tâm quá tay, khiến cho sinh viên Việt Nam chui vào thư viện không phải để đọc sách, mà là để... ngủ. Sajnos! Ái "tầu" tranh thủ ghé Bộ môn Công nghệ. Đã đi qua nhà R, nhưng thấy tiếc rẻ, các anh em lại lộn trở lại để ghé vào tòa nhà của Khoa Siêu cao tần. Rủi cái, đến tầng một thì gặp một cái shop bán đủ các loại áo phông và đồ lưu niệm. Anh em lao vào mua tới tấp, bà bán hàng được một phen vớ bở. Áo phông không giống ngày xưa (không có chữ BME to tướng sau lưng), nhưng thật đáng mua. Chưa kể, nếu ai có máu buôn bán (đây là đoàn doanh nghiệp cơ mà!) thì hoàn toàn có thể mua một mớ về "để lại với giá phải chăng" cho những cựu sinh viên sẽ có mặt trong buổi gặp gỡ 28-8 tại Hà Nội. Dũng "vịt" còn nảy ra sáng kiến mang về Hà Nội in cho nó rẻ: giá ở đây tính ra khoảng 6 USD. Nhưng làm thế là vi phạm sở hữu trí tuệ nghiêm trọng đấy! Cuối cùng, thăm Khoa Siêu cao tần đâu chẳng thấy, chỉ thấy mỗi người lặc lè xách một zsacskó áo phông đi ra.
Sang nhà R, mọi người bỗng thấy một khuôn hình đẹp, vì có bóng tượng thần Gellért in hình trên nền trời phía sau. Thế là đua nhau chụp ảnh, quay phim. Thần ở xa quá, không biết có lên hình nổi không. Vào nhà H, anh em tranh thủ uống nước hoa quả ép mua bằng tiền xu ở cái máy tự động. Lâu ngày quá, lóng ngóng không biết phải bấm nút nào để lấy nước ra. Không phải đút một đồng xu (2 Ft, 5 Ft như thời xưa), mà đút nhiều đồng xu mới lấy được nước. Việt Trung mê mải với cái trạm Internet miễn phí. Vào các trang chủ rất tốt, nhưng check mail thì có vấn đề, loay hoay mãi, mà máy cứ ì ra. Tuấn Anh và Chung gù kéo nhau tranh thủ thăm lại thầy giáo dạy Toán cũ.
Buổi trưa, mọi người quyết định sẽ ăn trưa ở quán súp cá Xe-ghét (Szegedi halászlé) bên trong Đại học Bách khoa. Các cựu sinh viên Bách khoa kể, quán này vừa gần vừa ngon, nhưng ngày xưa vào đấy là hơi luxus (hoang phí). Bạn Điệp quay lại nơi đỗ xe ô tô (đoàn đã cuốc bộ quá xa) để giong ô tô tới quán, "kẻo tí nữa ăn xong, quay lại chắc chết luôn".
Khi cả hội đang lững thững ở cuối nhà R thì bỗng thấy một bóng người chạy đi chạy lại phía ngoài hàng rào, miệng kêu oai oái, tay vẫy rối rít. Thì ra, đó là Tuấn tồ. Anh em vẫy tay ra hiệu. Tuấn tồ khoái chí định phi thân vượt rào (trường vắng tanh, chả có ma nào nhìn), nhưng làm thế không illik tẹo nào, nên cả hội chầm chậm bình tĩnh lần ngược theo hàng rào khoảng 100 mét thì tìm thấy lối ra, giúp Tuấn có cơ hội gia nhập đoàn. Tại đây, đoàn phấn khởi thăm lại ký túc xá Kruspér.
Việt Trung nhất quyết bắt mọi người cùng chụp một kiểu ảnh, buszkén szólva, "tuy tôi học bên trường Tổng hợp thật, song tôi dám cá là tôi biết rõ tòa nhà Kruspér hơn bất cứ học viên quân sự nào, kể cả các bạn học ở Bách khoa". Thậm chí, đã có lần Việt Trung dám cả gan khóa trái cửa phòng tập thể dục ở tầng ngầm, ngăn không cho ai vào đó trong vòng 30 phút, để sử dụng căn phòng vào mục đích riêng tư.
Đi thêm một chút nữa, đến một con đường nhỏ, hai bên có đặt nhiều bức tượng bán thân của các giáo sư tiến sĩ viện sĩ. Trước mắt hiện ra một công viên nhỏ trồng nhiều hoa và cái mái lợp  không lẫn vào đâu được, sơn những hình trang trí đường diềm đẹp đẽ lạ mắt, rất đặc trưng trên nóc nhà K. Cả hội không bỏ lỡ cơ hội, ra sức chụp ảnh. Bỗng có tiếng chuông điện thoại véo von. Tuấn Anh nghe điện thoại xong, thẫn thờ báo một tin xấu: chị Điệp đang ở quán súp cá và được quán ăn hân hạnh thông báo hôm nay không còn chỗ nữa. Nhẽ ra, phải đặt chỗ trước từ buổi sáng. Cả hội lại chụm đầu tính toán xem ăn trưa ở đâu, vì kế hoạch buổi chiều là 3 giờ sẽ đến thăm bà giáo Havasi Ágnes.
Sau khi đã thống nhất địa điểm ăn trưa (do Tuấn tồ chỉ điểm), Tuấn Anh và Tiến "docens" phải cuốc bộ ra quán súp cá, chỗ chị Điệp, để nhờ chị cho quá giang lại chỗ để xe ô tô. Mọi người sẽ chờ ở phía sát bờ sông. Có mấy cựu sinh viên định đi đường vòng, Tiến "docens" liền dẫn cả hội băng qua bên trong nhà K, đường đi khá ngoắt ngoéo (Tuấn Anh thành thực công nhận, suốt 6 năm học đại học, chưa đi đường ấy bao giờ). Thú thật, bên ngoài nhà K đẹp vậy, nhưng bên trong các phòng làm việc cũ kỹ, già cỗi. Đến một cái sân rộng, mọi người cùng ồ lên. Thì ra, đây là nơi phát bằng tốt nghiệp. Tiến kể, Tiến đã đứng "chịu trận" ở sân này những 3 lần: nhận bằng tốt nghiệp, nhận bằng thạc sĩ, và nhận bằng tiến sĩ.
Trong lúc chờ đợi xe ô tô đến đón, mọi người được chiêm ngưỡng bất đắc dĩ cảnh đóng phim tại bờ sông. Tay đạo diễn ngoác mồm hô :"Felvétel. Út-bezárás", sau khi quay xong lại hô "Felvétel O.K. Vége az útbezárásnak". Xe ô tô chắc phải chạy vòng vèo, nên khá lâu mới tới. Một số anh em tranh thủ móc điện thoại di động ra gọi về Việt Nam cho người thân (mua SIM bên Hung, gọi bao nhiêu nạp tiền bấy nhiêu) hoặc gọi về công ty, hoặc gửi nhận tin nhắn (Ugye, nem felejtjuk el a munkát). Giờ này, ở Hà Nội đã là 5 giờ chiều.
Xe ô tô chạy dọc bờ sông. Đến giờ mới có dịp ngắm kỹ Khách sạn Gellért (5 sao). Vẫn thế. Khách sạn Duna ven song ngày mới sang Hung được nghe giới thiệu là khách sạn loại sang (cũng 5 sao), có 365 phòng, (đã từng có ông vua hay tổng thống, Pi-nô-chê thì phải, thuê luôn một lúc cả 365 phòng trong chuyến thăm Hung năm 1975, "cho nó ngầu"), bây giờ "xuống mã" quá, trông cứ như khách sạn "Thắng Lợi" do Cu-ba xây giúp ta ở mạn Hồ Tây. Ngang qua khách sạn Astoria trên đường Muzéum körút, gần Đại học Tổng hợp ELTE, thấy vẻ ngoài khách sạn "quá khiêm tốn". Khi đang là sinh viên, tôi nghe các bạn trong lớp xì xào: vé vào cửa ở đó là 50 USD (trong lúc giá 1 chiếc quần bò Le'vis hay quần nhung Wrangler có 20 USD (ngót 1.000 Ft), rút tiền ra mua là xót ruột như xát muối vào lòng), và khách sạn chỉ mở cửa từ lúc nửa đêm đến 4 giờ sáng, bên trong khách sạn có đủ thứ ăn chơi xa xỉ như ở phương Tây. Ngã tư này (có tên gọi Astoria tér) ngày trước có một khoảnh đất trống kê vài ba chiếc ghế gỗ sơn màu đỏ chót, các ông bà già người Hung hay ngồi vứt vụn bánh mì xuống đất cho chim bồ câu nhặt, trông quang cảnh thật thanh bình, nay đã mọc lên một tòa nhà kính kệch cỡm. Tôi mà là thị trưởng Budapest, tôi cho dẹp cái nhà kính chướng tai gai mắt đó ngay.
Quán Le Lángcelott nằm dưới tầng hầm của một ngôi nhà lớn. Cũng vẫn phong cách trang trí "kỵ sĩ Ai-van-hô", ghế băng dài, bàn ăn bằng gỗ thô mộc, mâm ăn 6 người bằng gỗ, khoét các ngăn nhỏ đựng thức ăn hổ lốn: gà, lợn, bò, cơm, rau, hoa quả tráng miệng egybe. Xe đỗ bên ngoài xong phải tự xé vé ở một cột bán vé đứng cạnh đó. Bỏ xu vào, lấy vé ra. Có loại vé 1 giờ, 2 giờ,... Lấy vé xong, đặt ngửa chiếc vé vào xe, sao cho thanh tra giao thông có thể nhìn thấy vé đỗ xe của mình. Nếu mình mua 1 giờ mà đỗ quá 1 giờ thì sẽ nhận được biên lai phạt cuộn vào cái gạt nước, ngày mai biết điều tự động mang tiền đi nộp phạt.

Thăm bà giáo Havas Ágnes
Ăn trưa xong, cả hội kéo đến nhà bà giáo dạy tiếng Hung tên là Havas Ágnes ở số 2 phố Ifjúmunkás. Đó là một khu tập thể cao tầng, kiểu Kim Liên Trung Tự, xung quanh có khá nhiều cây xanh. Bà giáo ở ngay tầng một, phía trước cửa sổ căn hộ có một bồn hoa sặc sỡ. Các xe đến trước phải chờ xe Tuấn Anh vì trong đó có bức tranh định đem tặng bà. Đã quá 3 giờ chiều (giờ hẹn), cả hội đang đứng chuyện phiếm trên vỉa hè thì bất ngờ có tiếng bà giáo gọi, mời vào nhà, nhưng cả hội phải khất lần:"Mindjárt jövünk, tanárnő". Mãi lâu sau Tuấn Anh mới tới, "trình bày hoàn cảnh" là kết hợp đi nạp tiền điện thoại cho một số chiến sĩ trong đoàn và ghé cửa hàng hoa (virág-bolt) để mua hoa.
Trong căn hộ, bà giáo đã bày biện đủ thứ: cà-phê, nước giải khát, hoa quả, bánh ngọt. Bàn ghế nhiều chủng loại, chắc bà giáo phải mượn thêm bên hàng xóm. Nhìn xung quanh, thấy các giá sách sắp xếp gọn ghẽ. Căn phòng đơn sơ, nhưng thật ấm cúng và dễ chịu. Chúng tôi tặng bà bó hoa tươi thắm, bà đón nhận và cảm ơn. Thực ra, bà không dạy tiếng Hung cho chúng tôi, mà dạy cho lớp của Tuấn Anh, Tuấn tồ, Thính, Mệnh... tại Hà Nội. Tiến "docens" cũng có học bà vài ba tiết tiếng Hung hồi học dự bị ở Nándor-Fehérvári út. Qua nhiều bạn bè học tiếng Hung với bà, chúng tôi biết, bà đã sang Việt Nam giảng dạy tiếng Hung nhiều lần.
Phụ việc tiếp khách với bà giáo có một cô cháu gái khoảng 50 tuổi. Sau khi tất cả yên vị, bà giáo đề nghị từng người hãy kể ngắn gọn về bản thân: tên, học ngành gì, tốt nghiệp năm nào, bây giờ làm việc ở đâu, vợ con gia đình ra sao. Chúng tôi đùa, âu cũng là một cách bà kiểm tra trình độ tiếng Hung các học trò của mình. Cô cháu gái bưng các đĩa bánh kẹo, hoa quả mời khắp lượt. Chúng tôi nhón tay lấy mỗi thứ một ít cho bà vui. Bà có người em ruột song sinh vừa mất (tên bà kia là Havas Judit). Tôi không biết thông tin này (thực ra Tuấn Anh đã mail lên mạng), nên hỏi bà, chúng tôi có thể hát vài bài magyar népdal không, nhưng mọi người kịp thời ngăn ngay lại. Việt Trung nhắc lại chuyện, có lần bà đứng trên tầng ba Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân Hà Nội ngó xuống ruộng lúa đằng trước, thấy các phụ nữ Việt Nam chân quấn xà-cạp làm từ túi ny-lông đang làm công việc đồng áng giữa thời tiết gió mùa đông bắc, mưa phùn giăng trắng xóa như mắc màn, bà vô cùng thương cảm. Việt Trung (có chân trong ban chấp hành Hội) nhã nhặn đề nghị bà gửi cho một bản hồ sơ cá nhân để Việt Trung về nước sẽ trình lên Hội Hữu nghị Việt Hung đề nghị tặng bà huân chương, huy chương, hay kỷ niệm chương gì đó. Bà rơm rớm nước mắt cảm ơn.
Trả lời câu hỏi, vì sao không thấy bà dạy trong Petöfi laktanya, bà bảo, hồi ấy bên quân đội trả lương khá "hời" nên giáo viên nào ở Intézet được chọn đi dạy thêm bên laktanya là "hơi bị sướng". Bà thì đã đi dạy ở Việt Nam rồi, nên không muốn chen chân với các giáo viên khác, chứ không phải là bà không muốn dạy, hoặc không có đủ trình độ để dạy.

Thăm chợ Szabadság
Ở nhà bà giáo ra, bạn Điệp cất giọng rủ rê: "Này, ông nào tham sống sợ chết thì đi với tôi nhé!". Tôi, Võ Mai và Hòa leo lên xe của Điệp. Điệp hỏi:"Các vị đi đâu?", chúng tôi trả lời muốn đi xem chợ Szabadság. Điệp lái xe dọc tuyến ô tô số 1, còn cách cầu Szabadság khoảng 500 mét thì đột ngột rẽ trái, lách vào bãi đỗ xe phía sau chợ. Chúng tôi ra khỏi xe, không khỏi mỉm cười vì nhìn thấy một cửa hàng BAV gần kề chợ. Anh Lê Khôi kể, hồi trước có mấy cán bộ từ Việt Nam sang, tiếng Hung một chữ bẻ đôi không biết, hỏi thăm anh Khôi đường đi tới cửa hàng "có cái ông cụt tay". Anh Khôi ớ ra, trấn tĩnh một lúc mới hiểu, đó chính là các cửa hàng BAV, chuyên bán vải vóc, quần áo, chăn màn, rèm cửa rẻ tiền, hạ giá. Biểu tượng kinh điển của BAV in trên cửa kính nửa đen nửa trắng là thần Vệ nữ, mà các cán bộ nọ nhầm với "ông cụt tay".
Chúng tôi bước vào chợ, trong lòng dâng lên một cảm giác nghẹn ngào. Tên bây giờ của chợ là Nagycsarnok (Chợ Lớn). Đường đi lối lại phong quang, sạch sẽ. Các quầy hàng cao ráo, thắp đèn sáng choang. Không có mùi vị tanh tanh lợm lợm như hồi xưa. Không có bọn cigány bế con mọn ngang nhiên phục kích trước cổng chợ, lèo nhèo xin xỏ. Không có những quấy ăn uống bét nhè, luôn létezik những bácsi say rượu coi trời bằng vung. Nói chung là chợ hiện giờ rất văn minh. Hàng hóa phong phú, thể hiện sự sung túc, đầy đủ. Các mặt hàng chủ lực như "mellcsont", "far-hát", "csulok", "spenot", "sóska", "csirke szíve"... nguyên vẹn. Hoa quả ê hề, toàn đồ ngon lành, trông sướng con mắt. Lê, táo, mận... khoảng 180 Ft – 198 Ft một ký (gần 1 USD). Có một loại quả mới lai giữa lê và mận ăn khá ngon, tên hơi khó nhớ. Gạo, mì, kolbász, salami,... đủ hết. Thật đúng là hình ảnh mà chúng tôi mong muốn nhìn thấy mỗi khi mơ về nước Hung. Võ Mai bảo, khi nào về mỗi tên đóng lấy một thùng hoa quả để vợ con ăn cho nó đã.

Buổi tối, chúng tôi ghé thăm nhà Misike.

Thăm nhà Misike
Sợ rằng chương trình làm việc của đoàn ở Hung quá zsúfolt (chữ dùng của Tuấn Anh nói với bà Havas Ágnes, nghĩa là dầy đặc), lúc Misike mang ô tô 9 chỗ tới khách sạn rước anh em đi ăn cơm tối, Việt Trung mới bảo, "Hay là bây giờ đoàn qua thăm vợ chồng nhà cậu, kết hợp ăn tối luôn?". Misike nhất trí phương án này ngay, song dè dặt bảo:" Hôm nay, vợ tao nó đi đánh hàng bên Thổ, vừa ra sân bay đón về xong. Thế, nếu các anh nhất trí ăn mì với thịt hộp thì tôi nấu, có sao không?". Trung bảo, "Mày nấu cũng được, mì với thịt hộp cũng ngon, nhưng nhà có đàn bà thì để đàn bà nấu, mày 'dính" vào chuyện nấu nướng làm gì?". Misike xua tay, bảo:" Thôi, thôi, để tao nấu cho, tao nấu ngon mà". Việt Trung ngần ngừ một lúc rồi đồng ý, nhưng thực ra trong bụng đã nảy ra ý định "nhờ" vợ Minh nấu "hộ" Minh.
Căn nhà hai tầng của hai vợ chồng Misike xinh đẹp, tọa lạc ở quận 14, là quận đắt tiền nhất thành phố. Mảnh đất bề ngang rộng chừng 13 mét, sâu dễ chừng hơn 25 mét. Nhà của chủ cũ 1 tầng xây lệch hẳn về một bên, lấy lối cho xe ô tô ra vào ga-ra. Nhà xây thụt vào so với đường nhựa chừng 3 mét và không xây hết đất, tạo nên sân trước và sân sau. Hai vợ chồng Minh cải tạo lại, lên thêm 1 tầng nữa thành 2, trông rất "oách". Dưới tầng 1 là phòng khách có kê bộ sa-lông mua tận bên Thổ về. Vợ Minh (tên là Hương, do đó, tên gọi Misike đôi khi bị thay thế là Minh-Hương) khoe mua rẻ được bộ sa-lông, và khiến được bọn Thổ chở về tận nơi, vì "em là khách quen của chúng nó, suốt mấy năm nay ngửa mặt lên trời bán cho chúng nó không biết bao nhiêu công-ten-nơ hàng, chả nhẽ có mỗi bộ sa-lông con con chúng nó không chở miễn phí được cho em hay sao?". Trong gian bếp nhỏ tiện nghi chủ nhà kê bộ bàn ăn nhỏ, đủ cho hai vợ chồng và hai đứa con (một trai một gái). Đông người ăn hơn thì bố trí ra bàn ăn lớn, kê ngoài phòng khách, cùng màu với bộ sa-lông. Phía đầu bàn ăn lớn có một chiếc lò sưởi. Sự có mặt của nó làm cho căn phòng ấm cúng hẳn lên, dẫu chủ nhân không đốt củi sưởi (thời tiết đang cuối mùa hè, đầu mùa thu). Tầng hai là phòng ngủ của gia đình. Hai đứa trẻ nhà Minh-Hương (nyugodtan így lehet mondani) chưa lớn lắm, quanh quanh 10 tuổi.
Đúng như đã "lập trình từ trước", vào tới nơi, dõng dạc cất tiếng chào bà chủ xong, Việt Trung xởi lởi hỏi thăm: "A, Hương mới đi lấy hàng bên Thổ về à? Mới từ sân bay về à? Có mệt lắm không?... Ừ, thôi, em cho bọn anh ăn gì cũng được, bộ đội mà em!".
Anh em nhìn nét mặt dũng cảm ngời ngời của Misike, biết ý nên mỗi người một tay xúm vào đỡ đần. Minh cất giọng sang sảng bảo, hôm nay ta ăn ở ngoài sân cho nó mát, anh em bèn ra sân dỡ tung đống bàn ghế ra (đêm qua chắc mưa, phải lấy bạt phủ lại), sắp xếp chỗ ngồi. Ông chủ ân cần hỏi anh em uống gì, bia hay rượu, anh em bảo đều thuộc loại dễ tính, thế nào cũng được, đến đây cốt là thăm gia đình, ngắm công trình nhà mới, chuyện ăn uống là chuyện phụ. Misike biến đi, một lúc sau nghe tiếng hô "tôi cần hai thanh niên khỏe mạnh", thế là lập tức hai chiến sĩ đều tuổi đã trên 40 ngót 50 thoăn thoắt lao xuống tầng hầm khệ nệ bưng lên một két bia Heinekein. Đang lúc mọi người uống bia, bàn chuyện thế sự trên trời dưới biển, bỗng Misike sợ anh em thiếu ánh sáng, nhỡ may và món mì spaghetti nhầm vào lỗ mũi, nên quyết định thay bóng đèn cho chiếc đèn mắt trâu ở sân. Lục cục vác thang ra, ngắn quá, lại vác thang khác ra đổi, dài hơn. Cuối cùng thì ông kỹ sư technológus cũng thay xong bóng đèn. Đến khi bật, rủi thay, đèn chẳng chịu sáng cho. Anh em can, bảo, thôi, có đèn nê-ông là sáng lắm rồi, thêm đèn nữa chỉ tổ cào cào châu chấu nó thấy sáng quá nó xông đến phá hoại, nhưng Misike không chịu, kiên quyết truy tìm nguyên nhân. Lắc đi lắc lại cái chân bóng đèn, vẫn tối om. Đành chịu bó tay. Đúng lúc Misike mệt mỏi ngồi vật xuống ghế, thì đèn bỗng nhiên bật sáng, làm tất cả mọi người cùng ồ lên. Hóa ra, kỹ sư Minh quên phéng cái công-tắc đặt nơi chân cầu thang, vợ Minh đã nhanh trí nhớ ra, đóng hộ công-tắc, khai thông ách tắc. Món mì spaghetti quả rất ngon, có người xơi luôn hai suất.
10 ruỡi đêm, đoàn về khách sạn tắm nước nóng, leo lên giường, kê cao gối nằm xem chương trình biểu diễn thời trang áo tắm bikini trên ti-vi.

Thăm chợ 4 con hổ
Những ngày văn hóa Việt Nam khai trương tại Trung tâm AsiaCenter vào chiều 19/8, nên buổi sáng chúng tôi quyết định đi thăm chợ 4 con hổ. Chợ là đầu mối trung tâm buôn bán đã đành, nhưng quan trọng hơn, là đầu mối trung tâm gặp gỡ và tìm hiểu thông tin. Vả lại, nghĩa cử thăm chợ của đoàn cũng có tác động khuấy động phong trào và ở một mức độ nào đó là "lấy vía cho anh em mình đắt hàng hơn".
Thực ra, chiều hôm trước đã định ra chợ rồi, song nhiều người bảo có đi thăm thì đi buổi sáng, buổi chiều anh chị em hay nghỉ sớm. Sáng sớm, Phương "hói" đã có mặt cùng ăn sáng ở khách sạn và hoạch định chiến lược thăm thú trong ngày. Xưa, Phương học Khoa "đo đất" (földmérő), tiếng mình nôm na gọi là "Trắc địa". Phương kể, hồi ấy nước mình đang rộ lên khoa học bản đồ, thiếu người ghê gớm, mà môn này lại quá khó, nên Sứ quán và Bộ đại học nghiến răng "cắt" một loạt các chiến tướng chuyên toán sang học ngành này. Phương đã từng được giải TDK (sinh viên nghiên cứu khoa học) của Trường Bách Khoa, vì hồi ấy cứ mỗi lần đo đạc xong các sinh viên lại phải chạy ngược lên tầng chạy máy tính to, trong khi đó, ở ngay tại Bộ môn có một chiếc máy tính nhỏ. Phương đã mày mò lập trình sẵn (kiểu macro), thành thử cứ có dữ liệu bản đồ là "ụp" ra kết quả ngay. Ông thầy thấy vậy rất khen ngợi và đề nghị Phương đưa công trình đó đi thi TDK và kết quả là ẵm giải. Tốt nghiệp về nước, Phương đã lăn lộn khắp nơi, cũng định gắn bó sự nghiệp với ngành bản đồ. Phương đã từng nhận công tác mãi tận Đắc Lắc, Kon Tum, Plây-Cu gì đấy (làm đến chức Phó bí thư chi bộ ở huyện ?!) 7-8 năm, nhưng rồi bỏ hết, sang Hung làm ăn sinh sống.
Hôm ngồi ở quán ăn, Phương nhìn chăm chằm vào mặt Chung gù và Tuấn còi, à một tiếng rồi bảo, hình như đã gặp nhau đâu đó. Thì ra là gặp nhau trên bàn bóng bàn. Chung gù và Tuấn còi nhớ đã "hạ" được Phương trong trận giao hữu nảy lửa giữa quân đội và bên ngoài, chỉ chịu thua lão tướng Đỗ Bá Khang. Phương thì bảo không phải, ("tôi hạ Đỗ Bá Khang ngon ơ"), mà là lần Tô Giang dẫn Phương vào "làm mưa làm gió" ở doanh trại Petofi. Nói chung, giời không chịu đất mà đất cũng chẳng chịu giời, mấy anh em cùng cười xòa. Bây giờ, Phương "hói" đã giải nghệ bóng bàn, song thằng con đang là vô địch Budapest trong độ tuổi của nó, hạ được bố là cái chắc.
Hiện tại, Phương sở hữu biệt danh thông dụng hơn là Phương "B.H.", nghe qua lần đầu hơi buồn cười, song nhìn kỹ thì quả là có ít nhiều hình ảnh lãnh tụ đọng trên khuôn mặt, cái đầu và mái tóc của anh. Phương chuyên giúp người Việt Nam ở Hung học lái xe và thi lấy bằng lái. Ngoài ra, Phương được nhà nước Hung ủy nhiệm công việc dịch các giấy tờ của người Việt sang tiếng Hung. Công việc rất bận, nhưng Phương nhiệt tình giúp anh em chúng tôi.
Xe Phương cùng các xe khác tiến vào cổng số 4 chợ "Bốn con hổ". Tên chợ như thế là vì các chủ sạp ở đây phần đông là 1 trong 4 dân tộc: Việt Nam, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập. Việt Nam mình chiếm 1.000 sạp trong tổng số 4.000 sạp, đúng một phần tư.
Chúng tôi vào sạp vợ chồng Thắng-Quế ngay gần đầu cổng. Anh Thắng trước học ELTE, ngành Sư phạm Toán-Lý. Vợ anh Thắng là em gái Bá Tấn, cùng lứa với chúng tôi. Hai vợ chồng xởi lởi chào mừng đoàn. Mọi người định đổi ít tiền tiêu vặt, anh Thắng nhanh nhẹn gọi một chú Ả-rập, chú ta đi xe đạp đến và giải quyết nhanh gọn mọi yêu cầu. Giá đổi ở đây khá cao (1 USD = 198 Ft, trong khi đó ở khách sạn, họ đổi có 185 Ft). Ai đó gọi điện thoại, Cường “lủi” xuất hiện ngay. Mọi người đề nghị Cường lủi làm idegenvezeto dẫn phái đoàn đi thăm chợ. Các sạp ở đây kê san sát như chợ Hàng Da, chợ Bến Thành, anh chị em người Việt lại bố trí rải rác tản mạn, nên Cường “lủi” phải vắt tay lên trán mất hai ba chục giây mới nghĩ ra nên đi theo đường nào. Đoàn tiến lên theo sau lưng Cường “lủi”, "nếu ai có lạc thì nhớ tìm đến cổng số 4 nhé", Cường “lủi” dặn.
Chúng tôi gặp lại rất nhiều người quen, tay bắt mặt mừng. Đến sạp vợ chồng Sự (nghiên cứu sinh Toán ELTE), Sự còn nhiệt tình đi theo đoàn và sẵn sàng trả lời các câu hỏi tò mò liên quan đến chợ. Mỗi sạp hàng rộng chừng 6 m2, cốt trưng hàng mẫu, bán buôn là chủ yếu. Quân mình cất hàng chủ yếu từ Thổ về, hiện tại đã bắt đầu có những thử nghiệm cất hàng từ hướng Trung Quốc. Bình thường mỗi ngày bán được 1.000-3.000 USD tiền hàng, ngày nào suôn sẻ thì giời cho 10.000 USD. Các sạp nằm ở đường đi chính bán đắt hàng, giá thuê khá cao, và giá bán lại sạp hàng (khi chuyển hướng kinh doanh) cũng cao. Trong chợ có nhiều sạp bán hàng "nhái" của Nike, Adidas..., mỗi lần thanh tra đi càn quét lại xảy ra chuyện tịch thu hàng giả, quân ta chạy tán loạn, tình cảnh vô cùng tang thương. Những lúc ấy, về more (phá sản) là chuyện thường. Chợt thấy một người cầm tập báo in đen trắng trên tay có tiêu đề là "Bạn đường", Cường “lủi” bảo:"Báo của ông Sự đấy!". Quay lại hỏi, Sự cười cười, bảo "đâu, của thằng cháu, mình chỉ giúp nó phân phối thôi". 
Đến sạp Hạnh (vợ trước của Hoàng Sơn), Việt Trung nhiệt tình hỏi thăm. Đến một cái sạp có trưng bày nhiều mũ (khoảng dăm chục cái) chả có ai, Cường “lủi” cất tiếng gọi ời ời "Bà chủ ơi, có khách quý ở Việt Nam sang này", song không nghe thấy tiếng trả lời. Bà chủ (vợ Cường “lủi”) chắc bận đi đâu đó một lát, nhờ người bên cạnh trông hộ hàng. Anh em xông vào sạp vớ mũ đội lên đầu chụp ảnh, cười khoái chí. Nói chung, đoàn làm một tua từ cổng số 4 về cổng số 3 và lộn lại, mất gần 1 tiếng đồng hồ. Cường “lủi” và Sự đến đâu cũng nhận được các câu chào hỏi nồng nhiệt. Sau đó, mấy anh em rủ nhau ra quán bia Thành Nông đầu cổng số 4 ngồi giao lưu mấy cốc. Món házi kolbász độn hơi nhiều ớt, không ngon lắm. Qua tìm hiểu, được biết anh chị em tuy lao động vất vả, nhưung con cái học hành tấn tới, có nhiều cháu đoạt giải học sinh giỏi cấp quận, thành phố, nhiều cháu thi đỗ lớp chuyên toán ở Trường chuyên Fazekas (kiểu như trường Ams ở Hà Nội).

Thăm Sứ quán
11 giờ trưa, chúng tôi lưu luyến chia tay anh chị em ở Chợ 4 con hổ để lên thăm Sứ quán. Theo kế hoạch, trưa nay 12 giờ, đoàn sẽ lên gặp đ/c Đại sứ (đã liên hệ điện thoại di động, đặt lịch từ sáng sớm). Đoàn vào thăm chợ chỉ gồm những anh em ở Việt Nam sang, còn các tài xế bận chạy đây chạy đó một lát, khi nào anh em a-lô thì tới đón. Mới đầu, mấy anh em định chủ động gọi tắc-xi, song về sau mới phát hiện ra bức tranh định đem tặng Sứ quán nhét trong xe Tuấn Anh (chuẩn bị cẩn thận quá!), thế là lại phải "triệu" Tuấn Anh đến. Khi xe Tuấn Anh tới nơi thì các tài xế khác đã "múc" anh em lên Sứ quán mất rồi, Tuấn Anh đành mất công đuổi theo.
Sứ quán Việt Nam không ở chỗ cũ (Benzúr utca, gần Quảng trường Anh hùng), mà đã chuyển sang chỗ mới cách đấy vài con phố, sát với sứ quán Ru-ma-ni. Việt Trung giới thiệu từng người với đ/c Đại sứ. Hơn chục anh em được đ/c Đại sứ tiếp trong phòng khách Sứ quán, nói chuyện thân mật, thật là vinh dự. Chúng tôi báo cáo sơ bộ với Đại sứ Tùng về tình hình làm việc với một số doanh nghiệp của bạn (đi cùng Thủ tướng Hung sang Việt Nam) tại Hà Nội và các buổi dự kiến làm việc của đoàn với bạn tại Budapest và Balaton (cái này anh Võ Mai chủ trì, nhưng đúng hôm đó anh Võ Mai lại có một cuộc hẹn, thành thử anh em cứ thay mặt anh Mai báo cáo đại). Nhân thể, chúng tôi tranh thủ chụp vài ba tấm ảnh với anh Tùng và thầy Tô, hiện làm công tác văn phòng kiêm phiên dịch tại Sứ quán. Một lát sau, Tuấn Anh mang bức tranh đến, chúng tôi trân trọng tặng đ/c Đại sứ.

Ăn trưa kiểu Thụy Điển
Buổi trưa, Phương đề nghị mọi người ra quán ăn svéd asztal (bàn ăn kiểu Thụy Điển) ở Királyné út, số 5. Mỗi người cầm một đĩa xếp vào hàng, thích ăn gì chọn nấy, tự mang ra bàn ngồi ăn, ăn hết lại tiếp tục chọn đĩa khác. Có món cá thịt màu trắng dầy mình ăn rất ngon, không có Tuấn còi chỉ trỏ thì không biết phải chọn ở khay thức ăn nào. Bia ở đây rót cốc to đùng, mọi người cố uống chỉ hết nửa cốc (nhà hàng làm thế, phải chăng để tiết kiệm thức ăn?), bỏ lại trên bàn la liệt. Ăn trưa xong, cả hội quyết định tranh thủ ghé thăm nhà Tuấn Anh trước khi tới dự lễ khai trương ở AsiaCenter vào 4 giờ chiều.

Thăm nhà Tuấn Anh
Nhà vợ chồng Tuấn Anh ở trong phố, là căn hộ 3-4 buồng trong một tòa nhà màu xám đen, rất điển hình cho các ngôi nhà của người Hung mà tôi từng đến. Qua một lối đi thông, rẽ lên cầu thang, men theo một hành lang là tới. Cả ngôi nhà lớn quây hình chữ nhật, giữa là một sân chung kiểu giếng trời, có trồng vài ba cây nho nhỏ, hành lang trên các tầng trông xuống sân.
Tuấn Anh điện về trước nên Hương và bà cụ (mới ở Việt Nam sang) đã chuẩn bị trái cây, nước nôi, bánh ngọt chu đáo, nhưng cái món anh em thích nhất là... máy vi tính, vì anh nào cũng muốn check mail. Trong buồng có một cái tủ đứng, trên nóc tủ để ảnh các cụ và bát hương, lọ hoa, gợi nhớ cái gì đó Việt Nam. Bàn học tập của cháu bé sắp xếp gọn gàng, treo thời khóa biểu do cháu tự lập, giấy khen treo ngay ngắn trên tường, chứng tỏ bố mẹ luôn quan tâm đến sự học hành của Tôm. Cháu gái lớn đang học đại học xa gia đình.
Không có nhiểu thì giờ, cả đoàn chỉ ngồi chơi được độ nửa tiếng, vài ba người tranh thủ lấy thư điện tử, thăm hỏi sức khỏe, công việc, sau đó cả đoàn chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm với gia đình.

Lễ khai trương
Buổi lễ khai trương diễn ra hình thức, nhưng đoàn là một thành viên của đoàn lớn nên nhất định phải có mặt đông đủ. Sau lời chào mừng của Giám đốc Trung tâm AsiaCenter (phiên dịch qua 3 lần: Anh, Hung, Việt) là diễn văn của ngài Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Lê Tiến Thọ và phát biểu của Đại sứ (anh Tùng).
Phần trưng bày có các gian hàng áo dài, thổ cẩm, nón, đồ gốm...

Thăm trang trại Tuấn-Hoa
Kế hoạch thăm trang trại vợ chồng Tuấn-Hoa đã được "lên" trước đó nửa tháng trời, nên từ sáng sớm, Tuấn tồ "xin phép" không đi cùng đoàn để rút lên trang trại chuẩn bị. Theo mô tả sơ lược, trang trại rộng chừng 7 héc-ta, phần đã xây dựng rộng 1 héc-ta, nằm ở Pettend (lúc nghe Tuấn tồ nói, thú thực là không biết viết thế nào), một thị trấn nhỏ cách Budapest 45 km, cách hồ Velence chừng 3 km. Tuấn tồ có một lỗi rất lớn là giấu anh em, không cho biết ngày 19/8 chính là ngày sinh nhật vợ, do đó, khi lên tới nơi, anh em không kịp chuẩn bị một bó hoa để tặng vợ Tuấn (tặng puci thì không tiện). Sau lễ khai trương "Những ngày văn hóa Việt nam" ở AsiaCenter có buổi biễu diễn văn nghệ do các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Trung ương Việt Nam, song anh em đã khéo léo từ chối để phóng lên trang trại Tuấn-Hoa. Kế hoạch của Tuấn tồ là mời thêm nhiều anh em khác (trong và ngoài quân đội) cùng gia quyến lên đó ăn tối, đốt lửa trại, hát hò, bơi lội, đá bóng... đến hết ngày hôm sau thì thôi, miễn là tối 20/8 có mặt để xem pháo hoa ở Parlament là được. Tuấn bảo, anh em cùng ở Budapest thật nhưng mỗi người một việc, chả mấy khi có lý do để gặp nhau đông đông một tí. Nhân dịp mấy anh sang, em xin phép "triệu tập" mọi người luôn.
Ở Trung tâm AsiaCenter ra, anh em có nguyện vọng rẽ qua khách sạn lấy thêm quần áo ấm vì tiết trời bỗng chuyển se lạnh, nghĩ rằng, đông người như thế làm sao có đủ chăn màn (thì mặc quần áo thể thao vậy). Vả lại, các tài xế Tuấn còi, Tuấn Anh, Thính “điếc” đều chưa biết đường, trời lại bắt đầu đổ mưa, nên phải lò dò vừa đi vừa tìm đường. Tuấn còi phóng trước, báo, đã đến công viên tượng gần đó thăm thú, nếu Tuấn Anh và Thính tiện thì ghé qua. Xe của Tuấn Anh còn phải ghé Ngân hàng K&H (nơi Tuấn Anh làm việc) để nạp tiền cho điện thoại hộ một số chiến sĩ, nên hẹn với Thính đợi nhau ở doanh trại Petofi. Về sau, Thính nắm được đường, nên các xe cứ "tuần tự như tiến".
Công viên tượng là nơi thu gom tượng các lãnh tụ như Lê-nin, Các Mác... trước kia đặt trong lãnh thổ nước Hung. Thấy bảo, tượng Bác Hồ họ cũng định gom về đây, nhưng mình đã xin mang về Việt Nam. Trong công viên có khoảng hai chục tượng đài. Bà gác cổng hách dịch "quát" 600 Ft một vé (= 3 USD), và phải nhanh lên, 15 phút nữa là tao đóng cửa. Anh em mình xem lướt lướt chứ không vào bên trong làm gì, vả lại, đang vội đi trang trại, làm cho mấy bà hụt hẫng.
Không ngờ, xe Thính đến đầu tiên, sau xe Misike. Xe Tuấn Anh đến thứ hai (Tuấn Anh đang buồn phiền, vì con tuấn mã của Tuấn Anh hay đến "bét"), còn xe Tuấn còi không thấy tăm hơi đâu. Anh em xuống xe, được sự đón tiếp thân tình của ông bà chủ, rửa mặt mũi chân tay xong là ngồi vào bàn "xực" món súp cá luôn . Hương, vợ Misike, tự nguyện sung quân vào đội ngũ hâm lại súp cá và múc ra bát, bưng ra bàn cho mọi người. Việc đó không nhẹ nhàng, vì quân ta ăn ào ào như tằm ăn rỗi, hết yêu cầu món này lại yêu cầu sang món khác (bánh mì, thìa, ớt, hạt tiêu...). Tuấn tồ cẩn thận thuê đầu bếp đến nấu, chứ không tự tay nấu cho anh em món ăn dân tộc của Hung: suy nghĩ cực kỳ lô-gích. Dự kiến là anh em lên lúc 5 giờ chiều, nên không chuẩn bị đèn đóm ở khu vực bàn ăn ngoài trời. Khi anh em lên tới nơi, Tuấn tồ chạy đi kiếm dây điện dòng từ trong nhà ra, tạo ánh sáng cho anh em. Nhờ ánh sáng, mới nhận ra thêm một số chiến sĩ của doanh trại Petofi: Chính, Khánh.
Gần 1 tiếng sau, xe Tuấn còi mới tới nơi, cười như mếu. Hóa ra Tuấn còi (có vợ "ám" bên cạnh) lạc đường phi lên gần Pécs, sau đó vòng lại, trời nhá nhem vẫn không tìm ra đường (có điện thoại di dộng mà không chịu nghe hướng dẫn tỉ mỉ), lại lạc tiếp loanh quanh Pettend khoảng 5-7 cây số gì đó. Tự nhủ minden jó, ha a vége jó! Tuấn còi vẫn chưa phải là xe muộn nhất. Lục tục kéo đến sau là Hoàng Sơn (đi cùng vợ mới), Bình "xoăn" (đi cùng hai két nước uống, sâm-banh và một... chai rượu Johny Walker Blue).
Tuấn tồ đích thân chỉ đạo việc đốt lửa trại (tábortuz), có vài ba người Hung giúp việc. Họ bẻ các cành cây và trong chốc lát, một đống lửa bập bùng sáng lên trên bãi cỏ rộng. Phải cái muỗi ở đây nhiều như trấu, có anh còn đùa bảo, a-men, hôm nay lũ chúng ta một phen làm mồi cho muỗi trang trại Tuấn-Hoa mất rồi. Muỗi đốt xuyên qua cả quần áo, bít tất, khiến các chiến sĩ diện áo cộc tay gãi liên tục.
Buổi ôn nghèo kể khổ bên đống lửa trại diễn ra rất vui vẻ. Mọi người nâng cốc chúc mừng dịp gặp gỡ hiếm có tại một miền quê Hung-ga-ri. Sau đó, Việt Trung xoay sang kể các câu chuyện tình hấp dẫn, đầy các dấu hỏi bỏ nhỏ. Khuya, vợ chồng con cái Misike, vợ chồng Tuấn-Hồng về trước, Bình "xoăn" đã cẩn thận thuê phòng ở một khách sạn 3 sao gần đấy, còn tất tần tật xông lên chiếm lĩnh trận địa ở tầng 2 biệt thự ốp toàn gỗ thông. (Tầng 1 dành cho phụ nữ, trẻ em và một số khách của vợ Tuấn tồ đến dự sinh nhật). Mọi người chưa đi ngủ ngay mà còn hăm hở nghe Việt Trung thuyết trình nghệ thuật chơi bài tá lả và binh xập xám.
Sáng sớm, hơn 6 giờ, đã có vài ba "khách" dậy sớm, đi dạo dưới sân. Tuấn tồ hăng hái hướng dẫn mọi người thăm trại gia cầm: bồ câu, gà, vịt, gà rừng... Ông chủ này kinh doanh đã giỏi giang, nhưng kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi cũng rất tuyệt vời. Miệng nói tay làm, Tuấn với cái gáo múc thức ăn vãi ra đất cho các con vật quây quần xung quanh. Tuấn kể chuyện, trại gia cầm xưa kia có 2 con gà rừng trống rất đẹp, nhưng rồi chúng quyết chiến với nhau đến mức cả hai con cùng tử nạn, thật tiếc. Và giải thích, tại sao lông con trống sặc sỡ, đẹp và dài thế, còn lông con mái lại màu nâu nhạt, trông không hấp dẫn tí nào? Đó là vì con mái đẻ trứng, muốn trốn sự theo dõi của các con vật khác rình mò. Gà con một dạo chết nhiều, Tuấn tìm hiểu và phát hiện ra, tại lũ đó uống nước ở cái hồ nhỏ trong trại (hồ này, bọn vịt xuống tắm táp suốt ngày, chắc chắn có nhiều vi trùng). Sẽ có kế hoạch nhốt riêng lũ gà con. Hoặc một dạo, đã làm lưới bảo vệ cẩn thận, thế mà cứ sáng ra lại nhặt được xác bồ câu con bị khoét mất óc, thân còn ấm nguyên. Thì ra, chồn hay cáo gì đó lách được người qua mắt lưới, sáng tinh mơ mò vào "thịt" bồ câu, mà oái ăm là nó chỉ khoái khẩu cái món óc. Sau, phải dùng loại lưới có mắt sít hơn.
Các chiến sĩ hít thở mạnh, khua chân khua tay, vươn vai vặn sườn, bẻ ngón tay kêu răng rắc rồi cùng nhau đi dạo quanh quanh cho đỡ tù cẳng. Tuấn tồ cũng cùng đi. Mọi người ngắm nhìn những ngôi nhà hai tầng nhỏ nhắn của người Hung, có vườn tược đơn sơ trồng ít hoa tươi, hàng rào gỗ thấp, đều tăm tắp, sơn cẩn thận, mang tính trang trí là chính. Một đàn chim én nô đùa trên dây điện. Tuấn giới thiệu về mảnh đất 7 héc-ta và những dự định trong tương lai của mình, ngắn gọn là: thôn tính, làm đường, chia lô, bán. Để giữ trang trại, Tuấn đã phải quan hệ với cán bộ địa phương, đưa người thân ở Việt Nam sang, mưu trí cho nhập khẩu Pettend (thủ tục đơn giản thôi, không rườm rà và nhiêu khê như ở thủ đô Budapest). Những người này có hồi xuống sống ở Pettend, sáng sáng chiều chiều bách bộ quanh thị trấn để ai cũng nhìn thấy "người thực việc thực". Tuấn còn mua mấy cái máy giặt vứt lỏng chỏng trong nhà tắm để làm phép, chứng tỏ chúng tôi đang sống ở đây.
Khi cả hội quay về thì một số anh em đã bắt đầu dậy. Mọi người làm vệ sinh cá nhân xong, ăn thịt kho với bánh mì, thịt kho hơi szerelmes (mặn). Vẫn còn một đĩa thịt rán tối qua. Có đủ sữa chua, sữa tươi. Tuấn cười bảo, thế là đủ protéin cho các anh du hý nước Hung. Nắng lên. Mọi người sắp xếp đội hình kéo nhau ra chụp ảnh. Chuyên gia Quân cười bảo, sẽ gửi gấp các ảnh về cho anh em ở nhà. (Sau này về Hà Nội, thấy anh em thắc mắc đoán già đoán non: những người trong ảnh là ai – quên không ghi chú – và nhà Tuấn tồ sao trông giống nhà cấp 4 thế – vì người chụp lấy phông là cái ga-ra ô tô).
Đằng kia, có hai ông bà Tây đi chiếc xe cũ kỹ có mặt từ sớm đang bắc bếp nấu ăn trưa. Tuấn bảo, hôm nay chiêu đãi anh em hai món đặc Hung, là gúlyás (xúp thịt) và töltőtt káposzta (bắp cải nhồi thịt nấu với váng sữa). Một lát sau, Tuấn Anh thông báo vợ chồng Tuấn-Hồng có nhã ý mời anh em đến chơi nhà, tiện thể ăn phở Thái. Thế là lâm vào "hoàn cảnh" ai người ta cũng quý mình, sướng ghê!. Băn khoăn một lúc, anh em đi đến phương án dung hòa là sẽ ăn trưa ở trang trại Tuấn-Hoa sớm lên một chút, sau đó về Budapest xơi một bát phở Thái nhà Tuấn-Hồng, hy vọng lúc ấy dạ dầy đã ngót ngót rồi.
Kế hoạch trước mắt là ra hồ Velence chơi. Hoa, vợ Tuấn tồ xin phép ở lại tiếp khách. Hai chị gái của Tuấn cũng đi cùng. Ba xe ô tô phi ra bờ hồ, mua vé vào cửa, cả hội dắt díu nhau dạo chơi bên bờ hồ. Hồ không rộng, nước cũng không xanh ngắt (hơi nâu nâu), sóng lặng, số người nằm phơi nắng trên bãi cỏ không nhiều. Tuấn Anh tròn mắt khi biết thông tin là ở hồ này có bãi tắm... truồng (đâu như ở phía gần đường cao tốc cơ), những năm 1980 giá vé vào cửa đã là 60 USD. Mấy chú thiên nga trắng ngần bơi lại gần, hầu mong kiếm chút bánh mì. Đáng tiếc là không có ai đem bánh mì theo.
Một lát, Tuấn tồ nghe điện thoại và bảo Minh "bọ" đang trên đường đến hồ, cả hội quay trở ra đón, nhưng không thấy. Trở về trang trại, đã thấy Tuấn còi và Minh "bọ" ngồi đợi ở đấy. Mọi người ăn trưa nhẹ nhàng, sau đó gói ghém đồ đạc chuẩn bị hành quân về Budapest. Đang đi ra cổng thì gặp ông Tây bà Tây đang gánh nồi káposzta nóng hổi vào. Ai cũng thèm, nhưng thôi, đành phải hy sinh vậy. Tuấn thanh minh với ông bà Tây là đưa các "thủ trưởng" đi dạo mát một lúc rồi về ăn káposzta sau, kẻo nói thật, ông bà Tây lại buồn. Vợ Tuấn ra tiễn đoàn một đoạn đường. Chúng tôi cũng nhiệt liệt cảm ơn thịnh tình của vợ chống Tuấn-Hoa.

Thăm nhà Tuấn-Hồng
Nhà Tuấn-Hồng ở phía trên núi, nhác trông giống với nhà Minh-Hương (Misike), song đường ô tô vào ở bên phải căn nhà, không ở bên trái. Nhà xây đã lâu, gần 20 năm, cây cối cũng xanh tốt hơn. Chủ nhà chắc là người yêu quý hoa. Chuyên gia hình ảnh Phan Việt Quân khom lưng cần mẫn quay các cảnh hoa thật đẹp, đủ màu. Quân bảo, để mang về làm nền cho một số video của mình. Hai vợ chồng, hai đứa con sống cùng ông bà. Ông đi vắng, bà đang lúi húi chuẩn bị phở trong bếp. Cậu con trai đầu học Đại học Bách khoa, đúng cái khoa bố mẹ học hồi trước. Trong nhà đã xếp bàn ghế đủ chỗ cho 20 người ăn. Đếm đi đếm lại chỉ có non 10 khách. Bà chủ tất tả dưới bếp chạy lên chào khách, mời mọi người ngồi chơi uống nước, hát karaoké. Việt Trung tranh thủ ngáy o o trên ghế. Mấy anh em trông thấy máy vi tính, ngứa ngáy check mail. Tuấn còi lấy ra mấy tờ báo tiếng Việt, kể chuyện cụ ông sang đây làm báo cho đỡ buồn. Hiện nay, cụ đang đi Trung Quốc (ngày xưa cụ học bên đó). Báo của cụ lấy thông tin từ các báo điện tử ra biên tập lại cho phù hợp với đối tượng là người Việt không biết tiếng Hung, không sử dụng Internet, không có nhiều thì giờ, trông hàng ngoài sạp thì đôi lúc buồn tình giở ra đọc chơi, nắm thông tin trong nước và ở nước Hung. Báo in đen trắng cho rẻ và đỡ phức tạp về kỹ thuật. Cũng hay.
Thấy trong báo in những thông tin liên quan đến "số phận" của chợ Bốn con hổ, rằng, khu đất "thiên thời địa lợi"đó là của MAV (Magyar Állami Vasút - Đường sắt Hung-ga-ri), hiện nay chính quyền đang có kế hoạch thu hồi lại vì cấp cho MAV đã lâu, nhưng MAV sử dụng sai mục đích (cho thuê kiếm tiền). Một khu chợ bên kia đường đăng tin cho thuê sạp hàng (nhanh lên kẻo hết chỗ). Hỏi chuyện thì thấy nói MAV thu mỗi sạp hàng ít nhất cũng 1.000 USD/tháng (tổng cộng có 4.000 sạp), miếng mồi ngon khó mà bỏ được, nên MAV đang tìm cách "đi đêm" để chính quyền làm ngơ hộ cho. Chả rõ đúng sai ra sao.
Trên báo cũng đăng nhiều quảng cáo dịch vụ (vé máy bay, chữa bệnh, phụ đạo học sinh, sang nhượng ô tô nhà cửa...) hữu ích cho cộng đồng người Việt. Đăng cả những tin cướp của giết người, chụp giật, vỡ hụi, tham ô, hối lộ... ở Việt Nam để mọi người bám sát tình hình trong nước. Trang sau cùng có ghi số giấy phép do chính quyền Hung cấp.
Bà mẹ Tuấn-Hồng còn trẻ, nhanh nhẹn, rất chu đáo, mời cả nhà thưởng thức món phở Thái. Tự tay bà nấu và bưng lên phòng khách. Hồng, vợ Tuấn, chắc chỉ là "trợ lý" của bà. Bát phở to, đầy đặn, có cả hải sản trong đó (tôm, mực). Có đủ gia vị: chanh, ớt, rau thơm. Ai ăn thêm xin mời. Bà hay chuyện, kể rằng Tuấn còi đang bận trông thợ làm nhà ("mới đổ bê-tông bể bơi"), còn Hồng thì bận bịu quản lý 9 cửa hàng trang sức và đồng hồ, mỗi đứa một xe ô tô, chạy nhông nhông suốt ngày. Các cháu bận đi học (Tuấn còi có nhiệm vụ đưa đón).
Vườn đằng sau nhà trồng toàn rau thơm: húng, thơm, mùi, tía tô, hàng, sả... đủ hết, không thiếu thứ gì.
Một lần, Tuấn-Hồng còn cho xe ô tô lướt qua mảnh đất đang xây nhà mới rất rộng rãi (gần 1.500 m2), trên núi phía gần Lánc-hid, nhìn thấy thấp thoáng Parlament phía bên kia. Nhà mới sẽ có cả bể bơi. Hồi tôi đang là sinh viên, mình đã đi phụ nề xây nhiều nhà, nhưng những nhà có bể bơi là cực kỳ sang trọng.

Xem pháo hoa 20-8
Theo chương trình, ngày 20/8 là ngày Trung tâm AsiaCenter chiêu đãi đoàn ta đi Éger và ăn tối, xem pháo hoa trên tàu thủy. Buổi sáng, đoàn doanh nghiệp "bận bịu" trên trang trại của Tuấn tồ nên đã xin miễn tham gia chương trình này. Riêng buổi xem pháo hoa, là một trong những mục tiêu ưu tiên của đoàn, nên không thể bỏ.
Mới đầu, bên Trung tâm báo 5 giờ chiều xe ô tô sẽ tới đón đoàn tại khách sạn, về sau điện lại, thông báo là từ 6 giờ 30 đến 7 giờ ô tô mới đến được. Đâm ra, anh em cấp tập về khách sạn trước lúc 5 giờ, sau đó leo lên giường làm một giấc, đúng 6 giờ 30 đã có người gõ cửa cộp cộp giục mặc quần áo xuống xe ô tô để đi ngay ra tàu thủy. Theo sự hiểu lờ mờ của nhiều anh em thì trong lúc ăn tối sẽ có giao lưu và trao đổi ý kiến với một số doanh nghiệp bạn, nên mọi người mới rủ thêm các anh em "thổ dân" đưa cả gia đình đi tàu thủy "cho nó vui". Ngỡ là cái sự đưa đón dành riêng cho đoàn – ưu ái quá! – và cũng sợ rằng đoàn bạn thì "đông như quân Nguyên" mà đoàn ta thì "còm cõi", không tương xứng, nên đoàn chủ động mời thêm các gia đình Misike, Tuấn Anh, Tuấn còi và Thính đi xe con đến khách sạn rồi "vứt" xe con ở đấy, nhảy lên xe ca đi cùng đoàn. Giờ hẹn có chệch choạc (đổi từ 5 giờ sang 6 giờ 30), thế là vợ con Thính đã đến khách sạn rồi, lại "phải" rủ nhau ra siêu thị gần đấy mua sắm, nên đến 6 giờ 30 vẫn đủng đỉnh chưa về trở lại khách sạn, đâm ra cuống hết cả lên, đành theo phương án "dùng xe con đuổi theo sau". Gia đình Misike và Tuấn Anh có mặt đúng hẹn. Cụ bà nhà Tuấn Anh mới ở Việt Nam sang, âu cũng là một "dịp may hiếm có" mời cụ chiêm ngưỡng pháo hoa 20-8 (quen mồm gọi là Ngày Hiến pháp, Alkotmány-nap). Trong thâm tâm, ai cũng nghĩ mình sẽ được ngồi quanh quanh Parlament trên một chiếc du thuyền. Tiếc là không phải thế.
Hóa ra, ô tô ca 50 chỗ còn chạy vòng vèo đón các đoàn Việt Nam khác cùng đi. Đầu tiên, xe chạy qua khách sạn 5 sao đón đ/c Thứ trưởng. Sau đó đi đón đoàn cán bộ ở gần sứ quán (khu vực Quảng trường Anh hùng), rồi qua cầu Petofi, qua cửa hàng Skála, đón đoàn "văn công" đang đứng chờ tại một khách sạn KISZ (Đoàn thanh niên) gần quảng trường Kosztolányi Dezső tér, rồi vòng trở lại chạy tuốt luốt về gần cầu Árpád mới chịu dừng. May mà đoàn doanh nghiệp không đi Eger. Theo đoàn văn công kể lại thì chương trình là dậy từ sáng sớm, ô tô phóng lên Eger, đi bộ rạc cẳng, ghé lèo tèo đôi ba cửa hàng lưu niệm, ăn trưa xong không kịp nghỉ ngơi đã vội về Budapest, về đến nơi cho 1 tiếng rửa chân tay mặt mũi, những người bị nôn dọc đường đói quá phải lấy mì tôm ra đổ nước sôi ăn lót dạ, sau đó lại chuẩn bị... ăn tối.
Lên tàu thủy, cảm giác là hơi choáng vì chẳng có đoàn doanh nghiệp của bạn để giao lưu, chỗ ngồi chật hẹp quá, thót bụng hết cỡ mới lách người đi vào ghế trong được. Ban tổ chức mời các vị khách không chính thức (toàn bạn bè) xuống tầng dưới, thật phiền! Nói chung, buổi xem pháo hoa đêm ấy không thành công. Anh em cũng có lời xin lỗi ba gia đình Misike, Tuấn Anh và Thính. Riêng gia đình Tuấn còi "tỉnh táo" xem pháo hoa từ mảnh đất đang xây nhà mới, nên anh em khỏi phải nói lời xin lỗi.

Đi Balaton
Ngựa có bốn chân còn có lúc ngã. Đánh cờ cũng có lúc thắng lúc thua. "Sự kiện" xem pháo hoa ngày 20/8 đắng ngắt được bù đắp bằng cuộc đi thăm lại hồ Balaton thật thú vị, mặc dù Đài truyền hình MTV dự báo thời tiết "mạn hồ Balaton có mưa". Chúng tôi đã tính đến phương án xấu nhất là trời đổ mưa tầm tã, không đi thuyền buồm được. Khi đó, chắc phải ghé hầm rượu nho nào đó ở Tihany để vui vẻ vậy.
Từ sáng sớm, Tuấn tồ, Tuấn Anh, Tiến "docens" đã có mặt tại khách sạn để cùng đi xe ca to 30 chỗ nhờ khách sạn thuê hộ. Tuấn còi hôm nay bận trông thợ thuyền, không tháp tùng anh em được.
Nhớ lại cái đận đi lên trang trại của Tuấn tồ, hôm ấy xe Tuấn Anh ních 6 người, nên khi chui vào xe phải vận dụng chế độ "hai nhô hai thụt" cho hàng ghế sau. Đang đi, lại bị một xe "Rendőrség" ngẫu nhiên lẵng nhẵng bám theo sau, khiến Thắng "con" phải còng lưng nằm ép xuống sàn, mấy chiến sĩ khác dùng thân mình che Thắng con lại, kiểu anh hùng Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai. Hôm nay đi kiểu này thong thả hơn. Vả lại, nếu có uống rượu ở Balaton, điều này khó tránh khỏi, thì các tài xế lại phải kiêng khem, tội nghiệp lắm! Võ Mai cẩn thận nhờ bác tài nặn óc cố nhớ ra một vài địa chỉ quán rượu (bortoskoló) thân quen đề phòng khi trời mưa có chỗ mà trú mưa.
Đường cao tốc Budapest-Balaton M7 (đọc là em-mờ-hét-tét-sờ) vẫn đẹp đẽ như xưa, xe cộ chạy khá đông. Tuấn tồ giải thích là du khách đi trên đường này, nhưng không đi Balaton, mà lao xuống phía biển của một nước bên cạnh, vì ở đấy điều kiện du lịch ưu đãi hơn. Thành thử, châu Âu đang trên con đường thống nhất, Hung vào EU, song hơi bi đát là Hung bị các nước láng giễng nẫng mất khách du lịch Balaton.
Mọi người râm ran trò chuyện. Lâu lắm mới trông thấy những chiếc xe "rách". Một con Láda "2107" oanh liệt một thời, một con Trabant bị người Hung đặt tên là "Szappan-tartó" (Hộp đựng xà phòng). Tuấn tồ bảo, con Trabant đấy là còn khá đấy, vì là loại 4 kỳ, cái con tồn tại cùng thời với anh em mình chỉ là loại 2 kỳ. Một chiếc Skóda cũ kỹ lạch phạch dạo qua. Tuấn tồ kêu lên "ồ, ngày xưa em cũng đi con này, chứ làm gì có A6 phóng vi vu như bây giờ".
– Thế em học lái khi nào? Một người hỏi.
– Sang đây em mới học. Nhớ lại hồi mới sang, khổ lắm. Nhưng, sang được độ tháng rưỡi là em đã đi lùng mua xe cũ ngay. Ở cái đất này, không có xe thì chở hàng bằng cái gì. Em nhờ một thằng Tây dạy lái xe, nó chỉ cho dăm câu ba điều, mình vác xe ra bãi đất trống hì hục tự tập. Mấy bácsi cứ bảo "cái thằng ấy nó có kocsiázik đâu, nó đang lovagol đấy". Là vì mình sang số không chịu giảm chân ga, xe nó cứ nhấc đầu lên, hực một cái như con ngựa bất kham. Tập tàm tạm, đi chở hàng luôn.
– Thế có lấy bằng không?
– Hồi đầu, em toàn đi bằng thẻ Đoàn. Tám tháng sau em mới lấy bằng. Thằng thầy kiểm tra nó bảo "Oregem, mày đã lái nhiều rồi phải không? Dạng như mày thì đỗ thôi". Rồi nó cho đỗ.
– Cái xe chạy tốt không?
– Tốt cái nỗi gì hả anh. Có điều, em là thằng chủ xe, em phải tìm hiểu cặn kẽ tính nết của nó. Vả lại, mình học gépész-mérnok ra, chả lẽ không nắm được nguyên lý cấu tạo động cơ ô tô?  Nhiều thằng khác nhảy lên xe được 5 phút là xuống chắp hai tay vái xin thôi luôn, "xe mày khó đi quá". Cơ bản là đi một lúc nóng máy, mình phải chờ một chút cho máy nó nguội đi thì mới đi tiếp được, còn cứ nóng ruột đề liên tục thì "con tuấn mã" nó chềnh ềnh ra nó ăn vạ ngay.
– Thế hồi mới sang cũng đi bán ở chợ "Bốn con hổ" à?
– Đâu, anh ơi. Chợ ấy là chợ của các "đại gia", chân đất mắt toét như lũ chúng em vào thế nào được.
– Thế bán ở đâu?
– Em đi bán ở chợ ngoại thành thôi. Khốn nạn lắm. Có ngày, các anh biết không, nói không ai tin, em đứng rã cả chân từ sáng đến tối được có 300 Ft. Mất 100 tiền chợ, 100 ăn uống, còn 100 chắt bóp để dành. Đêm về, nằm vắt tay lên trán, nước mắt cứ trào ra: trời ơi là trời, mấy chục năm nữa mới đón được vợ con sang Hung đây?
– Thế lúc nào thì vợ con sang được?
– Cũng may, mất mười tháng rưỡi các anh ạ.
– Thế thì bán chác cũng khá đấy chứ!
– Đâu có, anh. Hồi đầu, mưa cũng như nắng, 5 giờ sáng em đã mò dậy xếp hàng, chen nhau vào chợ giành chỗ bán hàng. Mình ở xa, đến nơi thì hết mất chỗ tốt rồi. Em tự bảo mình, không được, kiểu này thì chết, bao giờ mới ngóc đầu lên được. Em đi gặp thằng trưởng chợ. Em bảo nó, ông xem, cách tổ chức chợ thế này là không được. Đằng nào thì hàng ngày tôi vẫn phải mua vé vào chợ của ông. Vậy, ông cho tôi mua vé cả tháng luôn. Ông thu như thế, về phía ông, ông đỡ phải thu nhiều lần, mà về phía tôi, tôi cũng đỡ phải đóng nhiều lần. Ông xếp cho tôi một chỗ cố định trong chợ, dễ cho ông đi kiểm tra xem tôi ngồi có đúng chỗ không. Chưa kể, sẽ tránh được tình trạng chen lấn, xô đẩy, rất là kultúráltalan (vô văn hóa) như hiện nay. Nó gật gù một lát, bảo, ừ, phải, cái thằng này nói đúng đấy. Thế là em rút tiền ra đặt cộp lên bàn mua vé tháng luôn. Hôm sau, mình cứ đủng đỉnh vào chợ cắm cọc và bày hàng ra chỗ của mình. Mấy thằng đến trước cà khịa, bảo, ê, thằng kia, bỏ hàng ra chỗ khác ngay. Em mới đàng hoàng gọi trưởng chợ ra, thằng trưởng chợ bảo, này, mấy chú kia, chỗ này có người thuê lâu dài rồi nhé, legyetek szívesek, biến ngay ra chỗ khác đi cho. Bọn kia trố mắt chẳng hiểu cái gì, chúng nó hỏi, em mới bảo "chúng mày đi gặp trưởng chợ thuê chỗ ngay đi, may ra thì còn chỗ tốt, muộn là hết chỗ đấy!".  Cả chợ nhớn nhác chạy đi gặp trưởng chợ. Từ đấy, không còn cảnh xếp hàng 5 giờ sáng nữa. Tất nhiên, mình chiếm được cái chỗ tốt nhất chợ, hàng bán đắt như tôm tươi. Mấy thằng kia chửi đổng, bảo, "đ.m., bọn mình ở cái chợ này bao nhiêu năm nay rồi mà không đứa nào nghĩ ra, để cái thằng vớ vẩn ở đâu đến nó nghĩ ra cái trò thuê chỗ, tức thật!". Em mới bảo chúng nó, "các con ơi, bố mày đây không phải loại công nhân công nhiếc học việc 2-3 năm đâu nhé. Đã học đại học ở đây hơn 6 năm rồi. Đã ăn dầm nằm dề ở đâu lâu rồi. Tao là cái con hổ người Hung họ elengedték, nay mới trở về rừng đấy, các con ạ".
– Thế hàng bán có chạy không?
– Tàm tạm các anh ạ. Trung bình, mỗi ngày kiếm được 30 đô. Mười tháng rưỡi sau thì em quay về Việt Nam đưa được vợ con sang. Nhưng nỗi khổ vẫn còn đó. Hồi đầu, đi thuê một căn phòng chật như hũ nút. Em còn nhớ, cứ mỗi lần thằng con em nó đái dầm, em lại phải túc trực cái khăn bông tẩy sạch dấu vết ngay. Chứ chủ nhà nó ngửi thấy mùi nước đái, nó khiếp, nó tống cổ mình đi bất cứ lúc nào.
– 30 đô ăn thua gì?. Một người nói.
– Đúng thế, 30 đô thì chỉ đủ sống. Một lần, có thằng bạn ở Cegléd lên Pest, nó rủ về Cegléd chơi hai ba ngày, em ngần ngừ. Nó bảo, nếu mày tham công tiếc việc, thì kéo theo xe hàng về dưới ấy vừa chơi vừa bán. Em tặc lưỡi, nghỉ bán ở chợ, kéo theo cái xe hàng về Cegléd cùng nó. Không ngờ, lúc đếm tiền thấy dôi được hơn 200 đô, tức là "ăn" những 70 đô một ngày. Có vẻ có tương lai đây. Thế là em quyết định nhượng lại chỗ bán hàng ở chợ, kéo cả vợ con về Cegléd.
– Ở Cegléd có ăn thua gì không?
– Cũng được anh ạ. Mới đầu, vợ chồng em tự tay bán. Sau, em thuê một con Hung sống gần chợ, sáng bày hàng ra, tối dọn hàng vào, mình chỉ đủng đỉnh bán, đỡ nhọc hơn trước. Sau nữa thì thuê hẳn nó bán, mình chỉ quản lý tiền hàng, cho đỡ cực cái thân. Cũng gọi là kiếm được một ít tiền. Nhưng rồi em nghĩ, mình không thể cứ bán nhỏ thế này mãi. Đất tỉnh lẻ là nơi kiếm ra tiền thật đấy, những muốn làm ăn lớn thì phải bươn về Thủ đô.
– Thế lúc nào thì hai vợ chồng quay về Budapest?
– Bảy năm sau anh ạ.
– Về Pest thì lại quay lại cái chợ cũ à?
– Không ạ. Mình đã tính quay lại là mình không làm kis kes nữa, mà làm nagy kes. (kes = kereskedo = nhà buôn, thương gia. Kis kes = bán lẻ, nagy kes = bán buôn).
– Buôn gì?
– Con vợ em nó cũng tháo vát. Hồi ấy, tìm hiểu hàng họ, vợ em nó quyết định chọn các đồ lót phụ nữ làm mặt hàng chủ lực. Mình chỉ bán hàng cho tầng lớp bình dân thôi, không bán hàng cao cấp đâu. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là hàng của mình thua hàng nhãn mác. Đôi khi, một hãng cho ra đời mặt hàng mới, mình mua về tìm tòi nghiên cứu và áp dụng những cái được của nó vào mặt hàng của mình, cái nào bất tiện thì mình cải tiến đi cho tốt hơn, cho nên cũng có lúc đột xuất, hàng mình chất lượng bằng với hàng nhãn mác, mà giá chỉ rẻ bằng từ 1/3 đến 2/3. Nói thật, lúc đầu bọn em cũng đi bán hàng "nhái", có biết cái gì đâu, thấy người ta làm thì mình cũng làm theo. Về sau, "dính chưởng" một lần phát khiếp. Lần ấy, bọn em bán buôn cho một con bé, nó lớ ngớ thế nào để bị bọn quản lý thị trường nó bắt về tội tiêu thụ hàng "nhái". Chỉ sợ nó khai ra mình. Em mới đi ngang qua đánh tiếng, bảo, "này, tao bảo cho mà biết, nếu họ hỏi thì cứ nói là việc mua bán xảy ra dưới đường ngầm, nhận hàng giao tiền cho họ xong, họ bảo họ đi lấy hóa đơn, nhưng rồi chẳng thấy ai quay trở lại. Nếu khai khác đi, tao sẽ thuê luật sư Hung cãi hộ, thì chỉ có rũ tù". Mình biết tiếng tăm, nó chả biết tí tiếng Hung nào, quả nhiên nó sợ, nó khai đúng như mình khuyên nó.
– Thế bán đồ lót cạnh tranh có gay gắt không?
– Có chứ anh. Hồi vợ chồng em mới chân ướt chân ráo trở về, đã có một thằng thống trị các mặt hàng này ở đây rồi. Nhưng được 3 tháng thì thằng kia không bán mặt hàng này nữa, biến luôn.
– Vợ cậu giỏi thật! Một ai đó khen.
– Vâng. Một lần, có một đứa nó khích em, nó cứ giả tảng khen Hoa nhà em giỏi, nhưng nói lập lờ "có cái con... nó giỏi lắm....". Em tức mình mới bảo nó "tao biết một thằng còn giỏi hơn cái con đó kia". Nó gân cổ cãi: "Anh nói phét, không thể thế được. Thế thằng ấy là thằng nào, sao em không nghe tiếng?". Em mới bảo: "Thằng ấy nó giỏi ở chỗ là nó chọn cái con mà mày bảo là giỏi làm... vợ". Con kia im re.
– Vì vợ mà Tuấn tồ suýt mất mạng đấy! Chung gù gật gù đế vào. Mọi người đổ dồn con mắt nhìn vào Tuấn tồ. Tuấn tồ kể:
– Chả là thế này. Hồi mới về nước, khi em quen vợ em thì đã có một thằng "xin chết" rồi. Hôm ấy, đón vợ ở lớp học ngoại ngữ ra, vừa đưa vợ em về Phó Đức Chính xong, em đang trên đường về nhà thì có 3 thằng nó bám theo áp sát. Đến đoạn vắng, bất ngờ chúng nó xông vào tấn công em. Em vẫn kịp cầm chiếc xe đạp cuốc chống đỡ kịch liệt, miệng hô "cướp, bà con ơi, cướp!", và choảng lại chúng nó một trận ra trò, sau, chúng nó phải bỏ chạy. Mình cũng bị nó xoẹt cho một phát ngang tai, đưa ngón tay lên thấy ươn ướt, bỏ mẹ, chảy máu đầu rồi, phải vào bệnh viện băng bó. Hôm sau, em làm đơn lên công an và đến tận nhà thằng kia bảo "mày giấu mặt, nhưng tao biết mày thuê bọn kia chặn đường đánh tao. Mày hèn lắm! Mày thích cô ấy, tao cũng thích cô ấy. Quyền chọn ai là của cô ấy. Nếu mày thích, ra đây thi đấu với tao. Dùng tay không cũng được. Chơi dao cũng được, đây chiều hết. Còn chơi kiểu kia thì hèn quá! Cứ bắc lên cân mà cân, hơi bị nhẹ đồng cân, con ạ". Đến giờ, thỉnh thoảng em vẫn "có quyền vênh mặt" lên với vợ, bảo "ngày xưa, vì em mà anh đã từng đổ máu đấy nhé".
– Bây giờ vẫn bán đồ lót à?
– Vâng, bây giờ vẫn bán đồ lót, nhưng mình có nhà máy tự sản xuất và đăng ký thương hiệu hẳn hoi.
*
* *
Chuyện về Tuấn tồ thì dài dài, kể suốt ngày không hết. Biệt danh có nhiều: Tuấn tồ, Tuấn kều, Tuấn to, Tuấn-Hoa, Tuấn trợn, nhưng Tuấn bảo "đố ai biết biệt danh đúng nhất của tôi đấy?". Về sau, có một anh bạn nhẩm mãi mới bật ra được: Tuấn lợn. Tuấn tồ khen, "giỏi!".
Trên đường đi, trên ô tô, Tuấn hai lần phải trả lời điện thoại. Lần đầu là trả lời bằng tiếng Hung, tôi vừa ngủ gật vừa nghe lõm bõm câu chuyện giao nhận hàng hóa gì đấy. Tuấn yêu cầu đối tác légy szíves, nhớ giao hàng cẩn thận, nhớ làm cho nó chuẩn, không có là không xong với tôi đâu. Tiếng Hung tinh vi thế đấy, "làm ơn" nhưng thực ra là "hãy làm đi".
Lần hai Tuấn trả lời bằng tiếng Việt, trách móc một cậu ngưòi Việt bên Tiệp thì phải, đến lắp đặt máy vi tính tại nhà, nhưng không chịu đặt kế hoạch trước, "anh làm sao có thể ngồi lì ở nhà suốt cả ngày đợi em được, em phải báo trước cho anh vài ngày chứ". Tuấn quay sang phàn nàn bây giờ "bọn trẻ" làm ăn không chịu khó, hỏi mua máy vi tính, lắp đặt tại nhà, bố trí dạy cho các cháu cách thức sử dụng máy (đánh văn bản, truy cập Internet, chat, chơi game,...), hết bao nhiêu anh thanh toán hết, khỏi phải suy nghĩ, thế mà bẵng đi mấy tuần, không thấy hồi âm. Tiến "docens" liền bảo, em có mấy "đệ tử" chuyên làm việc này, em cho anh số điện thoại, anh chỉ cần ới một cái là chúng nó mang ô tô chở máy tính đến nhà anh ngay. Tuấn có vẻ hỉ hả như bắt được vàng.
Tuấn thuật lại số phận phiêu diêu liêu xiêu của mình: ban đầu không được tập trung học tiếng Hung cùng với hội Tuấn Anh, Tuấn còi ngay đâu. Hội kia đã về Thanh Xuân học được một chặp, bất ngờ có một chiến sĩ bị viêm gan đi nằm bệnh viện, thế là đại đội phải cấp tập chọn người đang chuyên tâm học tiếng Nga chuyển sang học đuổi tiếng Hung để thay thế. Lúc này, đã nhiều người biết so sánh là học ở Hung thì điều kiện sống ăn đứt so với học ở Nga, song đại đội trưởng Khải bảo các cậu cần xác định quyết tâm, không có sẽ bị rơi vào tình cảnh xôi hỏng bỏng không, vì tiếng Hung học mà không đạt yêu cầu (tiếng Hung khó lắm!) thì không được đi Hung, quay lại đại đội thì tiếng Nga đã bị tụt hậu, cũng khó bố trí đi Nga, như thế có thể bị phí mất một năm.
Tuấn trăn trở nhiều đêm, sau thì cũng nhắm mắt đưa chân "liều một phen" (thêm một lý do khích lệ, là chị ruột của Tuấn lúc đó đang học năm cuối bên Hung). Cuối cùng được gọi lên, vì đại đội trưởng quý Tuấn, quý ở cái đức không nề hà các công việc phân gio, tưới tắm cho mấy luống rau xanh của tiểu đội, trong khi các công tử bột khác bịt mũi, hai tay đút túi quần đứng ngoài trông vào. Hồi bắt đầu xuống Thanh Xuân, Tuấn run lắm. Tuấn Anh mất bao nhiêu công phụ đạo, "vực" Tuấn theo kịp lớp. Ấn tượng nhất đối với Tuấn là thầy Tô cầm thước kẻ gõ cành cạch lên mặt bàn lấy nhịp, bắt cả lớp ôn luyện mẫu câu :"Ò-cờ-rê-ê-ết-ết-to-...-ó-giờ-...-ó-xờ-ton-lôn-...-vòn", "Ò-cờ-r-ê-ết-ết-to-...-ó-giờ-...-ó-xờ-ton-lôn-...-vòn" (Viên phấn nằm ở trên bàn). Tuấn tròn mắt vì cả lớp hình như đang đồng thanh... nói tục (?!).
Tuấn tồ nổi tiếng vì tinh thần và hiệu quả méló. Năng suất đâu như 1.000 Ft một ngày. Tuấn nhỏ nhẹ bảo, bí quyết chả có gì, khi đi lao động kiếm tiền thì phải biết chọn luống sai quả (ribizke), lấy sẵn khay gỗ (láda) rải ra từng chặng, luống gần chỗ mấy cái cây cao, trú nắng tốt (ban trưa phải tranh thủ nghỉ ngơi đôi chút), và công nghệ quật nhát nào gọn nhát nấy.
Tuấn tâm sự, trang trại của Tuấn nếu có nhiều anh em Việt Nam có nguyện vọng cùng quây quần tụ họp thì sẽ hè nhau dựng một cái đền thờ Hùng Vương (quê Tuấn ở Phú Thọ), ngày rằm mùng một thắp tí hương cho đỡ nhớ quê nhà. Tâm lý của những người sống ở thủ đô là muốn có một cái nhà nghỉ cuối tuần, không được xa Budapest quá. Tầm 40-50 cây là vừa phải, vì hoàn toàn có thể lượn đi lượn về Budapest-Pettend (đi ô tô mất 30 phút), không ảnh hưởng tới những công việc đang quản lý ở Pest. Chi nên, nếu không tụ tập đủ anh em Việt nam về mở một "làng nho nhỏ" thì sẽ chia lô bán đất. Sẽ bỏ vốn làm một con đường nhựa trong trang trại để tiện đi lại, dự kiến đặt tên là đường Hùng Vương. Tuấn nói chắc nịch "chắc 10 năm nữa rồi em cũng về thôi".
*
* *
Xe đang đi, sắp tới Siófok thì bỗng nhiên có người xông ra giơ tấm biển, ra hiệu dừng lại. Hóa ra, đường M7 là đường thu phí, nếu quên chưa mua vé sẽ bị phạt nặng. Bác tài đã mua vé, ung dung trình ra, thế là vượt qua trạm kiểm soát cơ động một cách dễ dàng. Bác tài hỏi "thế cụ thể, các chú đi đâu?", Võ Mai bảo "bác cho đi Siófok, chỗ bến thuyền buồm". Bác tài vẫn chưa xác định được địa điểm cần phải đến, Võ Mai liền kết nối điện thoại và đối tác mời đi chơi hôm nay chỉ dẫn cặn kẽ cho bác tài. 10 phút sau, chúng tôi có mặt tại bến thuyền buồm. Hai đ/c bạn ra đón, quyết định sẽ thuê hai thuyền: một thuyền to 8 người, một thuyền nhỏ 5 người.
Trời hửng nắng, anh em tranh thủ bấm máy trên bờ hồ. Anh bạn người Hung nhắc anh em mình cố "dốc bầu tâm sự" trên cạn, tránh gây ô nhiễm cho nước hồ. Mặt hồ Balaton có vẻ lặng sóng, không bi đát như chúng tôi nghĩ. Tuy nhiên, tầm nhìn bị làn sương mù mỏng manh che khuất, chúng tôi không nhìn thấy bến bờ nào cả, hồ Balaton mênh mông như một tenger. Nhớ lại, cách đây vài năm, Balaton đã ở mức báo động, phà ngừng hoạt động, nước chỉ còn quá đầu gối, ai cũng tưởng "Balaton sắp chết đến nơi rồi". Nghe tin ấy, chúng tôi thấy thật rầu lòng, đau đớn cả thân mình.
Tôi ngồi trên thuyền nhỏ, cùng với Trung, Sơn, Quân, Tuấn tồ. Anh bạn người Hung ngồi thuyền kia cùng Võ Mai, Chung gù, Thắng con, Hòa, Ái, Dũng vịt, Tuấn Anh, và Tiến. Một anh bạn người Hung nữa không đi, ở lại bờ Siófok. Cả hai thuyền đều có khoang, gặp trường hợp trời mưa có thể chui vào đó nấp.
Bác tài ở thuyền nhỏ trạc 60 tuổi, hiền lành, điều khiển thuyền chắc tay, và đặc biệt, rất... lễ phép. Đây là thuyền cá nhân, bác tài mua lại với giá 4 triệu phô-rinh (khoảng 20.000 đô), hồi mua là thuyền đã dùng rồi, nhưng do giữ gìn cẩn thận, nên thuyền còn mới tinh. Mua thuyền mới cứng hết khoảng 10 triệu phô-rinh. Tuấn tồ khoan khoái kêu lên:"Chắc kiếp trước chúng em khéo tu nên mới được tham gia cùng các bác chuyến du lịch Balaton thú vị như thế này". Mặt hồ Balaton trông xa thì phẳng lặng, nhưng ra xa bờ một chút có nhiều con sóng nhỏ dềnh qua dềnh lại khiến thuyền lắc lư. Anh em diện giày da, ra khỏi khoang, trèo lên phía mũi ngồi, tay lúc nào cũng nắm chặt các dây chằng xung quanh, ai bất cẩn là lộn cổ xuống hồ ngay lập tức.
Hít thở mạnh, chúng tôi như muốn uống cả Balaton vào lòng. Không khí trong lành, làn nước xanh trong, xung quanh yên tĩnh, gió thổi hây hây, tất cả như khơi dậy trong chúng tôi những cảm nhận tuyệt vời nhất về hồ Balaton. Bác tài rút ra một chai pálinka "mời chào". Bác sợ chúng tôi lạnh. Chúng tôi nốc mỗi người một hụm, không quên nói kérem szépen. Quả là ấm người lên thật. Thuyền bên, không thấy mọi người uống pálinka.
Tuấn tồ hỏi han bác tài về khóa huấn luyện để có thể lái được thuyền buồm. Bác tài nói, đại ý, mày phải đăng ký vào một lớp học ở ngay Siófoki virtola-iskolán, sau đó học và thực tập trong vòng 2 tuần và levizsgázol là nhận được chứng chỉ. Mỗi khi bác tài chỉnh buồm, bác lại bảo chúng tôi né hẳn về một bên. Những lúc ấy, thấy Tuấn tồ chăm chú theo dõi mọi động tác của bác.
Ra đến giữa hồ, khi không còn thấy Siófok thì Tihany lờ mờ hiện ra. Nhà thờ Tihany với hai tháp nhọn vút cao hùng vĩ in hình trên nền trời trong xanh. Chếch về phía tay trái là bến phà. Khi thuyền vào bến, chúng tôi lên bờ, bắt tay cám ơn ông bạn người Hung của Võ Mai và hai bác tài. Mấy anh em cuốc bộ lên đỉnh núi. Bác tài xế đã chạy vòng tròn, cho xe vào bến ô tô, đợi chúng tôi trên đỉnh Tihany.
Tihany đông khách du lịch. Chúng tôi đi chậm rãi theo con đường uốn lượn quanh quanh. Gặp một ngôi nhà có kiến trúc đẹp, mặt hướng ra phía hồ, tấm biển gắn trên hàng rào đề tên chủ nhân bằng tiếng Đức, Hòa bảo, những ngôi nhà này đẹp đây, và chụp liên tiếp mấy bức ảnh "để làm mẫu, khi nào về hưu sẽ cố xây dựng những ngôi nhà như thế này". Đến một bãi cỏ, có một ban nhạc di-gan đang biểu diễn, người xem xúm quanh khá đông. Việt Trung say sưa ngồi xuống thưởng thức, tâm sự "chưa bao giờ nghe thứ nhạc hay và sôi động thế này". Chuyên gia hình ảnh Phan Việt Quân lúi húi quay cảnh sắc xung quanh. Đứng từ vị trí này, nhìn xuyên qua những lớp lá thông dày và xanh đậm, thấy mặt hồ Balaton trải rộng, những chiếc thuyền buồm bỗng nhỏ xíu như gấp bằng giấy trắng chậm chạp chuyển động trên mặt nước nền xanh ngọc.
Thỉnh thoảng, có ô tô 4 chỗ len vào đường đi, khiến các du khách phải nép về một bên đường. Mọi người bàn tán xem nên ăn trưa ở đâu. Việt Trung nhớ trong những lần thăm Hung trước đây, có đi Tihany, và đã ăn trưa cùng Tuấn còi, Phương B.H. ở một quán ăn "rất hay". Tuấn Anh liên lạc gấp với Tuấn còi để tìm lại dấu xưa. Hóa ra, chúng tôi đã đi quá. Mấy anh em vòng trở lại 200 mét, thì gặp một con đường dẫn thẳng tới nhà thờ Tihany. Thú thật là tôi đã đi Tihany 2-3 lần hồi 25 năm trước. Nay, không nhận ra các con đường nữa (liệu chúng mày có thay đổi không, hả các con đường?). Đến một quán ăn có tầm nhìn thoáng đãng ra mặt hồ, Việt Trung nhớ ra ngay cảnh vật, thế là cả hội bước vào quán ăn đó.
Chúng tôi ngồi vào một bàn dài. Tuấn tồ gọi món ăn, nhưng tiếng Hung có vẻ bonyolult (phức tạp), khiến mấy thực khách Việt Nam tranh cãi với nhau xem gọi như thế thì bồi bàn sẽ đưa món ăn ra theo kiểu gì. Đợi khá lâu (quán đông khách), nhưng ăn thì ngon miệng. Ai cũng sợ béo, lên cân, nhưng thôi, đã đến đây thì phải thưởng thức, về nhà sẽ tập thể dục giảm cân sau vậy. Chúng tôi gọi ba loại rượu vang vàng, trắng, đỏ. Màu vàng hơi ngả màu xanh như màu quả nho chín, làm tôi liên tưởng đến quốc kỳ của Hung-ga-ri. Có một món cá rất ngon, thịt tạo thành từng thớ như vỉa than, lấy dĩa khẽ đâm vào là thớ thịt tách ra ngay.
Rời quán ăn, đang lúc mọi người đang rủ nhau mua tặng phẩm và đồ lưu niệm thì trời đổ mưa. Đài truyền hình đã có lý khi dự báo "sẽ có mưa ở mạn Balaton", và chúng tôi đã có lý, khi đến Balaton vào buổi sáng để đi thuyền buồm. Những chuyến đi như vậy, đời sinh viên có bao giờ dám ước mơ? Các du khách chạy mưa nấp vào một thân cây to ngay cạnh nhà thờ Tihany. Nhà thờ không hiểu sao đóng cửa, nếu không, chắc chúng tôi đã vào nhân thể rẽ vào thăm nhà thờ. Quân vốn là người cẩn thận. Cậu ta mang theo từ Hà Nội hơn chục chiếc áo mưa giấy và hào phóng phát cho chúng tôi tại khách sạn mỗi người một chiếc. Hôm nay, có hai người thủ theo áo mưa, riêng Quân lại quên đem đi. Chúng tôi phân công một người đi tìm bác lái xe ca. Hỏi thăm thì được biết ở đây có nhiều bãi đỗ xe, nhưng bãi đỗ cho xe to thì chỉ có một cái, cách chỗ anh em trú mưa khoảng 400 mét. Một lúc sau, tìm ra bác lái xe, nhưng bác bảo, mọi người phải ra xe, chứ công an không cho xe leo lên nhà thờ, đường đi lại hẹp, khó quay xe, nếu vượt quá chỗ rẽ. Anh em ta đành túc tắc ra xe, trên đường tiện thể ghé các cửa hàng đồ lưu niệm mua mua bán bán. Việt Trung mua một chiếc áo dân tộc tặng vợ. Áo màu trắng, có thêu các hình trang trí bằng chỉ đỏ. Trung bảo, ngày xưa thời sinh viên, khi đi Balaton về đã mua tặng người yêu (bây giờ là phu nhân) một chiếc áo như thế. Kinh nghiệm của Trung là khi hỏi giá, mình hỏi bằng tiếng Anh, nhưng khi trả giá, mình trả bằng tiếng Hung, thế nào chủ quán nó cũng bị bất ngờ, phải gật đầu đồng ý ngay. Cái áo dân tộc thêu các hình trang trí khá đẹp giá 5.000 Ft (khoảng 25 USD). 
Hành trình lúc về định là Balaton-fured, B-kenese, B-foldvár. Nhưng e rằng về muộn, nên cắt ngắn đi, không đi B-foldvár nữa. Đến một ngã ba, Tuấn tồ bảo, nếu đi xe con thì nên rẽ theo lối ấy, đường đi hơi xóc một tí, những tránh được trạm kiểm soát vé. Chúng tôi quan sát thấy dăm ba chiếc xe con của người Hung vội vàng lao về hướng đó. Ra đến đường bao quanh hồ (đường số 71), gặp phải hạn chế tốc độ, các xe đi như rùa bò. Thế là có dịp ngắm nhìn các ngôi nhà xung quanh hồ. Nhiều nhà treo biển "Eladó" (nhà muốn bán). Tuấn tồ bảo, bây giờ mua đất Balaton dễ lắm. Người bán lại hảo tâm, cho không tiền xây dựng, chỉ lấy tiền đất. Những ngôi nhà vắng chủ quạnh hiu, vườn tược không ai chăm sóc, khung xích đu đã gỉ, sơn trắng trên các tấm gỗ kê làm chỗ ngồi bong gần hết, hàng rào xiêu vẹo... trông thật đìu hiu. Du khách phía bên này không có mấy, những nhà ăn công cộng (ebédlo, étkezo, sorozo, borozó...) cửa đóng then cài làm cho không khí cảnh vật buồn thiu. Xe thỉnh thoảng đi ngang qua các đoạn hồ có những bụi lau nghiêng ngả và những chú ngỗng trời khoan thai ung dung bơi lội, phong cảnh có vẻ hữu tình như thế, nhưng lòng chúng tôi không sao bớt lạnh. Ôi, một Balaton sôi động ngày xưa của chúng tôi còn đâu!

Mọi người quyết định trên đường về sẽ ghé thăm thầy giáo cũ ở Érd.

Thăm thầy giáo dạy vật lý
Nói đến địa danh Érd, chắc ít người biết, vì đó chỉ là một thị trấn nhỏ không tên tuổi, cách Budapest trên 40 cây số, trên đường đến hồ Velence (gần trang trại Tuấn-Hoa).
Trên thực tế, thầy giáo dạy vật lý không phải là thầy giáo "thân" nhất của chúng tôi. Ngẫu nhiên, Misike gặp thầy trên đường, nhận ra thầy và trao đổi số điện thoại, và qua thầy, Misike hỏi ra điện thoại cô giáo dạy tiếng Hung (cô Simógyi Péterné). Hồi Misike còn làm việc ở thương vụ, đã có lần Misike gặp cô giáo trong một buổi chiêu đãi trên sứ quán, nhưng đáng tiếc là lần đó Misike không ghi lại số điện thoại cũng như địa chỉ của cô. Đợt đi này, chúng tôi có kế hoạch sẽ tới thăm cô, nhưng hôm nay tiện đường, ghé thăm thầy cũng là việc nên làm. Misike không đi Balaton, nhưng đã liên hệ với thầy và dặn chúng tôi khi nào bắt đầu từ Balaton về thì thông báo để Misike đi từ Budapest lên, hai cánh quân sẽ hội quân ở Érd.
Gần đến Érd, Ái "tầu" gọi điện lại một lần nữa cho Misike thì lúc ấy Misike mới bắt đầu thong dong xuất hành. Cả hội quyết định không đợi Misike nữa, mà chủ động gọi điện cho thầy giáo. Thầy bảo, các anh cứ chờ đó, tôi ra ngay đây. Chờ suốt nửa tiếng, đoán già đoán non hết xe này đến xe nọ mới thấy một chiếc xe 4 chỗ màu trắng tiến lại gần. Từ xa, chúng tôi đã nhận ra thầy giáo dạy vật lý trong doanh trại Petofi. Thầy không già đi nhiều lắm, vẫn cái cách nói chuyện nhấm nhẳn, trả lời nhấm nhẳn đa nghĩa.
Chúng tôi cùng thầy vào một quán giải khát hàn huyên vì nhà thầy không ở gần đấy. Thầy kể, thầy đã lấy vợ lần thứ hai và đẻ thêm 4 đứa con. Chúng tôi buột miệng hỏi, trong số các con thầy, có đứa nào tên là Móriszka không, thầy vụt nhớ ra các chuyện vicc ngày xưa, khẽ mỉm cười. Vợ thầy cũng là giáo viên, dạy tin học. Con thầy nhỏ quá, nên khi đưa con tới trường, nhiều người tưởng lầm là ông đưa cháu đi học. Thầy vẫn phải thường xuyên dặn dò các con là ai hỏi thì bảo với người ta hiện nay bố cháu 50 tuổi (giảm 10 tuổi so với thực tế). Gia cảnh thầy chắc khó khăn, điều đó hiện rõ trên nét mặt. Hai vợ chồng thầy có mở một trung tâm phụ đạo thêm ngoài giờ, kiếm túc tắc. Thầy bảo, lúc các anh gọi điện, tôi đã mặc quần áo định đi ngay, nhưng mấy đứa nhỏ cứ níu lại, bảo, bố ơi, giờ này bố còn đi đâu, bố nhớ về sớm nhé.
Chúng tôi lần lượt báo cáo thầy về sự trưởng thành của chúng tôi. Thầy rất vui và nêu nhận xét: có thể tôi không hiểu lắm về Internet, nhưng tôi thấy thất vọng về nó. Làm sao có thể tiếp thu được những điều liên quan đến Internet, làm sao dạy cho trẻ con sử dụng Internet một cách lành mạnh, có giáo dục? Làm sao Internet có thể giúp loài người trong nhiều lĩnh vực thế? Thầy cũng cho biết, hai cô con gái của thầy (con bà vợ trước) hiện sống cùng chồng và con cái ở Budapest, nhưng đã lâu thầy không có liên lạc.
Một lúc sau thì Misike đến. Ngồi thêm 15 phút, chúng tôi chân thành tặng thầy một món quà nhỏ và ngậm ngùi xin phép tạm biệt thầy. Sau này, Misike kể, thầy còn giữ Misike ở lại thêm, "bắt" Misike về tận nhà thầy và "ôn nghèo kể khổ" với thầy hơn 1 tiếng đồng hồ nữa. Thầy cũng bảo, thầy đã dạy học nhiều năm, nhưng những học sinh mà 30 năm sau tìm lại để gặp thầy thì chỉ có lũ chúng tôi, học sinh Hung cũng không có ai được như thế.
Buổi tối, Misike lại có lời mời tới nhà để bà xã chiêu đãi món bún măng nấu với chân giò. Chúng tôi hiểu, phải có tấm lòng mến khách thế nào thì chị em mới cất công sau giờ làm việc đi mua đi bán, về lại lao vào bếp chế biến các món ăn đặng phục vụ các ông khách của chồng. Chúng tôi ghé qua khách sạn tắm rửa và thay quần áo. Theo kinh nghiệm của Thắng con thì thời tiết khí hậu bên Hung thuộc loại lý tưởng, quần áo thay ra cứ treo trong tủ, vài ngày sau đem ra mặc, đảm bảo không còn mùi gì tồn đọng nữa. Theo kinh nghiệm của một bạn khác thì khi đi nước ngoài, mình cố gắng đem theo dăm bảy bộ, mỗi hôm mặc một bộ, những bộ mặc rồi cho vào túi ny-lông đem về Việt Nam sai ô-sin giặt, tội gì giặt ở khách sạn để Tây nó giết 10 USD cho công giặt là một chiếc áo sơ-mi.
Bà xã Misike hôm nay không tất ta tất tưởi như hôm trước, mà bình tĩnh, đon đả hơn nhiều. Chúng tôi cũng không khách khí, ai đủ sức ăn thêm cứ gọi, Hương phục vụ ngay. Bún ở đây khá đắt đỏ, tính ra 5 đô 1 ký. Thấy bảo, có anh đã mang cả dây chuyền làm bún từ Việt Nam sang, nhẹ nhàng kiếm sống bằng cái nghề bán bún.
Ăn tối xong, chúng tôi uống nước chè, cà phê, ăn kẹo. Trời đổ mưa khá to. Chúng tôi bắt tay cảm ơn ông bà chủ và tranh thủ rút quân về khách sạn.

Thăm Esztergom
Kế hoạch ngày hôm sau là đi Esztergom, nhưng một số "doanh nhân" bận việc nên chỉ một số người đi. Nghe kể lại, anh em trúng mưa to gió lớn nên phải lánh vào một nhà thờ (nhà thờ Visegrád thì phải) thăm thú bất đắc dĩ. Đã có nhiều đoàn Việt Nam qua Hung ớn cái món "nhà thờ" đến tận cổ, vì mình không cảm nhận được văn hóa Châu Âu. Tôi cũng thuộc số đó. Chả nói đâu xa, ở Việt Nam mình đã cảm nhận được vẻ đẹp của Nhà thờ Lớn (Hà Nội), nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn), hay nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình) chưa? Mình ảnh hưởng giáo dục từ bé nên hơi bị ác cảm với nhà thờ. Trông thấy nhà thờ là đã có ý nghĩ liên tưởng đến "sư hổ mang", "sư ăn thịt chó", "oản dâng trước mặt dăm ba cái, vãi nấp sau lưng sáu bảy bà". Vân vân.
Anh em sau đó bổ vào quán rượu giết thì giờ. Lúc đầu xem biểu diễn múa hát ngay trong quán rượu, nhân thể quân mình đế vào hát vài ba bài népdal cũ kỹ, sau đó chán thì quay ra mở hội đánh tá lả. Buổi trưa, mọi người gọi kolbász chấm với mustár, dưa chuột muối, bánh mì nâu, đúng như mong muốn những ngày đầu sang Hung. Chiều, mọi người hơi ngà ngà, đánh một giấc xong, trời tối là vừa.
Nhân thể, tôi xin phép được tán gẫu (dumál) thêm về sông và hồ của nước Hung. Sở dĩ "dây cà lòng thòng ra dây muống" là vì mấy sáng sớm nay, Đài truyền hình MTV đưa tin nhiều về nạn lụt do nước sông Tisza gây ra.
Nước Hung có 2 con sông lớn: sông Duna và sông Tisza. Sông Duna hầu như các bạn học ở Hung đều biết (Hej, Dunáról fúj a szél). Sông Tisza các sinh viên ít có cơ hội biết hơn. Sáng sớm mấy hôm nay, Đài truyền hình MTV đưa tin nhiều về tình hình lũ lụt ven hai bờ Tisza, khiến tôi được sống lại với vài ba kỷ niệm êm đềm với nó.
Lần đi nghỉ Szolnok (mà nhiều bạn đã nosztalgia) chúng ta chỉ gặp một nhánh nhỏ hẹp của sông Tisza thôi. Lần khác, tôi và Đỗ Hòa đi méló gặp bạn ông chủ tốt tính, hân hạnh rủ rê sáng chủ nhật cho đi câu cá cùng ở sông Tisza. Chúng tôi dậy từ 5 giờ sáng, đứng đợi ô tô ở bến xe buýt và đi mất hơn 2 tiếng đồng hồ. "Tài xế" chọn một bãi sông vắng người, đỗ xe dưới một tán cây sồi già, bà vợ ông trải một tấm vải hoa lên mặt đất và chúng tôi bày biện cần câu, xô nước, nồi niêu, thức ăn đồ uống xuống đó. Sông khá rộng, nước chảy xiết, nhìn xuống thấy kinh kinh, không dám nghĩ là mình sẽ bơi qua, mặc dù không rộng bằng sông Duna ở Budapest. Tuy nhiên, nước trong xanh, sạch sẽ, không có rác rưởi lều bều.
Hôm ấy là hôm tôi học bài học đầu tiên về bảo vệ môi trường. Bạn ông chủ mang theo một cái cân, cứ mối lần câu được cá, ông ta lại "bắc" cá lên cân. Con cá nào có trứng hoặc nặng dưới 1 cân bị ông ta vứt tòm xuống sông ngay. Chúng tôi trố mắt mèo, nghĩ, ông này chắc điên rồi! Sau, rụt rè hỏi, tại sao ông vứt cá đi, ông ta thản nhiên bảo, phải thả những con cá đó xuống, thì sau này mới có cái mà câu, tham lam kiểu "uống nước cả cặn" là vô tình đã hủy hoại môi trường mình đang sống. Buổi chiều, về đến Budapest chúng tôi kiểm điểm lại thì ông người Hung câu được nhiều nhất, Hoà câu được hai con, tôi không câu được con nào. Bà vợ ông đem nướng để uống bia và nấu một nồi cháo lớn, ăn tuyệt ngon.
Về hồ, có 4 cái hồ "đáng kể" là hồ Balaton, hồ Tisza, hồ Velence và hồ Fertod (?). Balaton tôi đã đi ngót nghét cả chục lần, Velence đi vài ba lần, nhưng hồ Tisza và hồ Fertod thì chưa được đi lần nào. Nghe nói hồ Tisza cũng đẹp lắm, có rừng cây xanh mướt, những vịnh nhỏ bờ uốn cong và những hòn đảo xinh xắn. Người ta đến đây bơi thuyền (csónak, kajak, kenu, chứ không thấy vitorlás). Người ta cũng đến đây để câu cá, và nghiên cứu về chim (có hơn 50 loài cá và hơn 200 loài chim). Các loài chim làm tổ, sinh sôi, nghỉ ngơi, tránh rét... vùng lân cận hồ. Có dịch vụ đi dạo bằng thuyền xem các tổ chim trên hồ. Trên bờ hồ có nhiều môn giải trí khác: cưỡi ngựa, đi xe đạp, tắm nước nóng, chữa bệnh cùng các môn thể thao dưới nước: bơi, lặn, lướt ván...
Dòng Duna (Đa-nuýp) nổi tiếng với dịch vụ đi tàu thủy lên phía Bắc đến sát biên giới Tiệp (quá Miskolc), gọi là khúc cong Duna (Duna kanyar), sau đó quay trở lại. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể đi bằng đường bộ (ô tô) lên Esztergom, thăm thú các vườn nho, trang trại gần khúc cong. Đừng tưởng, nước nho ép (cho nho vào thùng gỗ cao quá đầu người, nén mạnh từ trên xuống cho nước từ từ chảy ra) uống nhiều sẽ bị say mèm, chứ không đơn thuần là nước giải khát. Vào chơi các trang trại, chủ nhà hào phóng mời uống bao nhiêu tùy thích. Nho này (dùng cho công nghiệp chế biến rượu) khác với nho quả để ăn. Quả của nó ăn rất... chát, nói thẳng ra là không ăn được, mặc dù trông đẹp mã. Tím có, vàng có, đỏ có, đen có. Trong vườn nho rượu, nông dân phải trồng thêm vài chục luống "nho lấy quả". Một kiểu lao động kiếm tiền là đi vắt cành nho. Tôi cũng đã đi một lần, nhưng họ trả ít tiền nên mình thôi không đi nữa. Các bạn nữ làm việc này thì hợp.
Trong các trang trại người ta nuôi thả các loại gia cầm: lợn, gà, vịt, ngỗng, bồ câu... Có loại ngỗng nuôi chủ yếu là lấy... gan, cổ phình ra to bằng cái ấm tích. Nghe như chuyện cổ tích, nhưng thực tế là gan ngỗng đắt hơn thịt bò. Có mấy cậu bạn sinh viên lớp tôi quê mạn này. Mỗi đợt nghỉ đông lên (ngoài nghỉ hè, học sinh Hung có cả kỳ nghỉ đông 2 tuần), các cậu ấy mang theo một khúc téli kolbász rắn như sắt đeo tòng teng ở cổ và cắp nách một tảng mỡ muối hun khói mặn chát (salona), ai cực kỳ thân mới được cậu ta rút con dao nhỏ sắc lẹm đeo ở thắt lưng, khẽ nín thở xắn cho một lát mỏng như tờ giấy pơ-luya để mình trân trọng kẹp nhè nhẹ vào giữa hai lát bánh mì. Ăn xong, ai cũng có thể uống một hơi hết hai cốc vại nước, vặn trong vòi nước ở toi-lét cho đã cơn khát.

Làm việc với các doanh nghiệp bạn
Trong đợt các doanh nghiệp của bạn tháp tùng Thủ tướng sang Việt Nam, đã có một số trao đổi bàn bạc. Đợt này, Võ Mai dẫn anh em đi gặp các doanh nghiệp bạn bàn chuyện làm ăn cụ thể hơn.
Nhận xét chung là xã hội Hung có sự phân hóa sâu sắc. Một số người giỏi đi ra phương Tây tìm kiếm "miền đất hứa". Một số trụ lại và tìm ra con đường đi riêng của mình. Những người đó chắc có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", hiểu theo nghĩa có vốn liếng, quan hệ, kỹ thuật cao, công nghệ độc đáo, bạn bè cùng chí hướng... Số đông dân chúng có biểu hiện "nằm chờ", những rơi rớt còn lại của CNXH. Hung xưa nay nổi tiếng về điện tử. Chẳng ngẫu nhiên Việt Nam cử nhiều người học điện tử ở Hung đến thế.
Thủ đô Budapest đang trong thời kỳ cải tạo toàn diện hệ thống giao thông trên bộ: đường ô tô, đường tàu điện nổi và các ga tàu điện ngầm. Đào bới khắp nơi. Cấm đường khắp nơi. Bụi mù. Nghe đồn, Cộng đồng châu Âu EU đang tài trợ kinh phí để cải thiện lại bộ mặt 4 thành phố của Châu Âu, mà Budapest là một trong 4 thành phố ấy. Nếu năm sau cũng có đoàn đi thăm Hung thì đoàn đó chắc được hưởng lộc từ EU, không gặp phải tình trạng bộ mặt đô thị Budapest "nhằng nhịt đau thương" như chúng tôi buộc phải chiêm ngưỡng như hiện nay.
Nhiều ngôi nhà cổ cũ nát trong nội đô nhân dịp này bị phá dỡ ra, nhưng điều quan trọng là họ có định khôi phục bản sao của nó không (kiến trúc của chúng thật đẹp!), nếu không thì thật tiếc. Chúng tôi có ý định lên thăm thú lại thành Vár, khách sạn Hin-tơn, Halászbástya, đảo Margit,... nhưng chưa đi được. Tuy nhiên, nhìn từ xa thì thấy "xấu" chứ không "đẹp" như hồi trước. Đi ngang qua Quảng trường Tròn, thấy cái nhà tròn tròn thấp lè tè chưa bị phá đi, hơi nản. Từ khu Info Park, qua cầu Lágymányosi một đoạn, thấy một chiếc nhà kính chình ình bên tay phải, mọi người bảo, kia kìa, đằng sau cái nhà kính là Zalka Máté đấy. Trông buồn quá.
Dông dài một chút để thấy tâm trạng ngổn ngang của chúng tôi trước khi gặp gỡ, và những hy vọng của chúng tôi ở các doanh nghiệp Hung vẫn còn bé nhỏ. Bạn huy động 15 doanh nghiệp thuộc đầu mối AHEAD (Hiệp hội doanh nghiệp Hung-ga-ri) long trọng đón tiếp chúng tôi. Hôm sau, bạn mời đến tận trụ sở của các doanh nghiệp quan tâm để "mục sở thị". Bạn thích làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam có người biết nói tiếng Hung, cho dù các bạn Hung nói tiếng Anh rất dẻo (người Việt mình nói cũng tàm tạm, bạn khen thế). Song có lẽ, yếu tố văn hóa, tinh thần tự do, một chút tự kiêu dân tộc tạo nên yêu cầu đó. Bàn luận công việc bằng tiếng Hung nghe nó thân thương thế nào ấy, dễ thông cảm các khó khăn mà đối tác có thể gặp phải, dễ đáp ứng các yêu cầu của phía đối tác, và dễ bỏ qua, nếu các yêu cầu có gì đó "cao" hay "không phải". Những lúc căng thẳng có thể dùng tục ngữ, phương ngữ hay nói đùa để giải tỏa bớt. Khi chúng tôi đến một doanh nghiệp Hung, ông chủ tịch gọi toàn bộ ban lãnh đạo đến và giới thiệu :"Các bạn Việt Nam đây đều nói tiếng Hung, hiểu tiếng Hung. Hơn thế, chúng ta đều cùng tốt nghiệp một trường, đó là trường BME". Nghe thế đã thấy muốn hợp tác.
Hoặc đến một doanh nghiệp khác, họ mời trưa nay đi dùng bữa trưa với họ, chúng tôi từ chối vì còn bận rất nhiều việc. Nhưng sau đó, do bàn luận công việc quá sốt sắng (có nhiều câu hỏi và nhiều câu trả lời), quên bẵng cả thời gian, nên cuối buổi thảo luận thì cũng là giờ ăn trưa, bạn lại mời thêm một lần nữa, nhưng biết ý, chỉ mời ăn nhanh, ăn cơm theo suất, không bày vẽ cầu kỳ phải ra restauránt làm gì cho mệt, chúng tôi cũng chẳng sĩ diện hão làm gì, người ta thật lòng mời thì mình nhận lời, miễn là tiện công việc (sau đó doanh nghiệp này lại móc nối sang một doanh nghiệp khác). Trong khi ăn hỏi han nhau về gia đình, ý thích cá nhân rất phù hợp.
Các bạn Hung quan tâm nhiều đến vấn đề giải ngân. Giải pháp đã có, nhưng liệu khi Bên B đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc, có bị Bên A chậm tiền không?. Họ rất sợ bị dây dưa bởi những lý do không đâu, còn chất lượng công việc, hai bên phải kiểm tra nhau kỹ càng: càng cụ thể, càng chi tiết bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Đừng sợ mất lòng nhau.
Kết quả là nhiều đối tác của Võ Mai sẽ bay đi Hà Nội trong một ngày gần đây.

Liên hoan chia tay
Tất nhiên, buổi liên hoan không có nải chuối nào cả. (Liên hoan, có một nải chuồi / Làm em nhớ mãi cái buổi chia tay…)
Trước ngày một bộ phận của đoàn sẽ lên đường về nước (23/8/2005), Việt Trung nhờ Tuấn Anh đặt chỗ ở quán ăn Đài Loan và gọi điện thông báo đoàn muốn mời các anh chị em bạn bè cũ, trong và ngoài quân đội cùng gia quyến tới dự buổi gặp mặt thân mật. Không ngờ, buổi tối hôm đó mọi người nhiệt tình đến thế. Ngoài các "chiến tướng đá hay mọi nhẽ" đã gặp hôm bước chân tới Budapest đầu tiên ở quán rượu, còn có đủ các gương mặt đã cùng tụ tập trên trang trại Tuấn-Hoa: các gia đình Tuấn tồ, Tuấn Anh, Tuấn còi, Misike, Cường lủi, Thính, Mệnh, Chính, Khánh, a. Quang B14, Bình "xoăn", Minh "bọ", đội cứu quốc quân ở Szolnok (Phương, Đạo, Tuấn...), và Phương, Điệp, Tiến "docens"... Lớp của Dũng "vịt" cũng tổ chức gặp mặt cùng trong quán ăn này.
Thật may mắn, Misike báo tin được cho cô giáo Simógyi Péterné (Minh dặn, cô đã lấy lại tên thời con gái, vì đã chia tay ông chồng). Đúng giờ, cô lái chiếc Rơ-nô màu trắng nhỏ nhắn đến. Thế là hầu hết các mục tiêu đề ra của chuyến đi thăm Hung-ga-ri đã được thực hiện.
Mọi người cùng nâng cốc chúc mừng sức khỏe, chúc mừng ngày gặp mặt trọng đại hôm nay. Dùng từ "trọng đại" có thể hơi quá, song phải thừa nhận, rất khó có những cơ hội lớn để gặp mặt đông đủ như ngày này.
Cô giáo Simógyi Péterné làm mọi người ngạc nhiên khi cô cho anh em chúng tôi xem các bức ảnh đen trắng cô còn giữ. Nước ảnh vẫn tươi nguyên như ngày nào, phía sau là những dòng lưu bút chân thành bằng tiếng Hung (có cả chữ ký) của lũ chúng tôi, dẫu đọc lại thấy nó chưa được magyarosan lắm. Việt Trung khoái chí chụp lại toàn bộ các dòng lưu bút này. Nói một cách không "nịnh đầm", cô giáo vẫn trẻ đẹp như hồi trước, thay đổi không nhiều, đảm bảo ra đường, trông thấy chúng tôi nhận ra ngay. Một mặt, tạng cô nó thế, mặt khác, cô là người rất biết cách trang điểm và chăm sóc hình thức bên ngoài. Cô khoe đã có cháu ngoại 4 tháng tuổi. Cuộc sống của cô bình thường, nhưng chúng tôi đoán là khá giả, vì cô nói cô đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, Trung Quốc, Thái lan, Singapore, Canada... (hơn 30 nước) nhưng sajnos,  Việt Nam thì chưa. Cô giáo nói sẽ có kế hoạch đi Việt Nam trong những năm tới đây.
Vẫn như ngày nào, cô dè dặt hỏi hồi đó cô có bao giờ làm điều gì khiến chúng tôi phật ý không? Chúng tôi đùa, bảo, đã có lần chúng tôi "hư" và cô đã "mắng" chúng tôi. Đó là lần cô giáo và học trò tranh luận về "có ò hay không có ò", vì ngôn ngữ chính thống và ngôn ngữ báo chí không phải lúc nào cũng trùng khít. Cô không nhớ ra, song tự cho mình là hồi đó còn trẻ, bồng bột nên đã làm những điều butaság như thế. Chúng tôi cũng nhắc lại kỷ niệm: có lần cô phải nhịn đói đạy chúng tôi vì chạy từ bên Intézet sang không kịp (hoặc đồng hồ cô bị chậm), đến giờ giải lao, ăn bánh mì ở phòng giáo viên không tiện, cô đành mang bánh mì ra ăn ở...đầu hồi, chúng tôi ngó thấy nhưng giả tảng tránh đi chỗ khác. Cô cùng chúng tôi ôn lại lần chúng tôi tới nhà cô. Hiện, cô đã chuyển nhà, nhưng egy lépéssel fejjeb (cao hơn một nấc), nói địa chỉ ra thì ngay gần nhà Tuấn còi, à quên, Tuấn-Hồng.
Bạn Điệp (trước học Đo lường-Điều khiển cùng Võ Mai và Đỗ Hòa, Quang Hùng) chạy lại nâng ly và hỏi thăm bạn Hòa. Bạn Hòa đã bay về Ba Lan từ sáng sớm, nên không gặp được cô giáo. Hơi tiếc cho Điệp là hôm nay bạn không cho hai đứa nhóc, một trai một gái đến. Lần gặp gỡ do Hội Hữu nghị Việt-Hung tổ chức bên quán Đầm Sen ở Gia Lâm, chúng tôi đã gặp Điệp. Trước kia, Điệp ở ký túc xá Kruspér nên quen biết các em lớp dưới như Mai (vợ Việt Trung), Hương (vợ Tuấn Anh) và Hồng (vợ Tuấn còi), và đã từng dịch giấy khai sinh cho con của vợ chồng Tiến-Kim Anh nên chả lạ gì mọi người.
Điệp kể, khi biết tin có đoàn đi Hung, Điệp đã điện thoại cho Minh Hà đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, bảo "thế nào, có sang Hung không, các anh bộ đội sang đấy?", thấy Hà ngần ngừ, Điệp bảo "mày có sang, tao mua vé cho!", Hà bảo "thế còn ông Dũng nhà tao", Điệp bảo "tao chỉ lo vé cho một mình mày thôi, ông Dũng phải tự lo liệu lấy". Sau đó, một hôm, bạn Điệp đột ngột báo tin cho chúng tôi là có Song Hà và Minh Hà (ở Kecskemét lên) đang đợi, nhưng thật tiếc, chúng tôi không đến được (đang ở trên trang trại Tuấn-Hoa). Hiện, Điệp đang làm phiên dịch cho các cơ quan hữu quan của Hung (theo Điệp nói, chủ yếu là phiên dịch tại tòa án). Nhiều khi, các bị cáo không thạo tiếng Hung, chỉ nói võ vẽ, lại cứ muốn tự mình trình bày với tòa, sợ phiên dịch nói không hết các ý cần diễn đạt của mình. Thế nên, đã có vài ba trường hợp "thật như đùa". Tòa hỏi, "thế sau khi chia tay chúng mày có còn sống với nhau nữa không?", cô gái kia bảo "akkor alszik, akkor nem", ngụ ý là "khi ngủ cùng, khi không", song tòa "dốt" tiếng Hung quá, chả hiểu gì cả. Tính bạn Điệp khá cẩn thận. Sợ mọi người sang Hung không có điện thoại để gọi, Điệp cho tôi mượn điện thoại của cô con gái. Chu đáo tặng quà cho một số người sang Hung đã đành (một cái áo tặng cho con gái, một lọ nước hoa Paris tặng bà xã, và một khúc szalami cho đức ông chồng), bạn còn tặng quà cho cả những người đi hụt (a. Diễn) và người không đi (Quang Hùng). Cám ơn Điệp.
Các máy ảnh đua nhau hoạt động. Các khuôn mặt rạng rỡ niềm vui. Những chiếc bắt tay thật chặt. Mọi người đều cởi mở tấm lòng.
Việt Trung ga-lăng, gọi một cô gái bán hoa hồng tươi cười xách lẵng hoa tươi thắm vào quán ăn và thay mặt cánh đàn ông mua tặng mỗi phụ nữ một bông hoa hồng. Các bà vợ, phu nhân trông xinh tươi hẳn lên. Sau đó, Việt Trung dền dứ kể lại truyền thuyết "Vì sao lại gọi là chợ Bốn con hổ?" làm các chị em cười rũ rượi, còn riêng Hương, vợ Misike thì luôn miệng nhắc nhở: "Bác Trung cứ nói thế, chứ em có thế đâu...".  Việt Trung gật gật đầu công nhận: "Ờ, ờ, công nhận là tiến bộ nhiều rồi".
Chúng tôi hát các bài hát cũ, câu được câu chăng, nhớ bài gì hát bài nấy, nhưng chính vì thế mà tạo ra một không khí nóng bỏng katonásan. Vừa hát vừa nghiêng ngả như dàn nhạc thính phòng. Đầu tiên là:
Nehéz a boldogságtól búcsút venni.
Ma mégis én meg nem tettem.
Ha majd a másik, kevésbé jó lesz.
Legfejebb rád emlékezem.
Thật khó khăn chia tay với Hạnh phúc! Những ngày qua của chúng tôi hơn 20 năm trước đây là những ngày hạnh phúc không-dễ-chia-tay.
Van egy kicsi házikó (cồ)
Fehér fala ragyogó (ố...ồ)
Oda jártunk te meg én (ến...ền)
Boldogságunk idején.
Có một ngôi nhà nhỏ, tường của nó chói sáng. Anh và em, chúng mình đã đi đến đó trong thời kỳ hạnh phúc của chúng ta. Những lời ca mượt mà được các giọng ồm ồm cất lên bằng cả trái tim.
Và tất nhiên, không thể thiếu "bài truyền thống":
Az szép, az szép, akinek a szeme kék, akinek a szeme... kék.
Lám az enyém, lám az enyém, sötét kék.
..............................................
Az szép, az szép, akinek a szeme kék, akinek a szeme... fekete.
Mấy người Hung ngồi ăn trong quán vỗ tay tán thưởng theo nhịp bài hát. Có người lấy máy ảnh và điện thoại di động ra chụp lại hình ảnh chúng tôi.
Ai đó bắt nhịp:
Szász-forint-nak ot-ven a fe-le
Thế là cả hội lại gào lên:
Szász-forint-nak ot-ven a fe-le
Tiếp theo:
Szombat este, késo este, kilencet ut az óra
Az a kislány, barna kislány...
Álom, álom, miért nem jossz?
Tiếp theo:
Volt egy fiú, árva fiú, nem szerette senki
..............................................
Árva fiú, jojj vissza, hová sietsz, hová jossz
Valaki hiv, valaki vár.
Chúng tôi muốn vô tư lự như ngày nào.
Egy nyáron át
Azt hittem én
Hogy napsugár
Csak az enyém

Egy nyáron át
Kifutottam
A nagy rétre
Lepkét fogtam
Vào một mùa hè, tôi cứ nghĩ rằng tia nắng mặt trời là của riêng một mình tôi. Vào một mùa hè, tôi vô tư chạy ra đồng cỏ xanh vợt con bướm vàng.

Bài hát cuối cùng là bài "Tiến bước dưới quân kỳ". Hát ầm ầm như chợ vỡ.
Vừng đông đã hửng sáng
Núi non cao ngàn trùng xa
..............................................
Bộ đội của ta đang mạnh lớn
..............................................
Lấp lánh sao bay trên quân kỳ.
Quá vui.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi được Misike, Tuấn Anh và Ái "tầu" tiễn ra sân bay.

Tạm biệt nước Hung!

---------------------------
Hà Nội, 2005.
PPH



No comments:

Post a Comment